Chốt phiên giao dịch ngày 20/12, VN-Index tăng 2,83 điểm lên 1.257,5 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 568,9 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 13.534,2 tỷ đồng. Toàn sàn có 238 mã tăng giá, 149 mã giảm giá và 74 mã đứng giá.
Thị trường chứng khoán cuối năm 2024 diễn biến ảm đạm. Ảnh minh họa: BNEWS/TTXVN
HNX-Index giảm 0,47 điểm xuống 227,07 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 48,4 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 817,8 tỷ đồng. Toàn sàn có 96 mã tăng giá, 65 mã giảm giá và 65 mã đứng giá.
UPCOM-Index tăng 0,66 điểm lên 93,39 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 82,1 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 1.098,2 tỷ đồng. Toàn sàn có 190 mã tăng giá, 122 mã giảm giá và 130 mã đứng giá.
Cổ phiếu vốn hóa lớn đóng góp tích cực nhất cho sắc xanh của chỉ số VN-Index. Theo đó, rổ VN30 có 14 mã tăng giá, trong khi có 12 mã giảm giá và 4 mã đứng giá. Các mã trong rổ VN30 như BCM tăng 1,8%, VNM tăng 1,72%, MWG tăng 1,34%, SSB tăng 1,21%. Ở chiều giảm có BVH giảm 2,29%. Những mã trong rổ VN30 còn lại có mức tăng và giảm nhẹ, đều dưới 1%.
Cổ phiếu ngành vận tải tăng mạnh nhất thị trường, cụ thể VOS tăng 6,98%, HVN tăng 6,93%, HAH tăng 1,65%, VTP tăng 1,57%.
Hầu hết các nhóm cổ phiếu còn lại diễn biến phân hóa với sắc xanh, đỏ đan xen. Cùng đó, mức biến động giá của các mã cổ phiếu không lớn.
Giao dịch của khối ngoại hôm nay khá cân bằng và tính chung trên toàn thị trường, khối này mùa ròng khoảng 4 tỷ đồng.
Cụ thể, trên HOSE, khối ngoại mua ròng 32 tỷ đồng. VNM được khối ngoại mua mạnh nhất trên HOSE với hơn 126 tỷ đồng. VIX và FPT được mua ròng 104 tỷ đồng và 87 tỷ đồng. Ngoài ra, SIP và KDH cũng được mua lần lượt 86 tỷ đồng và 58 tỷ đồng.
Khối ngoại bán ròng hơn 34 tỷ đồng trên HNX, tập trung vào mã HUT (18,75 tỷ đồng), CEO (9,61 tỷ đồng), SHS (8,03 tỷ đồng) và IDC (6 tỷ đồng). Trên UPCOM, khối ngoại mua ròng 6 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán đang ở trong giai đoạn ảm đạm, thanh khoản thấp, nhưng trong báo cáo chiến lược năm 2025 mới công bố, Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, kinh tế vĩ mô vững chắc, chính sách hỗ trợ tích cực, các nút thắt pháp lý được tháo gỡ, môi trường lãi suất thuận lợi kết hợp với yếu tăng trưởng lợi nhuận hoạt động kinh doanh sẽ là nền tảng vững chắc một chu kỳ tăng trưởng toàn diện của thị trường chứng khoán trong năm tới.
MBS ước tính tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết đạt từ 18 - 19% giai đoạn 2025 – 2026, đóng góp bởi sự ổn định của ngành ngân hàng, bán lẻ, cũng như từ phục hồi từ đáy của ngành bất động sản, xây dựng.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang tiến gần hơn đến cơ hội được tham gia vào nhóm các thị trường chứng khoán mới nổi. Kỳ vọng chu kỳ nới lỏng của Mỹ sẽ kích hoạt dòng vốn đầu tư nước ngoài quay trở lại các thị trường chứng khoán mới nổi; trong đó có Việt Nam.
Nhiều nhóm ngành đang có định giá P/E (chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu với thu nhập trên một cổ phiếu) thấp hơn so với trung bình 3 năm gần nhất, mở ra nhiều cơ hội đầu tư tích lũy các cổ phiếu của các doanh nghiệp đầu ngành. MBS kỳ vọng VN-Index sẽ đạt 1.400 – 1.420 điểm trong năm 2025.
Văn Giáp/BNEWS/TTXVN