Nguyên nhân chủ yếu do kỳ nghỉ dài khiến không ít công nhân cảm thấy thiếu động lực, thậm chí có xu hướng chần chừ quay lại làm việc hoặc tìm kiếm công việc mới phù hợp hơn. Tuy nhiên, năm nay, tỉ lệ công nhân trở lại làm việc tại Hà Nội đạt mức cao nhờ chế độ đãi ngộ tốt cùng các chính sách hỗ trợ từ doanh nghiệp và tổ chức Công đoàn.
Không khi khai Xuân ở Tổng Công ty May 10.
Tỉ lệ trở lại làm việc cao
Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, trong sáng ngày 3-2 (tức mùng 6 Tết Nguyên đán) - ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ, 91,68% do-anh nghiệp trên địa bàn thành phố đã mở xưởng sản xuất. Riêng tại các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, con số này đạt 97,53% với 356/365 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Tỉ lệ công nhân quay lại làm việc cũng đạt mức cao, với 95,18% lao động trở lại, riêng tại các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội là 96% (số liệu thống kê từ các doanh nghiệp đã mở cửa sản xuất). Đến ngày 7-2 (mùng 10 tháng Giêng), tỉ lệ doanh nghiệp hoạt động trở lại đã đạt 99,52%, trong đó các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đạt 100%. Số công nhân quay lại làm việc cũng tăng lên 99,54%, đảm bảo nguồn nhân lực cho hoạt động sản xuất sau kỳ nghỉ Tết.
Như vậy, so với năm 2024, số doanh nghiệp mở xưởng để sản xuất và số công nhân lao động trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán của năm 2025 cao hơn hẳn. Năm 2024, cũng tính đến mùng 6 Tết, mới có 80,78% doanh nghiệp đã mở xưởng để sản xuất với 88,67% số công nhân lao động trở lại làm việc. Theo ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, có được những tín hiệu đáng mừng trên một phần do trong những ngày đầu năm mới Ất Tỵ, Liên đoàn Lao động thành phố đã phối hợp với Sở Giao thông vận tải tổ chức 7 chuyến xe miễn phí, đưa 400 lao động từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An trở lại làm việc. Bên cạnh đó, Công đoàn cũng tổ chức các hoạt động thăm hỏi, chúc mừng năm mới và trao lì xì cho con em công nhân. Ông Thắng chia sẻ: “Những ngày đầu năm mới, lượng phương tiện đổ về Thủ đô rất lớn khiến việc di chuyển của người lao động gặp nhiều khó khăn. Do đó, chúng tôi tổ chức những chuyến xe miễn phí nhằm hỗ trợ người lao động trở lại Hà Nội thuận lợi hơn. Đây cũng là cách để “giữ chân” người lao động với doanh nghiệp và củng cố niềm tin vào tổ chức Công đoàn”.
Chăm lo chu đáo cho người lao động
Ngay từ những ngày đầu năm mới, không khí làm việc tại Công ty Cổ phần Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông tràn đầy sức sống. Công nhân hăng hái, nhiệt huyết trong lao động sản xuất, góp phần khởi động một năm mới đầy năng lượng. Chị Nguyễn Thị Tĩnh, người có hơn 10 năm gắn bó với công ty, chia sẻ: “Ngày đầu tiên đi làm, ai cũng vui vẻ, mong một năm thuận lợi, nhiều đơn hàng để có thu nhập ổn định. Năm nay, công nhân trở lại làm việc đúng thời gian, giúp doanh nghiệp đảm bảo sản xuất đúng tiến độ. Điều này có được nhờ công tác chăm lo đời sống cho đoàn viên và người lao động được triển khai hiệu quả. Trước, trong và sau Tết, các cấp công đoàn đã phối hợp với doanh nghiệp thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, như tiền thưởng, lì xì đầu năm... giúp công nhân yên tâm trở lại làm việc”.
