Thị trường lao dốc trong tuần đầu tiên của năm mới, YEG 'vượt chông gai'

Thị trường lao dốc trong tuần đầu tiên của năm mới, YEG 'vượt chông gai'
3 ngày trướcBài gốc
Áp lực bán gia tăng, VN-Index giảm hơn 15 điểm
VN-Index mở cửa phiên chiều không mấy thuận lợi khi áp lực bán tiếp gia tăng về cuối phiên khiến cho chỉ số đóng cửa trong sắc đỏ khá bi quan. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 15,12 điểm (-1,19%), về mức 1.254,95 điểm.
Thanh khoản thị trường tăng so với phiên giao dịch trước đó, với khối lượng giao dịch khớp lệnh của VN-Index đạt hơn 504 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị đạt hơn 12 ngàn tỷ đồng. Thanh khoản toàn thị trường đạt 15,37 nghìn tỷ đồng.
Về mức độ ảnh hưởng, TCB, CTG, FPT và VPB là những mã có tác động tiêu cực nhất khi lấy đi hơn 5,2 điểm của chỉ số. Ở chiều ngược lại, VCB, CTR, PLX và NVL là những mã vẫn níu giữ được sắc xanh nhưng mức tác động không đáng kể.
Xét về nhóm ngành, bảo hiểm đang là nhóm giảm sâu nhất bởi BVH giảm 3,4%, PVI giảm 3,77%, MIG và BMI cùng giảm hơn 3%...
Cổ phiếu chứng khoán cũng thuộc top giảm mạnh, với SSI, HCM, FTS, VCI, CTS đều giảm hơn 2%, BSI và ORS giảm hơn 3%... Trong đó, SSI và HCM thuộc top 5 mã giao dịch sôi động nhất thị trường, tương ứng đạt hơn 16 triệu đơn vị và 12,2 triệu đơn vị, kết phiên lần lượt giảm 2,3% và 2,6%.
Nhóm ngân hàng cũng gia tăng sức ép, ngoại trừ VCB giữ được sắc xanh nhưng chỉ tăng 0,1%, còn lại đều giảm sâu hơn như TCB giảm hơn 3% với thanh khoản dẫn đầu ngành, đạt 17,43 triệu đơn vị; CTG, HDB, STB, LPB, TPB, VIB, VPB đều giảm hơn 2%.
Nhóm bất động sản cũng không thoát khỏi xu hướng điều chỉnh, nhưng NVL vẫn là điểm sáng ngược dòng thành công, kết phiên tăng 1,4% và khớp lệnh 11,64 triệu đơn vị; trong khi DXG giữ được mốc tham chiếu với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt 20,7 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu thép “giật lùi”, với mã lớn HPG giảm 1,5%, kết phiên đứng tại mức giá thấp nhất ngày 26.600 đồng/cp và thanh khoản đứng thứ 4 toàn thị trường với hơn 13,2 triệu đơn vị khớp lệnh.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh hơn 759 tỷ đồng trên toàn thị trường. Theo đó, mã bị bán mạnh nhất là FPT (231 tỉ đồng). Kế đến là các mã CTG (107 tỉ đồng), TCB (77 tỉ đồng), HDB (52 tỉ đồng), SSI (39 tỉ đồng). Chiều ngược lại, khối ngoại mua ròng các mã ngân hàng như BID, VCB, VPB.
Cổ phiếu YEG trở lại đường đua sau 5 phiên giảm liên tiếp
YEG trở lại "đường đua" với việc tăng trần lên 19.550 đồng/cp, khớp lệnh 4,7 triệu đơn vị và có dư mua giá trần. Trước đó, YEG có chuỗi giảm 5 phiên liên tiếp, trong đó có 3 phiên giảm sàn.
Thông tin đáng chú ý mới đây tại YEG là Công ty đã hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại 2 công ty con là Công ty CP Giải trí ANA và Công ty CP Tập đoàn Care. Theo đó, Công ty CP Giải trí ANA, Công ty CP Tập đoàn Care cùng các công ty con, công ty liên kết của các công ty này không còn là công ty con, công ty liên kết của Yeah1.
Công ty CP Tập đoàn Care thành lập tháng 5/2012. Tháng 6/2024, công ty chuyển trụ sở về số 36 Nguyễn Văn Mai, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP Hồ Chí Minh. Tháng 12/2024, Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật là ông Phạm Minh Thông, thay thế bà Phạm Thu Thủy.
Công ty CP Giải trí ANA thành lập tháng 8/2010, tiền thân là Công ty CP Giải trí Đại sứ Trẻ. Từ tháng 9/2017 đổi tên thành Công ty CP Giải trí Yeah1 và đến đầu tháng 6/2024 tiếp tục đổi tên thành Công ty CP Giải trí ANA. Công ty do ông Lưu Anh Khoa (SN 1994) làm người đại diện pháp luật. Tháng 7/2024, công ty đổi trụ sở về số 70 Phạm Ngọc Thạch, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP Hồ Chí Minh.
Trước đó, hồi tháng 6/2024, Yeah1 công bố thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ vốn cổ phần tại 6 công ty con. Thời điểm đó, Yeah1 nắm 2,97 triệu cổ phần (tương đương 99% vốn) Công ty CP Giải trí ANA và 39,99 triệu cổ phần (tương đương 99,98% vốn) Công ty CP Tập đoàn Care.
Hương Trang
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/thi-truong-lao-doc-trong-tuan-dau-tien-cua-nam-moi-yeg-vuot-chong-gai.html