Thị trường năng lượng Việt Nam nhiều thay đổi giai đoạn 2026 - 2030

Thị trường năng lượng Việt Nam nhiều thay đổi giai đoạn 2026 - 2030
6 giờ trướcBài gốc
Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đã xác định mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng; cung cấp năng lượng đầy đủ ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Nguồn năng lượng mới là yêu cầu cấp thiết
Thực tế cho thấy, ngành năng lượng Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh. Cho dù vậy, trong bối cảnh các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt đang dần cạn kiệt, việc chuyển đổi nhanh sang các nguồn năng lượng mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đang là yêu cầu cấp thiết.
Năng lượng tái tạo giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu
Tập trung khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước, kết hợp với xuất - nhập khẩu năng lượng hợp lý là định hướng chung của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam -PVN) trong giai đoạn tới. Ông Trần Quang Dũng, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy tập đoàn cho biết, để khai thác và sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả và trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch năng lượng, PVN luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của Việt Nam, các Công ước quốc tế Việt Nam có tham gia. Đồng thời không ngừng cải tiến công nghệ, cập nhật 78 công nghệ mới giúp giảm thiểu phát thải ra môi trường, hạn chế tối đa các rủi ro không mong muốn.
“PVN và các đơn vị thành viên luôn đảm bảo thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, theo đúng quy định của pháp luật về an toàn, sức khỏe, môi trường hiện hành. Trong đó ó các biện pháp, kế hoạch ngăn ngừa, giảm thiểu tác động môi trường, bao gồm quản lý chất thải nghiêm ngặt, xử lý và tái chế chất thải rắn, lỏng và khí; Cải tiến công nghệ, tối ưu hóa vận hành, sử dụng năng lượng tiết kiệm và phát triển năng lượng tái tạo”, ông Dũng cho biết.
Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng do biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec (Thủy Nguyên, Hải Phòng) cho rằng, việc chuyển đổi các mô hình phát triển năng lượng tái tạo không chỉ là lựa chọn cấp thiết, còn là xu hướng tất yếu để đảm bảo phát triển năng lượng bền vững.
“Năng lượng tái tạo là yếu tố thiết yếu trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững. Việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo không chỉ giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu mà còn đảm bảo sự phát triển lâu dài và bền vững cho nền kinh tế”, ông Điệp quả quyết.
Năng lượng tái tạo đảm bảo phát triển năng lượng bền vững
Nhận dạng đúng mức độ “xanh” từng nguồn năng lượng
Ở tầm xa hơn, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế - Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, để kinh tế xanh vận hành đúng nghĩa, cần chuyển dịch cơ cấu năng lượng theo hướng giảm tỷ trọng năng lượng hóa thạch, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo và năng lượng mới (năng lượng xanh).
Ông Lạng khẳng định, Việt Nam đã có mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh, nên đòi hỏi việc chuyển đổi xanh năng lượng một cách quyết liệt. Tuy nhiên, chuyển đổi năng lượng xanh cần đầu tư lớn để nghiên cứu và phát triển các loại hình năng lượng mới, gắn với tiêu chuẩn xanh. Cùng với đó cần tăng dự trữ năng lượng để bình ổn giá trước các biến động bất lợi của giá năng lượng toàn cầu. Trong đó có nâng cấp cơ sở hạ tầng và hoàn thiện cơ cấu, chiến lược và phát huy vai trò nền tảng của hệ thống năng lượng quốc gia, đối với tất cả các hoạt động của nền kinh tế.
“Trước mắt, cần xây dựng tiêu chuẩn phân loại năng lượng xanh về loại hình, bản chất, hàm lượng yếu tố xanh cũng như phương pháp đánh giá cụ thể, làm căn cứ nhận dạng đúng mức độ “xanh” của từng loại nguồn năng lượng cụ thể. Việc phân loại này là tiền đề để đưa ra các biện pháp điều chỉnh, hạn chế năng lượng hóa thạch và khuyến khích năng lượng xanh hiệu quả trong quá trình thay thế tối ưu. Lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh cần được đặt trong mối quan hệ với phát triển kinh tế xanh đồng bộ, cũng như các lĩnh vực liên quan khác để loại bỏ tình trạng sai lệch, hay bất cân xứng trong chi phí điều chỉnh”, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng chỉ ra.
Dự trữ năng lượng là một trong những giải pháp phù hợp với xu thế
Còn theo quan điểm của Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec – ông Phạm Hồng Điệp, để đạt được mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh bền vững, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc phát triển các công nghệ sạch, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, cũng như tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi cho các dự án năng lượng tái tạo.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/kinh-te/thi-truong-nang-luong-viet-nam-nhieu-thay-doi-giai-doan-2026-2030-post1150457.vov