Dòng tiền mạnh mẽ kéo giá cổ phiếu tăng trên diện rộng sáng nay.
Mặc dù các chi tiết về thỏa thuận thương mại vẫn chưa rõ ràng nhưng thị trường chứng khoán đã phản ứng khá tích cực. Sau ít phút chập choạng lúc mở cửa, dòng tiền vào mạnh đã kéo giá cổ phiếu lũ lượt tăng. VN-Index đang tiến tới thử thách mốc 1400 điểm.
Thông tin sơ bộ về mức thuế 20% xuất hiện từ đêm qua và các cổ phiếu của doanh nghiệp Mỹ có hoạt động sản xuất tại Việt Nam đều tăng tốt. Nhà đầu tư cho rằng đó là tín hiệu giới đầu tư quốc tế đánh giá tích cực về thỏa thuận này. Tuy nhiên mở cửa thị trường vẫn đỏ, VN-Index giảm thấp nhất 3,7 điểm. Tới 10h đà tăng mới bắt đầu rõ nét. Chỉ số đóng cửa tăng 7,17 điểm (+0,52%) lên mức 1391,78 điểm.
Tín hiệu tích cực nhất trong sáng nay là thanh khoản. Nhà đầu tư khó có thể phân tích “lợi hại” về mức thuế ở thời điểm này vì vẫn còn nhiều thông tin chưa rõ. Tuy nhiên phản ứng của thị trường được đánh giá là thước đó tin cậy nhất, trong đó có thanh khoản. Nếu dòng tiền chảy mạnh vào thị trường thì ít nhất đó là biểu hiện của số đông đang lạc quan.
Giá trị khớp lệnh hai sàn sáng nay tăng vọt 76% so với sáng hôm qua, đạt 15.227 tỷ đồng chưa kể thỏa thuận. Đây là mức thanh khoản cao nhất của phiên sáng kể từ đầu tháng 4/2025. Phù hợp với mức gia tăng thanh khoản đột biến này là độ rộng chỉ số tích cực với 212 mã tăng/92 mã giảm. Trong số này tới 97 mã tăng quá 1% so với tham chiếu.
Như vậy hai tín hiệu này đồng thuận với nhau, phản ánh lực cầu mua đẩy giá chủ động đã chiếm ưu thế. VN-Index và nhiều cổ phiếu cũng đang tạm thời chốt ở giá cao nhất phiên sáng. Nhờ đợt đẩy giá này nên biên độ dao động cổ phiếu là khá rộng. Thống kê cho thấy sàn HoSE có 47% số cổ phiếu đạt biên độ tăng từ 1% trở lên so với giá thấp nhất đầu ngày.
Sức mạnh của dòng tiền chủ động cũng phản ánh rõ nét trong giao dịch. Tuy số cổ phiếu tăng vượt 1% chỉ là 97 mã (tương đương 27% số cổ phiếu có giao dịch ở HoSE) nhưng tập trung tới gần 58% giá trị khớp lệnh cả sàn. 23 mã trong số này có thanh khoản vượt 100 tỷ đồng. Khá bất ngờ là rổ VN30 chỉ đóng góp 7 mã là HPG, SSI, MWG, VCB, HDB, CTG, TPB.
Nhóm cổ phiếu Midcap ấn tượng hơn đáng kể khi chỉ số đại diện rổ tăng 0,99% trong khi VN30-Index tăng 0,69%. VIX đang dẫn đầu toàn thị trường về thanh khoản, đạt 983,4 tỷ đồng, giá cũng tăng rất mạnh 5,49%. Ngoài ra GEX tăng 3,15% với 379,8 tỷ; VSC tăng 6,92% với 264,1 tỷ; HAH tăng 4,77% với 258,1 tỷ; VCI tăng 1,37% với 236,9 tỷ…
Nhìn chung diễn biến của VN-Index chỉ phản ánh phần nào giao dịch sáng nay do yếu tố cản từ trụ vẫn còn. VIC giảm 0,31%, VPL giảm 0,63%, còn lại VHM, BID, TCB, FPT tăng khá nhẹ. VCB tăng 1,03%, CTG tăng 1,91% là hai mã duy nhất mạnh trong nhóm trụ.
Ở phía giảm không nhiều mã đáng chú ý. Cổ phiếu khu công nghiệp khá yếu do thị trường cần thời gian để đánh giá hiệu ứng thuế đối với hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. KBC đang giảm 0,74%, LHG giảm 3,98%, SZC giảm 3,72%, VGC giảm 2,47%. Thủy sản có ASM giảm 1,17%, VHC giảm 2,14%, cao su có GVR giảm 3,84%, PDR giảm 2,03%, PHR giảm 3,77%... Tính chung sàn HoSE có 37 mã đang giảm quá 1% trong tổng số 92 mã đỏ. Tuy nhiên thanh khoản chỉ dồn vào khoảng 15 mã có giao dịch từ 10 tỷ đồng trở lên. Tổng giao dịch của nhóm 37 mã giảm sâu nhất này chỉ chiếm 6,4% giao dịch sàn HoSE.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng là điểm sáng nổi bật sáng nay khi mua ròng tới gần 1.017 tỷ đồng trên cả ba sàn, trong đó HoSE được mua ròng 958,5 tỷ đồng. Đây là quy mô mua tốt nhất kể từ giữa tháng 5 vừa qua. Phản ứng đột biến của khối ngoại cũng có thể liên quan đến kết quả đàm phán thuế quan. Các mã được mua ròng mạnh là SSI +153,4 tỷ, MWG +90,5 tỷ, CTG +88,6 tỷ, VCB +56,2 tỷ, FPT +49,6 tỷ, HCM +46,3 tỷ, DGC +44 tỷ, VCI +42,8 tỷ. Phía bán ròng chỉ có DHC -35,1 tỷ, VRE -25,4 tỷ là đáng kể. Khối này đang mua ròng cổ phiếu trong rổ VN30 khoảng 612 tỷ đồng.
Kim Phong