Thị trường chứng khoán: Điểm số và thanh khoản đều tăng trong một tuần dày đặc sự kiện tác động

Thị trường chứng khoán: Điểm số và thanh khoản đều tăng trong một tuần dày đặc sự kiện tác động
3 giờ trướcBài gốc
Thị trường chứng khoán trong nước tuần qua diễn biến khởi sắc trở lại sau tuần điều chỉnh phía trước. Thị trường duy trì quán tính giảm trong phiên đầu tuần nhưng lực cầu chủ động tăng nhanh và tập trung vào các mã bluechips đã giúp chỉ số cải thiện khá tốt. Thanh khoản cũng được cổ vũ khá tích cực khi đón nhận các thông tin tích cực và vượt qua cả các tác động như đáo hạn phái sinh hay ETF tái cơ cấu danh mục.
Đóng cửa phiên cuối tuần, chỉ số VN-Index đóng cửa tại 1.272,04 điểm, tăng +20,33 điểm, tương đương mức tăng +1,62% so với tuần trước. Mức điểm này của VN-Index vẫn là mức cao hơn so với vùng giá cao nhất của năm 2023 (1.255 điểm). Trong khi đó, chỉ số VN30-Index tăng tốt hơn với +2,45% lên mức 1.326 điểm.
Trên sàn Hà Nội, hai chỉ số chính cũng có một tuần tăng điểm. Theo đó, chỉ số HNX-Index cũng khởi sắc với kết tuần tại mốc 234,3 điểm, tăng +1,88 điểm, tương ứng +0,81% so với tuần trước. Trong khi đó, chỉ số UPCoM-Index cũng +0,7 điểm, đạt 93,6 điểm.
Thanh khoản thị trường chứng khoán tuần này khởi sắc hơn hẳn so với tuần trước. Thống kể trên cả 3 sàn, tổng giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 18.021 tỷ đồng/phiên, tăng hơn +30,8% so với con số của tuần trước.
Về diễn biến các nhóm ngành, về cơ bản số ngành tăng thăng thế ngành giảm điểm. Theo dữ liệu từ SHS Research, nhóm ngành tích cực nhất góp phần cho sự tăng điểm của thị trường tuần này là nhóm chứng khoán với các mã: SSI (+4,02%), HCM (+4,97%), FTS (+1,82%), VND (+4,90%), MBS (+4,03%), VCI (+3,29%), SHS (+3,38%)...
Ngoài nhóm này, một số nhóm cổ phiếu khác cũng có diễn biến ấn tượng như ngân hàng, tiêu biểu với VCB (+0,78%), BID (+1,76%), TCB (+6,08%), CTG (+3,15%), ACB (+5,12%), MBB (+3,56%), VPB (+2,71%)... Nhóm cao su giao dịch khởi sắc với GVR (+2,89%), PHR (+1,21%), DPR (+2,82%)...
Cùng với đó, nhóm cổ phiếu bất động sản dân cư giao dịch trong sắc xanh với CEO (+2,61%), PDR (+3,26%), DIG (+3,41%), HDG (+2,25%), VHM (+1,74%)...
Ghi nhận trong tuần này, một số ngành khác chứng kiến nhiều mã giảm điểm như ngành thực phẩm và đồ uống với VNM (-0,27%), KDC (-2,92%), SBT (-2,57%)...
Đa số cổ phiếu ngành năng lượng và khí đốt có một tuần giao dịch trong sắc đỏ, cụ thể là GAS (-1,62%), PGV (-3,18%), POW (-1,95%)…
Cùng như điểm số, thanh khoản tuần này khởi sắc hơn hẳn so với tuần trước. Thống kể trên cả 3 sàn, tổng giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 18.021 tỷ đồng/phiên, tăng hơn 30,8% so với con số của tuần trước (13.776 tỷ đồng). Thanh khoản thị trường cũng tăng trên từng sàn, trong đó, sàn HOSE tuần này, tổng giá trị giao dịch đạt 16.309 tỷ đồng/phiên.
Thị trường chứng khoán: Điểm số và thanh khoản đều tăng trong một tuần dày đặc sự kiện tác động
Khối ngoại tuần này đã quay trở lại mua ròng khá tốt với +1.221,2 tỷ đồng. Trong đó, tính trên HOSE, khối ngoại tập trung vào các mã gồm SSI (+666 tỷ đồng), FPT (+363,44 tỷ đồng), TCB (+274,22 tỷ tỷ đồng) và NAB (+115,40 tỷ đồng)... Ở chiều ngược lại, khối ngoại lại bán ròng HPG (-263,22 tỷ đồng), VIX (-213,80 tỷ đồng), VPB (-173,31 tỷ đồng)...
