Thị trường M&A bất động sản vẫn chờ những thương vụ 'bom tấn'

Thị trường M&A bất động sản vẫn chờ những thương vụ 'bom tấn'
một ngày trướcBài gốc
Một trong những sự kiện gây chú ý cần nhắc lại trong thời gian qua là việc Công ty Tái bảo hiểm toàn cầu Aon Plc - chủ sở hữu Landmark 72, tòa nhà cao nhất Hà Nội - muốn bán 100% cổ phần bất động sản này với giá hơn 1.000 tỷ won (hơn 18.400 tỷ đồng), theo Korea Economic Daily.
Chờ những thương vụ lớn
Landmark 72 là một trong những bất động sản có diện tích sàn lớn nhất Việt Nam (khoảng 608.946 m2), được Aon Plc mua lại từ một công ty xây dựng của Hàn Quốc, với giá 454 tỷ won (khoảng 8.350 tỷ đồng) vào năm 2015. Nếu thành công, đây sẽ là một “bom tấn” M&A thời gian tới.
Thực tế, không cần chờ đến khi thương vụ Landmark 72 thành công, trước đó, thị trường M&A trên thị trường bất động sản Việt Nam đã chứng kiến không ít thương vụ tầm cỡ. Điển hình như Kim Oanh Group hợp tác với các đối tác Nhật Bản như Sumitomo Forestry, Kumagai Gumi và NTT Urban Development để phát triển dự án “khủng” tại Bình Dương.
Thị trường bất động sản vẫn đang chờ những thương vụ M&A "bom tấn" xuất hiện.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH Sycamore thuộc Capitaland mua lại dự án Tân Thành Bình Dương từ Công ty CP Becamex IDC với giá khoảng 553 triệu USD. Nishi Nippon Railroad mua 25% cổ phần của Dự án Paragon Đại Phước từ Tập đoàn Nam Long với giá khoảng 26 triệu USD...
Gần nhất, một trong những sự kiện gây chú ý trên thị trường bất động sản những ngày thượng tuần tháng 10 là việc Tập đoàn Keppel (Singapore) công bố sẽ thoái 70% vốn tại Công ty TNHH Saigon Sports City - đơn vị nắm quyền phát triển dự án 64 ha cùng tên ở TP.HCM.
Trong thông báo phát đi, Keppel cho biết bên mua là 2 doanh nghiệp Việt gồm Công ty TNHH Hai Thành Viên Đại Phước và CTCP Đầu tư Bất động sản Vinobly, với mỗi bên mua 35% vốn chia làm 2 đợt. Tổng giá trị thương vụ dự kiến trên dưới 7.000 tỷ đồng (tức khoảng gần 300 triệu USD).
Bên cạnh cái tên Keppel quen thuộc, đại gia địa ốc đến từ Malaysia là SkyWorld cũng tích cực tìm kiếm quỹ đất mới tại Việt Nam và đang thương thảo để có thêm 2 dự án mới trong năm 2024. Trước đó, công ty này đã chốt thương vụ mua lại quỹ đất hơn 5.200 m2 ở quận 8, TP.HCM.
Cách đây không lâu, công ty con của Khang Điền cũng đã rót 350 tỷ đồng để sở hữu Công ty Lộc Minh - chủ đầu tư dự án khu nhà ở cao tầng quy mô 1,9 ha tại TP.Thủ Đức, TP.HCM.
Ở miền Trung, theo Avison Young Việt Nam, Đà Nẵng dự báo chứng kiến hoạt động M&A khởi sắc hơn thời gian tới, nhất là khi Tập đoàn Adani (Ấn Độ) công bố đầu tư 2 tỷ USD vào cảng Liên Chiểu.
Xu hướng đối đầu thành đối tác
Sẽ cần thêm thời gian để các thương vụ bom tấn hoàn thành, song những giao kèo dự kiến tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng đang phả hơi nóng vào thị trường M&A bất động sản quý cuối năm 2024.
