Thị trường chứng khoán kỳ vọng sẽ có nhiều bứt phá năm 2025

Thị trường chứng khoán kỳ vọng sẽ có nhiều bứt phá năm 2025
một ngày trướcBài gốc
Thị trường duy trì tăng trưởng ổn định
Năm 2024 có thể được coi là một năm thành công của kênh chứng khoán khi tỷ suất sinh lời vượt trội hơn so với kênh đầu tư truyền thống như tiết kiệm. TTCK vẫn duy trì tăng trưởng ổn định, khẳng định là kênh dẫn vốn trung, dài hạn quan trọng của nền kinh tế. Trên thị trường, dòng tiền tập trung vào một số ít cổ phiếu tăng trưởng và những nhóm ngành có kết quả kinh doanh nổi bật. TTCK còn phải cạnh tranh gay gắt với các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản và tiền điện tử… vốn đang trở nên ngày càng hấp dẫn.
Thị trường chứng khoán duy trì được đà tăng trưởng nhưng có sự phân hóa rõ nét. Ảnh: T.L
Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bền vững
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai chương trình công tác năm 2025 của Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đề nghị, trong năm 2025, UBCKNN tập trung triển khai quyết liệt vào các giải pháp như: hoàn thiện các quy định hướng dẫn thi hành sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán trong Luật số 56/2024/QH15; triển khai đồng bộ các giải pháp đề ra tại Chiến lược Phát triển TTCK đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh đó, quyết liệt, khẩn trương triển khai sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước, Bộ Tài chính. Đồng thời, tiếp tục tổ chức vận hành thị trường hoạt động ổn định, thông suốt, đảm bảo an ninh, an toàn. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm trên TTCK, nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật hướng đến sự phát triển của thị trường theo hướng minh bạch và bền vững.
Bộ trưởng Bộ Tài chính tưởng rằng, với sự đoàn kết, nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức UBCKNN, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành và sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, TTCK Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bền vững, khẳng định là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế và là công cụ quản lý vĩ mô quan trọng của Chính phủ, đóng góp ngày càng quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước./.
Nhìn nhận về TTCK trong năm 2024, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam cho biết, năm 2024, TTCK vẫn duy trì được mức tăng trưởng so với năm 2023, nhưng có sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm cổ phiếu. Với những biến động của thị trường năm qua những nhà đầu tư dài hạn sẽ ít bị ảnh hưởng, nhưng những nhà đầu tư “lướt sóng” có khả năng cao bị “bào mòn” thành quả, thậm chí “bào mòn” vốn.
Ông Minh cũng cho rằng, năm 2024, thanh khoản thị trường mặc dù có sự hồi phục so với năm 2023 nhưng vẫn ở mặt bằng không quá cao. Nguyên nhân là do thị trường đi ngang, do dòng tiền có khuynh hướng dịch chuyển sang kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản... Ngoài ra, lượng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài đạt mức kỷ lục cũng là vấn đề đáng lưu tâm của TTCK năm qua.
Trong khi đó, ông Trương Hiền Phương – Giám đốc cấp cao, Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam đánh giá, năm 2024 là năm mang tính bản lề, thị trường chưa có sự đột phá rõ ràng để tạo ra những kết quả cụ thể nhưng đã có rất nhiều hành động từ phía cơ quan quản lý với các bước chuẩn bị, tạo nền tảng cho TTCK Việt Nam phát triển vào năm 2025. Cụ thể Thông tư 68/2024/TT-BTC, Luật Chứng khoán (sửa đổi) được Quốc hội thông qua và nhiều văn bản hướng dẫn khác đang được hoàn thiện, nhằm giải quyết những vấn đề còn vướng mắc, chưa phù hợp.
Nhiều "cửa sáng" cho năm 2025
Giám đốc Phân tích Yuanta Việt Nam dự báo, bước sang năm 2025 sẽ có nhiều cơ hội rõ nét cho TTCK. Đầu tiên, chính sách tiền tệ của các quốc gia đang có sự đồng pha. Chênh lệch lãi suất của các đồng tiền có sự thu hẹp. Năm 2025, dự đoán đồng USD sẽ hạ nhiệt, lợi suất của trái phiếu chính phủ Mỹ cũng hạ nhiệt. Như vậy sẽ giảm áp lực tỷ giá của các quốc gia trong đó có Việt Nam. Cơ hội nới lỏng chính sách tiền tệ của các quốc gia cũng sẽ là yếu tố để dòng vốn rút khỏi các thị trường phát triển đầu tư vào các thị trường đang có định giá thấp hơn như Việt Nam.