Cùng với đó, mua ròng tuần này từ khối ngoại cũng diễn ra trên sàn HNX với +71,07 tỷ đồng, tập trung tại các mã PVS (+54,92 tỷ đồng), HUT (+15,18 tỷ đồng) và PVI (+13,85 tỷ đồng)... và chiều bán ròng nổi bật với NTP (-23,07 tỷ đồng), BVS (-7,77 tỷ đồng), LAS (-5,50 tỷ đồng)…
Thị trường chứng khoán trong nước trải qua một tuần diễn biến khá sôi động, với hàng loạt thông tin và sự kiện lớn đang chu ý. Điều mà thị trường ngóng đợi trong nhiều tháng 3 đã thành hiện thực đó là việc FED giảm lãi suất lần đầu với 50 điểm cơ bản. Tiếp đó, Thông tư 68/2024/TT-BTC cũng đã được ban hành, trong đó gỡ các nút thắt quan trọng cho tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây là những thông tin tích cực đã tác động tốt tới tâm lý của nhà đầu tư trên thị tường.
Bên cạnh đó, phiên đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 9 trên thị trường phái sinh và phiên tái cơ cấu các quỹ ETF cũng đã diễn ra trong tuần qua. Thị trường chứng khoán trong nước cũng có tác động nhưng không quá lớn và cũng khá bình yên.
Thị trường nhìn chung đang diễn biến ngày càng tích cực hơn khi tâm lý bớt thận trọng và hỗ trợ dòng tiền vào tốt hơn, mặc dù rằng thị trường đang cho thấy sự giằng co khá lớn quanh mốc 1.270 điểm.
"Với diễn biến hiện tại cho thấy dòng tiền cải thiện mở ra nhiều vị thế tốt. Thị trường đang có tín hiệu luân phiên xoay vòng, nhà đầu tư vẫn có thể xem xét mở rộng, gia tăng giải ngân đối với các mã chất lượng tốt, các mã/nhóm tích lũy chưa phục hồi nhiều, có vùng giá tương tương VN-Index quanh 1.250 điểm trước đây" - SHS Research.
Nhận định về xu hướng ngắn hạn của thị trường, các chuyên gia của SHS Research cho rằng, chỉ số VN-Index kỳ vọng đã kiểm định tốt vùng hỗ trợ quanh 1.250 điểm, tương ứng vùng giá cao nhất năm 2023 với khối lượng giao dịch gia tăng tốt. Xu hướng ngắn hạn VN-Index cải thiện, tăng trưởng với vùng hỗ trợ gần nhất quanh 1.270 điểm, giá trung bình 20 phiên với kỳ vọng sẽ tiếp tục kiểm tra lại vùng giá 1.280 điểm - 1.300 điểm.
“Những diễn biến hiện tại cho thấy, lực cầu và dòng tiền ngắn hạn cải thiện tốt, thị trường mở ra nhiều cơ hội ngắn hạn khi rung lắc điều chỉnh, nhất là đối với các mã chưa phục hồi nhiều, có vùng giá tương đương VN-Indexở thời điểm quanh 1.250 điểm” - SHS Research cho hay.
Còn theo các chuyên gia của VDSC Research, thị trường chứng khoán trong nước đang chịu áp lực bán khi kiểm tra lại vùng 1.280 điểm và hạ nhiệt đáng kể. Thanh khoản tăng so với phiên trước, cho thấy nguồn cung tăng khi thị trường tiến đến vùng cản, tuy nhiên trong đó có tác động của sự kiện cơ cấu của các quỹ ETF.
Về mặt kỹ thuật, hiện tại vùng 1.270 điểm đang có tác động hỗ trợ. Dự kiến thị trường sẽ được hỗ trợ tại vùng này và hồi phục trở lại để tiếp tục quá trình kiểm tra lại vùng cản 1.280 – 1.290 điểm. Do vâỵnhà đầu tư vẫn có thể kỳ vọng khả năng được hỗ trợ và hồi phục của thị trường. Tuy nhiên, tạm thời vẫn cần cân nhắc đợt hồi phục này để cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro” - Chuyên gia của VDSC Research nhận định.
Trong khi đó, theo các chuyên gia của SSI Research, về mặt kỹ thuật, trong phiên cuối tuần, chỉ số VN-Index có lúc vượt qua ngưỡng 1.283 điểm, nhưng đã hạ nhiệt và lùi về gần như thấp nhất phiên. Các chỉ báo kỹ thuật cho thấy khả năng thị trường sẽ đối diện rủi ro rung lắc ngắn hạn với hỗ trợ gần nhất tại 1.255 - 1.257 điểm./.
Thái Duy
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thi-truong-chung-khoan-diem-so-va-thanh-khoan-deu-tang-trong-mot-tuan-day-dac-su-kien-tac-dong-160060.html