Các doanh nghiệp ô tô trong nước đang đẩy mạnh lắp ráp sản xuất. Ảnh: DNCC
Các hãng chọn nhập khẩu nhiều hơn
Khép lại năm 2024, các thành viên thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tiêu thụ tăng 12,6% so với năm 2023, đạt 340.142 xe. Đáng chú ý, trong năm 2024 dù có được 3 tháng ưu đãi 50% lệ phí trước bạ, nhưng lượng xe lắp ráp trong nước (CKD) tiêu thụ lại bị sụt giảm 5%. Xe nhập nguyên chiếc (CBU) không được ưu đãi này lại tăng tới 39%.
Lượng xe nhập tăng cao dẫn đến lượng xe CKD và xe CBU bán ra trong năm 2024 chỉ còn chênh nhau khoảng 5.000 xe. Nếu theo dõi thị trường trong những năm qua, có thể thấy lượng xe lắp ráp trong nước luôn chiếm tỷ lệ vượt trội. Nhưng từ kết quả bán hàng năm 2024 cho thấy, các thành viên của VAMA đang đẩy kinh doanh ô tô nhập khẩu, giảm lượng xe lắp ráp trong nước, nhất là đối với doanh nghiệp nước ngoài.
Đơn cử như Toyota Việt Nam (TMV), liên doanh luôn có tỷ lệ bán xe CKD cao trong nhiều năm trước, nhưng năm 2024 có lượng xe CKD tiêu thụ chưa tới một nửa lượng xe CBU. Cụ thể tổng 66.576 xe bán ra trong năm qua của TMV chỉ có 27.884 xe CKD.
Ngay cả Innova, một trong những dòng xe bán chạy nhất của hãng ở Việt Nam giờ chỉ lắp ráp phiên bản số sàn trong khi mẫu mới Innova Cross bản xăng lại nhập khẩu từ Indonesia. Điều này tương tự như cách Mitsubishi đang thực hiện với Xpander tại thị trường Việt Nam hiện nay. Yaris Cross và Corolla Cross cũng là 2 mẫu xe mà hãng cho nhập khẩu nguyên chiếc.
Hay Suzuki có 5 mẫu xe bán tại thị trường Việt Nam đều là xe nhập khẩu. Các hãng Honda, Mitsubishi... đều có số lượng mẫu lắp ráp tại Việt Nam ít hơn mẫu nhập khẩu hoặc chỉ lắp ráp 1 đến 2 bản của một mẫu xe.
Theo các chuyên gia, trước đây, Việt Nam có hàng rào thuế quan với xe nhập khẩu nên các hãng sản xuất, lắp ráp trong nước. Thời gian qua, khi thuế suất nhập khẩu từ các nước trong ASEAN giảm về 0%, các hãng xe lựa chọn chuyển sang nhập khẩu để hưởng lợi nhiều hơn. Thời gian qua, nhiều mẫu ô tô nhập nguyên chiếc đã được nhà phân phối mạnh tay ưu đãi, giảm giá sâu, giúp tăng doanh số, thu hẹp khoảng cách đáng kể so với xe CKD.
Sự quan tâm của người tiêu dùng đối với các dòng xe nhập khẩu là khá lớn. Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, hiện có không ít người dùng thích xe nhập bởi họ cho rằng chất lượng cao hơn xe lắp ráp trong nước.
Các liên doanh đang gia tăng nhập khẩu xe nguyên chiếc về bán
Việc chấp nhận sự chênh lệch về giá của xe nhập và xe lắp ráp cho thấy, thị hiếu của người mua đang thay đổi. Đơn cử như Mitsubishi Xpander, luôn dẫn đầu về lượng bán không chỉ bởi sự đa dụng mà còn được đánh giá về sự bền bỉ, chất xe "lành".
Doanh nghiệp nội địa nỗ lực giữ vị thế
Báo cáo của VAMA không bao gồm lượng bán hàng của cả chục nhà nhập khẩu khác như Audi, Volvo, Volkswagen, Subaru, Jaguar, Land Rover, Nissan, MG… Đáng chú ý, hai “ông lớn” sản xuất trong nước là Vinfast và Hyundai Thành Công có lượng bán ra vượt trội và đang dẫn đầu cũng không nằm trong báo cáo.
Trong lúc Hyundai và Toyota đang so kè trong cuộc đua, thì VinFast đã có bước vượt mặt ấn tượng lên dẫn đầu thương hiệu ô tô bán chạy nhất Việt Nam năm 2024. VinFast bán hơn 87.000 xe, gấp gần 2,5 lần năm 2023; còn các mẫu xe Hyundai do Thành Công lắp ráp và phân phối đứng ở vị trí thứ 2 đạt 67.168 xe bán ra.
