Thị trường chứng khoán tuần qua: Điểm số giảm, dòng tiền thận trọng hơn

Thị trường chứng khoán tuần qua: Điểm số giảm, dòng tiền thận trọng hơn
5 giờ trướcBài gốc
Áp lực bán gia tăng về cuối tuần
Thị trường chứng khoán trong nước tuần (11/11 - 15/11) tiếp tục duy trì xu hướng giảm điểm. Tính chung cả tuần, thị trường chỉ duy nhất 1 phiên tăng nhẹ vào ngày 13/11, còn lại có 4/5 phiên giảm điểm. Tiếp nối đà giảm tuần trước, VN-Index giảm điểm ngay trong phiên đầu tuần và đà giảm nối tiếp đến cuối tuần. Chỉ số VN-Index không chỉ rời mốc 1.250 điểm, mà đóng cửa cuối tuần về dưới mốc 1.220 điểm.
Đóng cửa phiên cuối tuần, chỉ số VN-Index dừng lại tại 1.218,57 điểm, giảm -2,71% so với tuần trước. Trên biểu đồ tuần, chỉ số VN-Index kết tuần với nến giảm mạnh, đóng cửa ở mức gần thấp nhất tuần. Đây là lần thứ 3 trong năm chỉ số đóng cửa dưới mức MA200 trên khung đồ thị tuần.
Trên sàn Hà Nội, các chỉ số chính cũng diễn biến tương tự và có xu hướng giảm trước áp lực bán lấn lướt bên mua. Cụ thể, chỉ số HNX-Index giảm -2,36%, xuống 221,53 điểm và chỉ số UPCoM-Index cũng giảm -0,89% về mức 91,33 điểm.
Tuần qua có tới 16/21 nhóm ngành giảm điểm. Gây áp lực lớn lên chỉ số và tâm lý giao dịch trong tuần qua là những nhóm ngành như: chứng khoán (-7.88%), bán lẻ (-5.64%), dầu khí (-5.21%), thép (-4.65%),...Ở chiều ngược lại, số ít các nhóm ngành ngược dòng thành công phải kể đến như: cảng biển (+2.62%), công nghệ viễn thông (+1.04%), hóa chất (+0.78%),...
Độ rộng thị trường nghiêng về tiêu cực với áp lực điều chỉnh diễn ra mạnh trên hầu hết các nhóm ngành ngoại trừ một số tích cực như công nghệ thông tin, cảng - vận tải biển. VN-Index đã rơi về vùng khá hấp dẫn về định giá khi P/E hiện tại của VN-Index là 12,88 lần, thấp hơn mức (-14,3%) so với P/E trung bình của thị trường từ 2015 đến nay (P/E trung bình là 15 lần).
Tỷ giá USD/VND thiết lập mức cao nhất trong năm, khiến cho khối ngoại tiếp tục duy đà bán ròng mạnh trong tuần. Đây là tuần bán ròng thứ 7 liên tiếp và có xu hướng mạnh trong 3 tuần gần đây khi tỷ giá USD/VND leo thang.
Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng -4,015 tỷ đồng trên sàn HSX. Tâm điểm bán ròng khối ngoại trong tuần qua là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như: VHM (- 871 tỷ đồng), FPT (-608 tỷ đồng), SSI (-428 tỷ đồng). Ở chiều mua ròng, nhóm nhà đầu tư ngoại nâng tỷ trọng một số mã: KBC (+75 tỷ đồng), CTG (+62 tỷ đồng), HAH (+54 tỷ đồng)...
Thanh khoản thị trường bật tăng, tương đương với mức bình quân 20 tuần giao dịch. Lũy kế đến cuối tuần giao dịch, thanh khoản giao dịch bình quân trên sàn HSX đạt 665 triệu cổ phiếu (+28.78%), tương đương 16,773 tỷ đồng (+24.56%) về giá trị giao dịch.
