Thị trường mỹ phẩm tăng nóng, người Việt 'xuống tiền' 2,4 tỷ USD trong năm 2024

Thị trường mỹ phẩm tăng nóng, người Việt 'xuống tiền' 2,4 tỷ USD trong năm 2024
4 giờ trướcBài gốc
Thị trường mỹ phẩm phát triển mạnh do nhu cầu làm đẹp tăng cao. Ảnh minh họa
Báo cáo Đánh giá thị trường mỹ phẩm Việt Nam năm 2024 của Kirin Capital cho thấy, Việt Nam hiện là một trong những thị trường năng động nhất trong khu vực Asean về ngành mỹ phẩm. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ phụ nữ Việt Nam thường xuyên sử dụng sản phẩm làm đẹp tăng từ 76% lên 86% trong giai đoạn 2018 – 2022.
MỸ PHẨM NHẬP NGOẠI CHIẾM ƯU THẾ
Báo cáo nêu, quy mô thị trường mỹ phẩm Việt Nam năm 2024 ước đạt hơn 2,4 tỷ USD tăng 3,4% so với năm 2023. Trong bối cảnh nhu cầu làm đẹp ngày một phát triển, con số này dự báo tăng lên tới khoảng 2,7 tỷ USD vào năm 2027 tương đương mức tăng trưởng kép CAGR (2023 – 2027) đạt hơn 3,3%.
Trong đó, hơn 90% các sản phẩm mỹ phẩm ở Việt Nam là nhập khẩu. Giá trị nhập khẩu mỹ phẩm liên tục tăng qua các năm từ 790 triệu USD năm 2018 lên tới hơn 1,2 tỷ USD năm 2022. Tính chung 11 tháng đầu năm 2024 giá trị nhập khẩu mỹ phẩm và chất thơm vào Việt Nam đạt hơn 1,3 tỷ USD tăng gần 17% so với cùng kì năm 2023.
Singapore hiện đang dẫn đầu thị phần cung cấp mỹ phẩm, chất thơm và chế phẩm vệ sinh cho Việt Nam với gần 380 triệu USD trong 11 tháng 2024, chiếm hơn 29% thị phần. Nhà cung cấp lớn thứ 2 là thị trường Hàn Quốc với hơn 174 triệu USD. Trung Quốc đứng thứ 3 với hơn 140 triệu USD, tương ứng thị phần 10,8%. Thái Lan và Mỹ cũng nằm trong top 5 nhà cung cấp lớn nhất của Việt Nam với trị giá nhập khẩu lần lượt là 139 triệu USD và 92 triệu USD.
Người tiêu dùng Việt đang có xu hướng ngày càng ưa chuộng các thương hiệu quốc tế, đặc biệt là đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước châu Âu. Điều này có thể giải thích bởi nhiều yếu tố. Thứ nhất, người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng tin tưởng vào chất lượng và công nghệ của các sản phẩm ngoại nhập. Thứ hai, các thương hiệu quốc tế thường xuyên tung ra những sản phẩm mới, đa dạng về mẫu mã và công dụng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu làm đẹp ngày càng cao của người tiêu dùng.
Cuối cùng, sự ảnh hưởng của các nền văn hóa khác, đặc biệt là Hàn Quốc, đã khiến cho các sản phẩm mỹ phẩm đến từ những quốc gia này trở nên phổ biến hơn.
ONLINE VS OFFLINE: NGƯỜI TIÊU DÙNG VIỆT CHỌN MUA MỸ PHẨM Ở ĐÂU?
Trong thời đại thương mại điện tử bùng nổ, việc mua sắm trực tuyến trở nên vô cùng phổ biến. Tuy nhiên, đối với mỹ phẩm – sản phẩm có tính cá nhân hóa cao, người tiêu dùng vẫn ưu tiên mua sắm trực tiếp tại cửa hàng. Việc được tự tay chạm vào sản phẩm, thử trực tiếp lên da giúp họ cảm nhận rõ hơn về chất lượng, kết cấu và màu sắc. Ngoài ra, việc được tư vấn trực tiếp từ các chuyên viên mỹ phẩm cũng là một yếu tố quan trọng giúp khách hàng đưa ra quyết định mua hàng chính xác.
Kết quả thống kê cho thấy, khoảng 80% mỹ phẩm được bán qua kênh offline – chiếm phần lớn doanh số bán hàng mỹ phẩm. Một số chuỗi bán lẻ mỹ phẩm nổi tiếng tại Việt Nam thu hút người tiêu dùng như: Thế Giới Skinfood, Hasaki, Beauty Garden, Nuty Cosmetics, Beauty Box, Coco Shop (CocoLux), Mặt Hoa Da Phan,...
Xét về quy mô cửa hàng, Hasaki hiện là chuỗi cửa hàng mỹ phẩm lớn nhất cả nước với 235 chi nhánh. Các chuỗi thương hiệu khác có số lượng cửa hàng khiêm tốn hơn nhiều: Beauty Box có 24 cửa hàng và Beauty Garden có 9 cửa hàng, Cocolux có 14 cửa hàng, Mắt Hoa Đa Phan có 5 cửa hàng và Nuty Cosmetics có 4 cửa hàng trong khi Thế Giới SkinFood chỉ có 10 cửa hàng.
Trong khi đó, khoảng 20% mỹ phẩm được bán qua kênh online – thông qua các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, TikTok Shop... Xu hướng mua hàng mỹ phẩm qua kênh online tiếp tục tăng nhẹ trong thời gian tới, đặc biệt khi có sự xuất hiện của Tiktok Shop cũng thúc đẩy việc mua online mặt hàng mỹ phẩm trong thời gian tới. Tại các nền tảng thương mại điện tử, người tiêu dùng vẫn đặc biệt quan tâm mua hàng qua shop chính hãng (shop mall) với kết quả chiếm khoảng 54% tổng doanh thu bán hàng online, trong khi đó shop thường chiếm khoảng 46%.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh số trên 5 sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Sendo, Tiki và Tiktok Shop của ngành hàng làm đẹp đã đạt 26 nghìn tỷ đồng. Theo số liệu thống kê, phân khúc sản phẩm giá từ 200,000 – 500,000 VNĐ là phân khúc đem lại doanh thu cao nhất trong ngành mỹ phẩm, chiếm tỷ trọng 34% trong tổng doanh thu. Tiếp đến là phân khúc giá 100,000 – 200,000 VNĐ chiếm tỷ trọng khoảng 27% tổng doanh thu.
Đơn vị báo cáo cũng đưa ra dự báo, vào thời điểm cuối năm ngành hàng làm đẹp sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh khi Tết Nguyên đán đến sớm hơn thường lệ. Điều này khiến người tiêu dùng bắt đầu mua sắm các sản phẩm làm đẹp và chăm sóc cá nhân sớm hơn. Theo dự báo, tổng doanh số của ngành hàng này trên Shopee sẽ đạt 10,3 nghìn tỷ đồng, với 90 triệu đơn vị sản phẩm được bán ra trong quý, tăng trung bình 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hà Kim
Nguồn Thương Gia : https://thuonggiaonline.vn/thi-truong-my-pham-tang-nong-nguoi-viet-xuong-tien-24-ty-usd-trong-nam-2024-post557142.html