Nếu tính luôn lượng bán hàng của 2 doanh nghiệp này vào báo cáo VAMA thì năm 2024 đạt hơn 500.000 xe.
Hay Thaco Auto lắp ráp và phân phối các thương hiệu KIA, Mazda, Peugeot, BMW... có tổng lượng bán ra đạt hơn gần 90.000 xe trong năm qua.
Có thể thấy, nhiều hãng xe có vốn ngoại, dù có nhà máy tại Việt Nam nhưng thay vì tăng lượng xe sản xuất, lắp ráp thì lại tăng nhập khẩu xe nguyên chiếc để kinh doanh. Thực tế là, tỷ lệ nội địa hóa vẫn không thay đổi nhiều so với nhiều năm trước và đang dần bị Thái Lan và Indonesia nới rộng khoảng cách về chỉ số này.
"Đầu tư là phải hiệu quả. Khi thuế quan nhập xe nguyên chiếc trong khu vực không còn, không có lợi thế để lắp ráp thì nhà đầu tư chuyển sang nhập xe nguyên chiếc để bán là dễ hiểu. Điều này tôi và các chuyên gia đã cảnh báo hơn 15 năm trước. Chính sách cứ mãi tập trung ưu đãi cho các nhà lắp ráp mà không nuôi dưỡng, hỗ trợ các nhà sản xuất linh phụ kiện để tạo nên hệ sinh thái bền vững cho ngành phát triển", ông Đồng nhấn mạnh.
Sản xuất tại Hyundai Thành Công. Ảnh: DNCC
Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp nội địa như Vinfast, Thaco Auto và Thành Công Motor thì thể hiện sự kiên định với chiến lược phát triển sản xuất lắp ráp trong nước. Đây là những doanh nghiệp có sự đầu tư phát triển công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ để nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, gia tăng hàm lượng giá trị sản xuất trong nước.
Lượng xe CBU kinh doanh tại Thaco và Hyundai Thành Công rất thấp dưới 10%; trong khi xe Vinfast lắp ráp trong nước, tỉ lệ nội địa hóa khoảng 60%. Thậm chí, trong những năm trở lại đây, các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô Việt Nam còn xuất khẩu linh kiện và ô tô nguyên chiếc sang các nước.
Từ năm 2020, Thaco “lội ngược dòng” xuất khẩu những chiếc xe du lịch Kia Grand Carnival sang Thái Lan với hơn 1.000 xe các loại. Sau Thaco, ngành ô tô Việt Nam ghi nhận VinFast xuất lô 999 chiếc xe điện đi Mỹ năm 2022, tạo động lực cho ngành sản xuất ô tô nội địa.
Hay tháng 10-2024, Hyundai Thành Công cũng xuất thành công 110 xe du lịch Hyundai Palisade (trong tổng số 4.000 giai đoạn 2024-2025) sang thị trường Thái Lan. Sau Hyundai Palisade, Hyundai Thành Công còn đặt mục tiêu xuất các dòng xe khác trong phân khúc B, B-SUV, D-SUV, D-MPV sang Myanmar, Philippines, Indonesia...
Những kết quả nói trên, về mặt số lượng chưa lớn, nhưng là bước đi nền móng để ngành ô tô trong nước tiếp tục nuôi dưỡng và phát triển. Theo lãnh đạo Cục Công nghiệp, sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp đầu chuỗi như Thaco, Vinfast, Hyundai Thành Công có vai trò quan trọng trong việc tạo lực đẩy cho ngành công nghiệp ô tô nói chung và công nghiệp hỗ trợ ô tô nói riêng phát triển. Bởi lẽ, đây là cơ hội để các đơn vị cung ứng linh kiện thứ cấp có điều kiện giao lưu, nghiên cứu, nâng cao tay nghề, chất lượng sản phẩm.
Với nhà đầu tư nước ngoài, chuyên gia Minh Đồng cho rằng, dù chậm nhưng vẫn còn khắc phục được bằng chứng là doanh nghiệp trong nước tham gia muộn hơn nhưng khi quyết tâm thực hiện thì vẫn từng bước phát triển.
"Chính sách cho ngành lúc này là cần tập trung tạo điều kiện để nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là các sản phẩm kỹ thuật cao, giá trị lớn vào đầu tư để cung ứng trong nước và xuất khẩu. Với các nhà sản xuất linh kiện cũng vậy cần có chính sách hỗ trợ tối ưu để họ an tâm đầu tư", ông Đồng cho hay.
Khi công nghiệp hỗ trợ tại chỗ phát triển thì cạnh tranh của ngành tốt lên. Điều này sẽ giữ được chân các nhà sản xuất để cung ứng cho thị trường trong nước đang tăng nhanh mà còn hướng đến xuất khẩu.
Lê Hoàng