Là một trong những công nhân được hỗ trợ về quê ăn Tết và đón trở lại Hà Nội trên “Chuyến xe công đoàn” do Công đoàn Tổng Công ty May 10 tổ chức, chị Đỗ Thị Thảo, nhân viên Phòng Thị trường 1, không giấu nổi sự xúc động. Chị Thảo quê ở Phú Thọ, kết hôn với anh Đoàn Thanh Tuân (quê Thái Bình), nên mỗi dịp Tết đến, gia đình chị phải sắp xếp thời gian về thăm cả hai bên nội ngoại. Với mức thu nhập của chị và công việc tự do của chồng, cộng thêm chi phí sinh hoạt đắt đỏ tại Hà Nội và việc nuôi dạy hai con nhỏ, tài chính gia đình luôn phải cân đối chặt chẽ. Tết Nguyên đán 2024 là năm đầu tiên chị đăng ký xe đưa đón hai chiều dành cho công nhân. Không chỉ công nhân mà cả bố mẹ, vợ chồng, con cái cũng được hỗ trợ miễn phí, thậm chí còn có chính sách giảm giá cho những người thân khác. Theo chị Thảo, những chính sách hỗ trợ thiết thực này là “điểm cộng” giúp chị thêm yêu mến và gắn bó với công ty.
Chị Thảo cũng cho biết, không khí làm việc đầu năm mới Ất Tỵ tại công ty vô cùng phấn khởi. Ngay sau chương trình mít tinh chào mừng 95 năm Ngày thành lập Đảng, người lao động đã tích cực tham gia quyên góp vào quỹ từ thiện và quay số may mắn, tạo không khí hứng khởi ngay từ những ngày đầu năm. “Không khí tất bật đã tràn ngập khắp các nhà máy, ai cũng mong một năm suôn sẻ, thu nhập cao hơn để lo cho gia đình. Năm nay không còn tình trạng người lao động bỏ việc sau kỳ nghỉ Tết, công ty nhanh chóng ổn định và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Ngay từ đầu năm, đơn hàng đã rất nhiều, công nhân phải “căng mình” làm việc chứ tuyệt đối không có tư tưởng “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Hầu hết công nhân đều là người xa quê, có hoàn cảnh khó khăn, phải nuôi con nhỏ, nên việc công ty đảm bảo công việc ngay sau Tết là điều đáng mừng” - chị Thảo chia sẻ.
Không nghỉ việc để tránh rủi ro
Nhận định về vấn đề này, TS Nguyễn Đình Tiến, giảng viên khoa Kinh tế phát triển, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, việc tỉ lệ công nhân ở Hà Nội trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán tăng cao phản ánh sự ổn định và phát triển của thị trường lao động. Điều này cho thấy công nhân có niềm tin vào doanh nghiệp và nền kinh tế, đồng thời cho thấy các doanh nghiệp, tổ chức Công đoàn đã thực hiện hiệu quả các chính sách chăm lo đời sống cho người lao động, như tăng lương, thưởng Tết và tổ chức các hoạt động hỗ trợ. Tuy nhiên, ông Tiến cũng lưu ý rằng việc duy trì tỉ lệ công nhân quay lại làm việc cao sau Tết còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm tình hình kinh tế vĩ mô, nhu cầu thị trường và chính sách từ doanh nghiệp. Vì vậy, cần tiếp tục theo dõi, đánh giá để đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của thị trường lao động.
Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, giai đoạn sau Tết Nguyên đán là khoảng thời gian khó khăn của nhiều do-anh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp. Những năm trước, một số doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, dẫn đến tình trạng người lao động sau khi về quê ăn Tết không quay lại mà tìm kiếm công việc mới tại địa phương. Tuy nhiên, năm nay, hiện tượng “nhảy việc” giảm đáng kể. Ông Thành cũng khuyến nghị: “Người lao động cần tránh tư tưởng “Đứng núi này trông núi nọ” mà bỏ việc sau Tết Nguyên đán. Để tìm kiếm được công việc phù hợp với năng lực, sở trường của công nhân là không dễ dàng. Người lao động cần nhìn rộng, tính xa hơn, tránh những rủi ro không đáng có khi tìm kiếm công việc mới. Nếu thực sự doanh nghiệp đang gặp khó khăn, việc đầu tiên người lao động nên làm là nên gắn bó, chia sẻ, đồng hành để vực dậy do-anh nghiệp, thay vì nghĩ đến nghỉ việc, tìm hướng đi mới”.
Quỳnh Anh