Thị trường chứng khoán Việt Nam dần đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe cho nâng hạng

Thị trường chứng khoán Việt Nam dần đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe cho nâng hạng
5 giờ trướcBài gốc
Nhiều đặc quyền hơn cho nhà đầu tư nước ngoài
Theo ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc Chiến lược thị trường Chứng khoán VPBank (VPBankS), Thông tư số 68/2024/TT-BTC ngày 18/9/2024 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ tháng 11/2024 là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng giúp Việt Nam đạt được các tiêu chí để nâng hạng.
Sau khi Thông tư này được ban hành, cập nhật gần nhất của FTSE lập tức đánh giá cao nỗ lực của cơ quan quản lý Việt Nam, khi cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mua và đến ngày T+2 mới phải thanh toán tiền. Như vậy, đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam còn một số tiêu chí cần cải thiện là chu kỳ thanh toán và yêu cầu liên quan đến cải thiện quá trình đăng ký mở tài khoản cho khách hàng.
Các nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài đánh giá cao nỗ lực của cơ quan quản lý Việt Nam trên thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng, những yêu cầu này không phải tiêu chí khắt khe cho việc nâng hạng. Tiêu chí khắt khe nhất hiện nay là liên quan đến tỷ lệ sở hữu nước ngoài và trung tâm thanh toán bù trừ cho cổ phiếu (CCP). Hai yếu tố này cần cải thiện và chuẩn bị cho kỳ nâng hạng năm 2025 vì nếu đạt được tiêu chí này thì dự kiến có thể chính thức nâng hạng vào tháng 9/2025. Trong trường hợp được tuyên bố nâng hạng, Việt Nam có thể huy động được 800 triệu USD cho đến 1,5 tỷ USD trong thời gian tới.
“Tôi hi vọng, hai yếu tố này sẽ sớm được cải thiện trong thời gian tới, đặc biệt mô hình CCP nếu Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán được Quốc hội thông qua”, ông Sơn chia sẻ.
Một tin tích cực là, hiện nay, các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đã có kết nối đối với các công ty chứng khoán phục vụ khách hàng tổ chức. Bởi, khi mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài không cần phải để sẵn tiền trong tài khoản mà có thể mua trước khi phát hiện ra cơ hội, thanh toán sau.
“Chúng ta đang dần đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe cho việc nâng hạng thời gian tới”, ông Sơn nói.
Mới đây, trong buổi làm việc với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Young Lee - Giám đốc Điều hành hoạt động kinh doanh cổ phiếu khu vực châu Á của Morgan Stanley cho biết, những quy định mới tại Thông tư số 68/2024/TT-BTC đã giúp thị trường chứng khoán Việt Nam phù hợp hơn với các yêu cầu bắt buộc của FTSE Russell.
Đại diện Morgan Stanley đánh giá việc bỏ quy định phải có đủ tiền khi đặt lệnh là yêu cầu quan trọng từ phía các nhà đầu tư và cần nhiều thời gian để sửa đổi cơ chế, chính sách.Việt Nam đã có những thay đổi quan trọng về tiêu chí này chỉ trong một thời gian ngắn.
Chứng kiến những bước tiến mới từ đầu năm 2024 đến nay, bà Wanming Du - Trưởng bộ phận chính sách chỉ số FTSE Russell khẳng định, FTSE Russell sẽ tăng cường các cuộc trao đổi, làm việc với các bên liên quan tại Việt Nam để hỗ trợ hoạt động giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, cũng như chia sẻ thông tin, cách thức giao dịch của các khách hàng thuộc FTSE tại các thị trường mới nổi.
Tăng tốc để sớm về đích
Nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên mới nổi là câu chuyện được nhắc đến trên thị trường chứng khoán từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, càng gần mốc năm 2025, vấn đề này càng nóng hơn bao giờ hết và được nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế qua tâm.
Từ quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ đối với việc nâng hạng thị trường chứng khoán, các bộ, ngành hữu quan đang khẩn trương hành động. Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã và đang nỗ lực không ngừng để hoàn thành mục tiêu nâng hạng trong năm 2025, cũng như các mục tiêu trong Chiến lược Phát triển thị trường Chứng khoán đến năm 2030.
Tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán cần sự tham gia của nhiều bên.
Song, đích đến nâng hạng thị trường không chỉ phụ thuộc vào riêng cơ quan quản lý mà cần có sự chung tay của nhiều bên. Các thành viên thị trường, cụ thể là nhóm doanh nghiệp niêm yết, sẽ cần đáp ứng những tiêu chuẩn cao hơn để đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận thông tin. Đây mới chính là điều cần thiết để tăng sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư ngoại.
Dù khá thận trọng khi cho rằng, dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài chưa hồi phục ngay lập tức, song Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) vẫn kỳ vọng, ít nhất là áp lực bán của khối ngoại thời gian tới sẽ giảm đi và sẽ đổi hướng trong năm tới sau một loạt giải pháp “gỡ rối” về pháp lý của cơ quan quản lý.
Cùng với các yếu tố vĩ mô quốc tế, cơ hội thị trường chứng khoán Việt Nam được FTSE Russell nâng hạng trong giai đoạn 2024-2025 được kỳ vọng là cú hích “hút” vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Do đó, những tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025 sẽ là thời điểm thích hợp để tăng tốc và bứt phá.
Theo Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán ACB (ACBS Research), có khả năng cao FTSE sẽ thêm thị trường chứng khoán Việt Nam vào danh sách thị trường mới nổi thứ cấp sớm nhất vào kỳ đánh giá tháng 3/2025 và sau khoảng một năm, việc nâng hạng sẽ chính thức có hiệu lực. Khi đó, các quỹ chỉ số ETF sẽ bắt đầu mua vào cổ phiếu Việt Nam.
Việc nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ là cột mốc đáng kể để thị trường chứng khoán Việt Nam được công nhận là "thị trường có khả năng tiếp cận đầu tư đối với các nhà đầu tư nước ngoài". Dự kiến, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sẽ chiếm khoảng 0,7-0,9% danh mục thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE và Việt Nam sẽ thu hút được dòng vốn 500-600 triệu USD từ các quỹ ETF mô phỏng chỉ số, chưa kể dòng vốn từ các quỹ chủ động.
Minh Lâm
Nguồn Tài Chính : http://tapchitaichinh.vn/thi-truong-chung-khoan-viet-nam-dan-dap-ung-cac-tieu-chuan-khat-khe-cho-nang-hang.html?source=cat-76