Nhìn chung, nhóm nhà đầu tư nước ngoài quen thuộc và hoạt động tích cực nhất trên thị trường Việt Nam phần lớn đến từ Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc)) cũng như từ khu vực Đông Nam Á (Singapore, Malaysia).
Phân khúc nhà ở vẫn là lựa chọn hấp dẫn của cả nhà đầu tư nội và ngoại bởi tỷ suất sinh lời hấp dẫn. Nếu 15 năm trước, dòng vốn FDI chỉ tập trung vào nhà ở cao cấp với những tên tuổi quen thuộc như Keppel Land, Capitaland..., thì hiện nay, thị trường có thêm nhiều “tay chơi” mới tham gia cuộc chơi như Lotte Group, GS, Sumitomo, Hong Kong Land...
Cùng với nhà ở, lĩnh vực bất động sản công nghiệp cũng đang là “hố đen” hút vốn FDI. Ngoài ra, các phân khúc văn phòng, dự án phức hợp, du lịch cũng có dự báo tích cực về khả năng tăng trưởng.
Bà Nguyễn Lê Dung, Trưởng Bộ phận Môi giới và Đầu tư, Savills Hà Nội, chia sẻ thị trường có xu hướng nghiêng về phía bên mua, đặc biệt là đối với các tài sản mà chủ đầu tư không có năng lực triển khai hoặc đang gặp khó khăn về tài chính.
Ngược lại, trong các ngành có tiềm năng tăng trưởng, lợi thế đàm phán lại nghiêng về phía bên bán, khi các nhà đầu tư buộc phải trả mức giá cao hơn cho các dự án hấp dẫn và tỷ suất sinh lời cao.
Tuy nhiên, dù lợi thế nghiêng về bên nào, theo đại diện Savills, cuộc đua M&A đang dần chuyển từ xu hướng đối đầu sang đối tác. Trong bối cảnh hiện tại, M&A ôn hòa đang chiếm ưu thế, với xu hướng chủ đạo là tập trung vào lợi ích chung và phát triển hợp tác lâu dài.
“Các thương vụ này thường được thiết kế để tạo ra giá trị cho cả hai bên, nhằm tối ưu hóa nguồn lực và mở rộng cơ hội kinh doanh. Sự hợp tác ôn hòa không chỉ giúp củng cố mối quan hệ lâu dài giữa các bên liên quan mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững trong thị trường M&A”, bà Dung nói.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Vân Khanh, chuyên gia của JLL Việt Nam, nhìn nhận thâu tóm hay hợp tác là hai mảng của M&A. M&A hiện tại không chỉ là một “game" thu gom tài sản đơn thuần, vì vậy, các doanh nghiệp nội có thể coi đây như giải pháp để nâng cao nội lực, tăng sức cạnh tranh.
Chưa kể, các doanh nghiệp trong nước ngày càng nắm lợi thế lớn hơn về quỹ đất, tiềm lực tài chính, sự thấu hiểu thị trường… khiến các doanh nghiệp quốc tế thay đổi chiến lược trong các thương vụ M&A, từ “mua đứt, bán đoạn” sang hợp tác cùng phát triển.
Đang có những đánh giá đầy lạc quan về đường đua M&A trong thời gian tới, song các chuyên gia đánh giá thị trường vẫn cần thêm thời gian để có thêm những thương vụ “bom tấn”.
Các bộ luật mới như Luật Nhà ở 2023, Luật Đất đai 2024 và Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 được kỳ vọng giúp rút ngắn thủ tục pháp lý, bảo vệ quyền lợi của các bên, từ đó hứa hẹn môi trường đầu tư ổn định và minh bạch hơn.
Hưng Nguyên
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//toan-canh/thi-truong-m-a-bat-dong-san-van-cho-nhung-thuong-vu-bom-tan-1103598.html