Thị trường năng lượng 'ngập' sắc xanh, giá cà phê dần xa mốc kỷ lục

Thị trường năng lượng 'ngập' sắc xanh, giá cà phê dần xa mốc kỷ lục
2 ngày trướcBài gốc
Tâm lý thận trọng tiếp tục phủ bóng lên toàn thị trường trước thời điểm Mỹ công bố áp thuế đối ứng. Đáng chú ý, trên thị trường năng lượng, giá hai mặt hàng dầu thô tăng tuần thứ ba liên tiếp. Ở chiều ngược lại, thời tiết tại Brazil chuyển biến tích cực đã xoa dịu những lo ngại của các nhà kinh doanh cà phê trên thế giới, thúc đẩy lực bán trên thị trường. Đóng cửa, lực mua chiếm ưu thế đã hỗ trợ chỉ số MXV-Index tăng 0,3% lên mức 2.298 điểm.
Sắc xanh phủ kín thị trường năng lượng
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, lực mua áp đảo trên thị trường năng lượng. Trong đó, giá dầu thô thế giới đã có tuần thứ 3 liên tiếp tăng giá. Những quyết định mới nhất tới từ Nhà Trắng tiếp tục có những tác động lớn tới giá dầu.
Đóng cửa tuần, giá dầu Brent đã tăng lên mốc 73,63 USD/thùng, tương ứng tăng 2,04%; giá dầu WTI cũng đã tăng 1,58% trong tuần này; kết phiên ở mốc giá 69,36 USD/thùng. Đáng chú ý, kết thúc phiên giao dịch thứ Năm (27/3), giá hai mặt hàng dầu thô ghi nhận mức cao nhất kể từ đầu tháng 3.
Tuần qua, thị trường dầu mỏ toàn cầu đã chứng kiến một cú hích lớn ngay từ đầu tuần khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp dụng mức thuế 25% đối với các quốc gia nhập khẩu dầu thô từ Venezuela. Thông báo này được đưa ra vào ngày 24/3, chỉ vài ngày sau khi Nhà Trắng triển khai loạt biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Iran, với mục tiêu giảm nguồn cung dầu Iran xuống con số không.
Bên cạnh đó, Trung Quốc được cho là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ các biện pháp trừng phạt mới. Là khách hàng lớn nhất của cả ngành dầu Iran và Venezuela, Bắc Kinh giờ đây phải đối mặt với thách thức tìm kiếm nguồn cung thay thế. Đáng chú ý, trước đó, các biện pháp trừng phạt mới nhất liên quan đến dầu thô Iran đã nêu tên trực tiếp một số thực thể Trung Quốc, cho thấy Mỹ đang nhắm đến cả những bên mua dầu từ các quốc gia bị trừng phạt.
Ngoài Trung Quốc, danh sách các nước nhập khẩu dầu từ Venezuela còn bao gồm Ấn Độ, Tây Ban Nha, Italy và Cuba. Tất cả đều sẽ phải điều chỉnh chiến lược mua dầu để tránh các khoản thuế bổ sung từ Mỹ.
Điều này khiến khách hàng lớn nhất đối với dầu thô của cả Iran lẫn Venezuela buộc phải tìm nguồn cung mới. Xét rộng ra trên toàn thế giới, trong số những cái tên phải tìm nguồn cung dầu thô mới còn có Reliance Industries - tập đoàn vận hành khu phức hợp lọc dầu lớn nhất thế giới tại Ấn Độ. Tập đoàn này đã nhập khẩu trung bình 2 triệu thùng dầu mỗi tháng từ Venezuela, chiếm một phần đáng kể trong hoạt động sản xuất của họ.
Lo ngại về thiếu hụt nguồn cung dầu toàn cầu càng được củng cố khi báo cáo mới nhất của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố vào ngày 26/3 theo giờ địa phương. Theo EIA, dự trữ dầu thô thương mại của Mỹ đã giảm 3,3 triệu thùng trong tuần làm việc kết thúc vào ngày 21/3, xuống còn 433,6 triệu thùng. Trước đó, Viện Dầu mỏ Mỹ cũng có báo cáo tương tự vào ngày 25/3 với mức giảm là 4,6 triệu thùng.
Các mức giảm này mạnh hơn nhiều so với dự đoán của thị trường với các phân tích chỉ ra nguyên nhân do công suất tăng lên của các nhà máy lọc dầu chuẩn bị cao điểm mùa đi lại của người dân Mỹ diễn ra trong vòng hai tháng tới.
Mặt khác, nguy cơ gia tăng căng thẳng thương mại toàn cầu là động lực chính kìm hãm đà tăng của thị trường. Ngày 26/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ áp thuế quan bổ sung 25% với “tất cả ô tô không sản xuất tại Mỹ” bắt đầu từ ngày 3/4.