Ưu tiên quản trị danh mục đầu tư
Theo các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán SHS, trong ngắn hạn, diễn biến thị trường cho thấy áp lực bán mạnh mở rộng qua nhiều mã, nhóm mã có tính chất đầu cơ. Một phần nguyên nhân do áp lực bán mạnh của khối ngoại, áp lực cắt lỗ, giảm tỉ lệ dư nợ margin của nhà đầu tư. Áp lực giảm dư nợ mở rộng sang các mã, nhóm mã và có thể kéo dài 3-4 phiên do tỷ lệ dư nợ cuối quý II/2024 ở mức cao gần 240.000 tỷ đồng. Với diễn biến hiện tại, ngắn hạn thị trường đang vào trạng thái quá bán.
Công ty Chứng khoán kiến thiết Việt Nam cho rằng, trong ngắn hạn áp lực bán chưa có tín hiệu chững lại, nhà đầu tư chưa vội vàng mở vị thế mua mới, cần kiên nhẫn chờ đợi VN-Index test vùng hỗ trợ 1.200 - 1.208 điểm và bật tăng trở lại thì quay lại thế vị mua thăm dò.
Nhận định về diễn biến trị trường tuần qua, ông Đinh Quang Hinh - Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT cho rằng, thị trường tiếp tục trải qua một tuần điều chỉnh khi áp lực tỷ giá và lãi suất liên ngân hàng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Cụ thể, chỉ số dollar index (DXY) tiếp tục duy trì đà tăng trong tuần qua do kỳ vọng về việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 12 tới giảm xuống sau thông tin về chỉ số CPI của Mỹ trong tháng 10 phù hợp với dự báo của thị trường nhưng cao hơn so với tháng 9 và bình luận của Chủ tịch Fed Powell mới đây về việc Fed không cần vội vàng trong việc hạ lãi suất.
Thị trường chứng khoán tuần qua có điểm số giảm, dòng tiền thận trọng hơn. Ảnh tư liệu
Theo ông Đinh Quang Hinh, đà tăng của DXY và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đã gây sức ép lên tỷ giá VND và khiến cho dư địa chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước bị thu hẹp đáng kể.
Việc tỷ giá trung tâm liên tục được điều chỉnh tăng trong tuần qua và tỷ giá liên ngân hàng gần quay lại mức đỉnh hồi giữa năm cộng với mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại vượt mốc 5% đã tác động xấu tới tâm lý của giới đầu tư cũng như diễn biến của nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, thép vốn có độ nhạy cao với biến động tỷ giá và lãi suất.
Bên cạnh đó, đà bán ròng của khối ngoại tập trung ở những mã bluechips cũng làm gia tăng áp lực lên các chỉ số chứng khoán. Kết tuần, chỉ số VN-Index chính thức đánh mất cận dưới 1.240 điểm của vùng tích lũy trước đó và đang hướng đến hỗ trợ sâu hơn tại 1.200 điểm.
“Trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ đủ mạnh và chưa có dấu hiệu cho thấy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng và tỷ giá hạ nhiệt một cách bền vững, tôi cho rằng nhà đầu tư nên ưu tiên quản trị rủi ro danh mục ở thời điểm này. Đối với những nhà đầu tư nắm giữ tỷ trọng danh mục cao hoặc đang dùng đòn bẩy ký quỹ, cần tận dụng các nhịp phục hồi kỹ thuật để hạ bớt tỷ trọng. Đối với những nhà đầu tư có tỷ trọng thấp hoặc giao dịch ngắn hạn, nên hạn chế việc “bắt đáy” khi thị trường chưa xác nhận điểm đảo chiều”, chuyên gia VNDIRECT chia sẻ.
Chuyên gia SHS kỳ vọng, VN30 sẽ phục hồi quanh vùng giá 1.260 điểm, VN-Index tương ứng phục hồi ở vùng giá 1.200 - 1.210 điểm. Hiện tại vốn hóa toàn thị trường đang ở mức quanh 287 tỷ USD, tương ứng khoảng 62% GDP 2024. Đây là vùng vốn hóa tương đối hấp dẫn của thị trường so với quy mô nền kinh tế khi tăng trưởng GDP năm 2025 kế hoạch vẫn tăng 6,5-7%. SHS cho rằng, thị trường sẽ phân hóa mạnh, với rất nhiều mã chịu áp lực bán mạnh sẽ phục hồi ở vùng giá trên.
Mai Tấn
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thi-truong-chung-khoan-tuan-qua-diem-so-giam-dong-tien-than-trong-hon-164193.html