OPEC+ dự kiến sẽ bắt đầu một chuỗi tăng sản lượng theo từng tháng với mức tăng 180.000 thùng/ngày bắt đầu từ tháng tháng 12, khi liên minh dần khôi phục nguồn cung đã cắt giảm kể từ năm 2022.
Trước đó OPEC+ đã trì hoãn việc khởi động lại tăng sản lượng ban đầu được lên kế hoạch vào tháng 10, trong bối cảnh nhu cầu dầu suy yếu và sản lượng của các quốc gia ngoài OPEC+ tăng lên.
Bất kể xung đột ở Trung Đông leo thang, giá dầu đã giảm 18% kể từ đầu tháng 7 khi nhu cầu giảm ở quốc gia tiêu thụ chính là Trung Quốc và sản lượng tăng ở Mỹ, Brazil, Canada và Guyana. Ở mức khoảng 72 USD/thùng, đây là mức giá được xem quá thấp đối với nhiều thành viên OPEC+ như Ả Rập Xê Út để trang trải chi tiêu của chính phủ.
"Vấn đề lớn nhất đối với nhu cầu dầu mỏ là Trung Quốc… Điều này sẽ khiến câu lạc bộ sản xuất OPEC do Trung Đông thống trị rơi vào tình thế khó khăn", Henning Gloystein, người đứng đầu bộ phận năng lượng và khí hậu tại công ty tư vấn Eurasia Group cho biết.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính mức tiêu thụ tại Trung Quốc đã giảm trong bốn tháng liên tiếp, khiến nhu cầu dầu toàn cầu tăng trưởng với tốc độ chậm nhất kể từ đại dịch năm 2020. Theo IEA, mức tăng trưởng nhu cầu khoảng 1 triệu thùng/ngày sẽ bị lu mờ bởi mức tăng nguồn cung 1,5 triệu thùng vào năm tới, khiến thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ trải qua đợt dư thừa nguồn cung khác.
Nguy cơ giá dầu thấp hơn
Theo Citigroup và JPMorgan, giá dầu sẽ hướng đến mức 60 USD/thùng vào năm tới và có khả năng giảm sâu hơn nếu OPEC+ tăng sản lượng trở lại.
Điều đó sẽ gây tác động tiêu cực tới tình hình tài chính của Ả Rập Xê Út vì theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nước này cần giá dầu ở mức gần 100 USD/thùng để trang trải cho các kế hoạch kinh tế đầy tham vọng của Thái tử Mohammed bin Salman.
Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman thường thúc giục OPEC+ thận trọng khi đưa thêm dầu vào thị trường. Trước đó, khi OPEC+ cân nhắc việc khởi động lại nguồn cung vào tháng trước, kỳ vọng của các nhà giao dịch trên thị trường dầu mỏ cũng chia rẽ tương tự.
Ole Sloth Hansen, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại Saxo Bank A/S cho biết: "Tâm lý thị trường suy yếu và có thể bị ảnh hưởng thêm nếu OPEC+ tiếp tục tăng sản lượng".
Trong khi đó, một số nhà phân tích cho rằng lượng dầu tồn kho trên thế giới đã cạn kiệt sau nhu cầu thúc đẩy vào mùa hè ở Mỹ và những nơi khác. Và OPEC+ không thể hoãn lộ trình phục hồi sản lượng vô thời hạn.
"Thị trường không thực sự quá căng thẳng, nhưng vẫn ổn định…Điều này tạo điều kiện cho OPEC+ đưa sản lượng trở lại dựa trên dữ liệu", Jeff Currie, giám đốc chiến lược về lộ trình năng lượng tại Carlyle Group cho biết.
Ảnh hưởng từ bầu cử Mỹ
Bên cạnh đó, triển vọng thị trường mà OPEC+ phải đối mặt còn phụ thuộc vào kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5/11.
"Rủi ro địa chính trị thực sự vẫn chưa xảy ra, đó là sóng xung kích từ cuộc bầu cử Mỹ…Nó không chỉ làm rung chuyển các điểm nóng mong manh trên toàn thế giới mà còn tiết lộ con đường cực kỳ quan trọng mà các biện pháp kích thích của Trung Quốc thực hiện để ứng phó", ông Jeff Currie nhận định.
OPEC+ đã đồng ý khôi phục tổng cộng 2,2 triệu thùng/ngày sản lượng được cắt giảm theo từng đợt hàng tháng cho đến cuối năm 2025. Các Bộ trưởng sẽ họp vào ngày 1/12 để xem xét các đợt tăng dự kiến vào đầu năm sau.
Mặt khác, Reuters trích dẫn lời ba nguồn tin từ nhóm OPEC+ cho biết vào hôm thứ Tư (30/10) rằng OPEC+ có thể trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng dầu dự kiến có hiệu lực vào tháng 12 trong một tháng hoặc hơn, với lý do lo ngại về nhu cầu dầu suy yếu và nguồn cung gia tăng. Hai nguồn tin cho biết quyết định trì hoãn đợt tăng sản lượng có thể được đưa ra sớm nhất là vào tuần tới.
Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài