Sau buổi mít tinh đầu tiên trong chiến dịch tranh cử chức thị trưởng Los Angeles năm 2021, bà Karen Bass thẳng thắn chỉ ra điểm “bất lợi” khi làm công việc này: Ít đi công tác nước ngoài và tham gia vào các vấn đề toàn cầu. Bà Bass đã quen với lịch trình chu du khắp thế giới trong tư cách thành viên đảng Dân chủ tại Quốc hội Mỹ và Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, và dành nhiều thập niên cho mối quan hệ Mỹ - châu Phi.
Sau cùng, bà nói nếu được bầu làm thị trưởng, “tôi sẽ sống ở đây và không đi nước ngoài. Tôi sẽ chỉ tới Washington D.C., Sacramento, San Francisco và New York, mọi nơi liên quan đến L.A.”.
Lời cam kết này đã bị phá vỡ, theo New York Times.
Khi thảm họa cháy rừng bùng phát tại Los Angeles hôm 7/1, thị trưởng đang trở về từ Ghana ở Tây Phi, sau khi tham dự lễ nhậm chức của tân tổng thống.
Tuy nhiên, đây không phải chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của bà Bass dưới tư cách thị trưởng. Trong năm 2024, bà Bass đã dùng chi phí của thành phố đi công tác nước ngoài ít nhất 4 - một lần đến Mexico dự lễ nhậm chức của Tổng thống Claudia Sheinbaum và ba lần đến Pháp dự Thế vận hội Olympic 2024 tại Paris.
Đám cháy thổi bùng tranh cãi chính trị
Trước đó, lời hứa này hầu như không được công chúng chú ý. Cử tri Los Angeles còn chấp nhận, thậm chí còn hoan nghênh một vị thị trưởng thành phố mang dáng dấp toàn cầu theo phong cách Washington. Giờ đây, rời khỏi đất nước vào đúng thời điểm Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ cảnh báo về “điều kiện thời tiết cháy rừng khắc nghiệt” đã thổi bùng một cuộc khủng hoảng chính trị cho bà Bass.
Nhiều đối thủ đã chỉ trích bà, trong đó có những người theo đường lối tự do bị ảnh hưởng bởi vụ cháy. Một bản kiến nghị trực tuyến yêu cầu bà từ chức ngay lập tức đã thu hút hơn 100.000 chữ ký.
Những người theo đảng Cộng hòa thuộc chủ nghĩa MAGA và đồng minh tràn ngập trên mạng xã hội, khuếch tán và khai thác sự phẫn nộ này. Trong khi đó, lính cứu hỏa cáo buộc bà Bass cắt giảm ngân sách cho Sở Cứu hỏa, một tuyên bố có phần không chính xác và gây hiểu nhầm.
Chiếc ghế lãnh đạo của bà Bass đang lung lay, giữa lúc thành phố đối mặt với chặng đường dài phục hồi khỏi một trong những thảm họa lớn nhất trong lịch sử California, cùng với kế hoạch chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic 2028. Quá trình tái thiết sau cuộc bạo loạn Los Angeles năm 1992 kéo dài hàng thập niên.
Bà Bass trên sân khấu Olympic tại Paris hồi tháng 8/2024. Ảnh: New York Times.
“Việc vắng mặt tại tiểu bang khi khủng hoảng nổ ra như một đòn giáng với bà ấy”, Rob Stutzman - cố vấn chính trị của đảng Cộng hòa, từng là trợ lý của cựu Thống đốc Arnold Schwarzenegger - cho biết. "Đây là thảm họa lớn nhất ở Los Angeles kể từ cuộc bạo loạn Watts. Thị trưởng chỉ có một nhiệm vụ duy nhất: Ở đây (thành phố) và lãnh đạo. Chuyện này không phải là không thể đoán trước như một trận động đất”.
Phát ngôn viên Zach Seidl cho biết thị trưởng "đang tập trung cao độ vào các nỗ lực ứng phó và phục hồi". Nhắc tới những phát biểu của bà năm 2021, ông nói: “Trước thềm Olympic, thành phố sở hữu và điều hành trung tâm thương mại quốc tế lớn nhất cả nước. 1/3 cư dân Los Angeles sinh ra ở nước ngoài. Quả là hiểu nhầm, các thị trưởng Los Angeles thường xuyên đi công tác nước ngoài”.
Tại các cuộc họp báo, bà Bass thừa nhận thấu hiểu nỗi đau buồn và sự tức giận trong thành phố, đồng thời kêu gọi người dân “bắt tay nhau” và “quay lưng với những kẻ chia rẽ chúng ta”. Bà cam kết sau khi dập tắt hết các đám cháy, “chúng tôi sẽ báo cáo đầy đủ về những hoạt động hiệu quả và không hiệu quả”.
Bà cho biết đã “liên lạc liên tục” với các quan chức tiểu bang và liên bang ngay khi đám cháy bùng phát, đồng thời đi máy bay quân sự để có mặt tại địa phương càng sớm càng tốt.
“Tôi đã nghe điện thoại, trên máy bay, gần như mỗi giờ trên chuyến bay”, bà nói. “Dù tôi không có mặt tại đó, tôi đã liên lạc với nhiều cá nhân đang đứng ở đây suốt thời gian đó. Khi máy bay hạ cánh, tôi lập tức đến khu vực hỏa hoạn và chứng kiến những gì xảy ra ở Pacific Palisades”.
Mặt lợi và hại
Bà Bass nhận được sự tin tưởng sâu sắc của những cử tri chủ yếu theo chủ nghĩa tự do. Trước đó, cách bà xử lý khủng hoảng phần lớn được hoan nghênh, trong đó có một loạt trận lở đất và lũ lụt hồi mùa đông năm 2024 hay khôi phục nhanh chóng một đoạn đường liên bang vào năm 2023 bị hư hại nghiêm trọng vì hỏa hoạn.
Việc bà Bass nhận cờ Olympic trong chuyến đi đến Pháp , người phụ nữ da màu đầu tiên đại diện cho một thành phố đăng cai, thành sự kiện mang tính lịch sử. Đồng thời, các chuyến đi trong nước của bà thường mang lại những kết quả có lợi cho Los Angeles.
Hồi cuối tháng 4/2024, bà dẫn đầu phái đoàn thị trưởng lưỡng đảng đến Washington, D.C. Tại đó, bà vận động thành công lãnh đạo liên bang mở rộng quyền lợi của cựu chiến binh với các phiếu nhà ở, một thay đổi được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong giải quyết tình trạng vô gia cư ở Los Angeles và Mỹ.
Tuy nhiên, việc đi công tác thường xuyên đôi khi ảnh hưởng đến khả năng xử lý các trường hợp khẩn cấp. Chuyến đi đến Ghana không phải lần đầu tiên bà không có mặt tại thành phố giữa lúc khủng hoảng.
Trong chuyến đi đến Washington hồi cuối tháng 4/2024, biểu tình ủng hộ người Palestine ở UCLA trở nên bạo lực. Bà cắt ngắn lịch trình và bay về vào ngày 1/5/2024, đưa ngay tuyên bố nhằm trấn an người dân.
Tiếp đến, khi bà ở Pháp dự lễ bế mạc Olympic hồi tháng 8/2024, Thống đốc Gavin Newsom đứng tại một đường hầm giữa thành phố và tuyên bố chính quyền địa phương cần làm nhiều hơn nữa để dọn dẹp các khu vực vô gia cư.
Chỉ một tháng sau, giữa lúc bà tham dự Paralympic, Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ ban hành cảnh báo nhiệt độ quá cao cho Los Angeles. Mất điện buộc phải hủy một chương trình tại Hollywood Bowl.
Song không có chuyến đi nào trong số này bị lên án.
Bà Bass họp trực tuyến với Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 11/1 về tình hình cháy rừng ở Los Angeles. Ảnh: New York Times.
Văn phòng thị trưởng công bố lịch trình công khai của bà Bass hôm 4/1, khi Nhà Trắng yêu cầu bà đại diện Mỹ tại lễ nhậm chức ngày 7/1 tại Ghana. Bà rời đi trong cùng ngày. Marqueece Harris-Dawson - Chủ tịch Hội đồng thành phố Los Angeles - được chỉ định làm quyền thị trưởng.
Văn phòng Los Angeles của Cơ quan Thời tiết Quốc gia gửi thông tin khẩn cấp về gió lớn vào hôm 5/1. Cảnh báo đỏ về nguy cơ hỏa hoạn nâng cấp thành cảnh báo “tình huống đặc biệt nguy hiểm” vào ngày 6/1. Đây là lần thứ 5 cơ quan này ban hành cảnh báo tương tự cho Los Angeles.
Tới ngày 7-8/1, khi hỏa hoạn bùng phát dữ dội, ông Harris-Dawson họp liên tục với người đứng đầu nhiều cơ quan khác nhau. Ông thay thế bà Bass tại trung tâm điều hành tình trạng khẩn cấp của thành phố, đồng thời phê duyệt ban bố tình trạng khẩn cấp.
Ông Harris-Dawson nói thêm bà Bass cũng theo dõi họp báo và tham gia vào quá trình ra quyết định, mặc dù chênh lệch giữa California và Ghana là 8 giờ. Bà gọi điện ngay cả khi đang bay.
James Hahn - Thị trưởng Los Angeles từ năm 2001-2005 - đã ở Washington khi vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 xảy ra. Ông không thể trở về Los Angeles trong nhiều ngày vì các chuyến bay bị hủy, và đã bị chỉ trích suốt nhiều năm vì vắng mặt ở thành phố. Điều này trở thành chủ đề bàn tán của đối thủ khi ông tái tranh cử và bị đánh bại.
"Không có ai trở về Bờ Tây nhanh hơn tôi", ông Hahn nói. "Tôi có mặt trên chuyến bay đầu tiên. Chuyến bay kéo dài 60 tiếng, nhưng nhiều người nghĩ tôi vắng mặt trong 2 tuần thay vì 2 ngày”.
Ông Hahn ấn tượng với cách bà Bass phản ứng trong vụ cháy này.
“Đây là một sự kiện chưa từng có”, ông nói. “Mọi người không muốn chấp nhận điều đó, và tôi hiểu họ đang đau khổ. Nhiều người đã mất tất cả, thậm chí là mất mạng. Phản ứng đầu tiên là: ‘Đây là lỗi của ai?’. Nhưng tôi nghĩ chuyển thành: ‘Chúng ta giúp đỡ những người mất tất cả ra sao?’”.
Trí Ân