Sau đó, ông Trump cũng cảnh báo Canada và Liên minh Châu Âu (EU) rằng có thể tiếp tục áp dụng các biện pháp thuế quan mạnh tay hơn nếu thấy Canada và EU gây tổn thất cho nền kinh tế Mỹ.
Các nước đều đã có phản ứng không hài lòng với quyết định nói trên của Tổng thống Trump, trong đó, Thủ tướng Canada Mark Carney đáp trả rằng Canada cũng sẽ có biện pháp với hàng rào thuế quan này của Mỹ.
Những phản ứng trên khiến thị trường phải xét đến viễn cảnh “chiến tranh thương mại”, ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu dầu trong tương lai. Bản thân thuế suất lên mặt hàng ô tô nhập khẩu này của chính quyền Tổng thống Trump cũng có thể gây áp lực gián tiếp lên nhu cầu dầu thông qua việc đẩy giá phương tiện lên cao, khi mà ô tô nhập khẩu vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn trong thị trường ô tô tại Mỹ.
Giá cà phê, giá đường cùng lao dốc
Theo MXV, lực bán chiếm ưu thế trên thị trường nguyên liệu công nghiệp trong tuần vừa qua. Đóng cửa, giá cà phê Arabica giảm tới 2,93%, xuống mức 8.376 USD/tấn, trong khi giá Robusta cũng giảm sâu 3,23% về mức 5.337 USD/tấn. Như vậy, so với mức giá cao kỷ lục đã thiết lập vào tuần giữa tháng 2, giá cà phê Arabica đã đánh mất hơn 1.000 USD/tấn; giá Robusta cũng giảm khoảng 450 USD/tấn.
Có nhiều nguyên nhân kéo giá cà phê xuống trong tuần vừa qua. Về nguồn cung, theo dự báo của Marex Solutions, sản lượng cà phê Robusta của Việt Nam niên vụ 2025-2026 có thể đạt 28,8 triệu bao, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, trong khi sản lượng Robusta của Brazil dự kiến đạt 25 triệu bao, tăng mạnh 13,6%. Thêm vào đó, tính đến ngày 28/3, lượng tồn kho Arabica theo thống kê của ICE đã giảm xuống mức thấp nhất 5 tuần, ở mức gần 771.600 bao. Lượng tồn kho Robusta giảm nhẹ từ mức cao nhất trong 7 tuần vào ngày 25/3 khoảng 4.410 lô về mức trên 4.390 lô ngày 28/3. Trong hơn một tháng qua, lượng tồn khô cà phê Arabica được ghi nhận đang có xu hướng giảm.
Tại thị trường nội địa, trong tuần qua, giá cà phê xô nhân tại khu vực Tây Nguyên dao động từ 132.300 đồng/kg đến 135.400 đồng/kg. Ghi nhận trong sáng nay (31/3), giá cà phê trong khoảng 131.200 - 132.300 đồng/kg, ổn định so với hôm qua nhưng giảm 1.700 đồng/kg so với đầu tuần trước.
Diễn biến đáng chú ý khác trên thị trường nguyên liệu công nghiệp là hợp đồng đường thô kỳ hạn tháng 5 trên sàn New York giảm sâu tới 3,85% trong tuần qua. Nguyên nhân chính là sự suy yếu nhu cầu từ Trung Quốc - một trong những thị trường tiêu thụ đường lớn nhất thế giới. Báo cáo cho thấy nhập khẩu đường của Trung Quốc trong tháng 2 đã giảm mạnh tới 97% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn 20.000 tấn. Điều này cũng ảnh hưởng đến xuất khẩu đường của Brazil trong tháng 2 khi giảm nhẹ 5,6%, xuống còn 39.822 triệu tấn.
Trái ngược với cà phê và đường, giá ca cao kết thúc tuần giao dịch với mức tăng mạnh mẽ ở mức 3,57%, lên đến 8.042 USD/tấn. Sau khi giảm sâu vào thứ Sáu tuần trước (giảm tới 3,29%), giá ca cao đã bật tăng trở lại ngay đầu tuần nhờ lực mua kỹ thuật.
Mặc dù vậy, triển vọng nguồn cung ca cao toàn cầu vẫn được đánh giá tích cực. Theo Tổ chức Ca cao Quốc tế (ICCO), thặng dư ca cao toàn cầu niên vụ 2024-2025 dự kiến đạt 142.000 tấn - mức thặng dư đầu tiên sau bốn năm nhờ sản lượng toàn cầu tăng mạnh 7,8%, đạt mức kỷ lục mới là 4,84 triệu tấn.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/thi-truong-nang-luong-ngap-sac-xanh-gia-ca-phe-dan-xa-moc-ky-luc-20250331085752570.htm