Thị trường ô tô Việt: Cuộc cạnh tranh giữa cũ và mới

Thị trường ô tô Việt: Cuộc cạnh tranh giữa cũ và mới
2 ngày trướcBài gốc
Năm 2024, có những mẫu xe cả năm bán được dưới 10 chiếc, như Toyota Yaris (8 chiếc), Suzuki Ciaz (8 chiếc) Mazda BT 50 (5 chiếc). Những mẫu xe này cũng có tên trong danh mục sản phẩm bán chậm nhất của năm liền trước, năm 2023.
Đó không phải những chiếc xe đắt đỏ, ngược lại là những sản phẩm phổ thông nhất thuộc về những thương hiệu lâu năm và uy tín, nhưng bị người dùng thờ ơ vì ít đổi mới.
Nhìn tổng thể, dung lượng thị trường ô tô Việt Nam không tăng nhanh, nhưng số lượng mẫu xe mới bổ sung từ các hãng xe Trung Quốc, gồm xe truyền thống và xe điện khiến mọi phân khúc ngày càng ngột ngạt, nhất là các dòng xe được gia đình và doanh nghiệp lựa chọn như SUV cỡ trung và MPV.
Triển lãm ô tô Việt Nam thường niên đã xuất hiện nhiều nhãn hiệu mới, đặt cạnh những nhãn hiệu lâu năm như Toyota, Honda, Mitsubishi. Ảnh minh họa
Có hai xu hướng tiêu dùng lớn tác động đến lựa chọn của người tiêu dùng Việt trong khoảng 3 năm qua. Thứ nhất là xu hướng mua xe gầm cao thay vì sedan cỡ nhỏ, thứ hai là lựa chọn xe điện thay vì xe xăng.
Hai xu hướng này được các hãng xe mới nổi gồm VinFast và các thương hiệu từ Trung Quốc khai thác triệt để.
Xe điện VinFast có dải sản phẩm bao phủ mọi phân khúc, từ cỡ nhỏ nhất (VF3) cho đến MPV hạng trung (Limo Green), khoảng giá từ 280 đến 750 triệu đồng, hạ tầng sạc ưu đãi đến năm 2027 đã lấy của xe truyền thống khoảng 15% thị phần hàng năm.
Hãng này chỉ đợi thời điểm để ra mắt bán tải điện - điền nốt mảnh ghép cuối cùng trên bức tranh xe điện đã hoàn chỉnh.
Xe Trung Quốc vào Việt Nam với tốc độ nhanh hơn, 14 nhãn hiệu ra mắt trong vòng hai năm qua với dải sản phẩm rộng. Xe điện của BYD, Wuling, Aion; xe xăng của MG, Omoda, Haval và GAC, xe cận cao cấp của Link & Co.
Sự khốc liệt của thị trường thể hiện ở những con số. Năm 2022, vị trí doanh số bán chạy nhất từng tháng là những mẫu xe phổ thông như Hyundai Accent (3.400 chiếc, tháng 2/2022) hoặc Toyota Vios (3.800 chiếc, tháng 5/2022).
Nay tình hình đã đảo ngược, bán chạy nhất từ đầu năm là xe điện của VinFast. Thậm chí tháng 2 vừa qua, ba mẫu xe điện VF 3, VF 5, VF 6 chiếm ba vị trí đầu tiên bảng xếp hạng, trong khi xe của hãng Hyundai lần đầu không có tên trong top 10.
Mức độ trung thành của khách hàng suy giảm, cũng là điều mà các hãng xe lâu năm cảm nhận rõ rệt nhất.
Trước đây các thương hiệu độc tôn hàng thập kỷ như Toyota, Honda, Mazda…, giờ đây bị pha loãng bởi những cái tên lạ lẫm, nhưng tràn ngập công nghệ và hợp túi tiền.
Đơn cử, hãng MG chỉ mất 20 tháng để mở 15 đại lý trên toàn quốc, doanh thu MG năm 2024 gần 2.500 tỷ đồng. Thần tốc hơn, chỉ 11 tháng nhưng tân binh Omoda & Jaecoo đã khiến thị trường xe Việt phải chú ý, với 35 đại lý khai trương khắp cả nước.
Tốc độ bao phủ nhanh, tần suất hiện diện trên truyền thông, các thương hiệu mới hút về phía mình nhân sự bán hàng có kinh nghiệm, kỹ thuật viên lành nghề; từ đó hút một tệp khách hàng hoàn toàn mới.
Tệp khách hàng này là thế hệ trẻ 9x có khả năng tự quyết, họ không cần “dắt cả nhà đi xem xe” vài lượt như trước, họ không đắn đo lựa chọn xe Việt Nam hay Trung Quốc.
Anh bạn trẻ của tôi, người mới mua chiếc xe Trung Quốc giá chưa đến 500 triệu đồng, nhận xét: Quan niệm chiếc xe phải “nồi đồng cối đá”, phải “giữ giá” giờ không còn là tất cả. Khách hàng thế hệ mới sẵn sàng thử nghiệm nhãn hiệu mới, sản phẩm mới một cách cởi mở hơn.
Cao Anh Đức
Nguồn Xe Giao Thông : https://xe.baogiaothong.vn/thi-truong-o-to-viet-cuoc-canh-tranh-giua-cu-va-moi-192250331144116588.htm