Bên cạnh đó, ông Minh cho rằng, một điểm nhấn quan trọng cho động lực của TTCK năm 2025 chính là đà hồi phục của nền kinh tế. Với mục tiêu tăng trưởng GDP đạt từ 7 - 7,5%, thậm chí cao hơn trong năm 2025, sẽ là bệ đỡ vững chắc cho TTCK phát triển. Ngoài ra, sự hồi phục của thị trường bất động sản sẽ giảm rủi ro cho TTCK. Dự báo nửa cuối năm 2025, thanh khoản thị trường bất động sản hồi phục trở lại, đóng góp nhiều cho GDP của Việt Nam năm 2025.
Bên cạnh đó, làn sóng dịch chuyển FDI cùng xuất nhập khẩu hồi phục đặc biệt là giá bán, ngoài khối lượng đơn hàng tăng cũng kỳ vọng giá bán ra của các lĩnh vực trọng yếu như thủy sản, dệt may cũng tăng trở lại trong năm sau.
Về định giá, định giá của TTCK, năm sau vẫn kỳ vọng mức tăng trưởng của các doanh nghiệp trên TTCK sẽ đạt từ 18 - 20%, P/E của thị trường ở mức thấp hơn trung bình 5 năm, định giá thấp cùng với tỷ suất lợi nhuận đạt mức cao của TTCK Việt Nam là cơ hội để TTCK tăng trưởng.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Trương Hiền Phương dự báo, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục giảm lãi suất, điều này làm cho dòng vốn đầu tư trên thế giới sẽ đảo chiều. "Chúng ta sẽ chứng kiến dòng vốn bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhỏ dần và ghi nhận mua ròng trở lại trong năm tới" - ông Phương nói.
Ngoài ra, với nỗ lực cải thiện những tiêu chí nâng hạng, dự kiến tháng 3/2025, TTCK Việt Nam sẽ được đưa vào danh sách nâng hạng để tháng 9/2025 chính thức được công nhận. Đây là thông tin tích cực để quỹ đầu tư trên thế giới, quỹ đầu tư có quy mô lớn, chuyên đầu tư vào thị trường mới nổi bắt đầu tìm đến TTCK Việt Nam.
Động lực tiếp theo của TTCK trong năm 2025 chính là đầu tư công, với việc khởi động một loạt dự án mới với khối lượng quy mô đầu tư lớn. Bên cạnh đó, trước lo ngại về sự gia tăng sức mạnh đồng đô la Mỹ và căng thẳng thương mại, Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt để ổn định tỷ giá và giảm áp lực lên nợ công, nhập khẩu.
Ông Phương tin rằng, với những thông tin tích cực sẽ tạo ra niềm tin và sự phấn khích cũng như sự lạc quan trở lại với nhà đầu tư trong và ngoài nước. Khi nhà đầu tư trong nước lạc quan trở lại họ sẽ đẩy mạnh giải ngân và dòng tiền lạc quan sẽ giúp thị trường tăng điểm.
Các chuyên gia cũng dự báo trong năm 2025, dòng tiền có xu hướng đa dạng hóa vào nhiều kênh đầu tư khác nhau nhưng vẫn có sự chọn lọc. TTCK là kênh đầu tư gần như chưa tăng quá nhiều trong 2 năm 2023 - 2024. Vì vậy, với việc các kênh đầu tư khác có xu hướng biến động hơn, dòng tiền được kỳ vọng sẽ đổ vào TTCK, tạo động lực tăng trưởng cho thị trường này trong năm 2025./.
Mục tiêu nâng hạng đã gần hơn
Theo dự đoán, năm 2025, TTCK Việt Nam được kỳ vọng sẽ nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi của FTSE Russell. Điều này được hỗ trợ bởi Luật Chứng khoán (sửa đổi), cùng với đó là các nghị định, thông tư, hướng dẫn... Điều này giúp các nhà đầu tư nước ngoài có thể đặt lệnh giao dịch mà không cần phải ký quỹ 100% tiền, cũng như giải quyết một số vấn đề còn tồn tại trong việc nâng hạng thị trường.
Mai Tấn
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thi-truong-chung-khoan-ky-vong-se-co-nhieu-but-pha-nam-2025-168132.html