Thị trường tài chính toàn cầu rúng động và hành động của Việt Nam

Thị trường tài chính toàn cầu rúng động và hành động của Việt Nam
12 giờ trướcBài gốc
Sự rúng động của thị trường tài chính toàn cầu
Thị trường tài chính toàn cầu đang trải qua một đợt rung chuyển mạnh mẽ sau khi Tổng thống Trump công bố các mức thuế quan mới và cứng rắn.
Mở cửa sau thị trường chứng khoán châu Á, thị trường chứng khoán châu Âu lao dốc khi mở cửa.
Các sàn chứng khoán rơi vào tình trạng lao dốc tự do, với Paris giảm hơn 6%, London trượt gần 6%, Frankfurt giảm tới 10%,...
Mặc dù Úc chỉ phải đối mặt với mức thuế cơ bản 10% do chính quyền Trump áp đặt nhưng thị trường chứng khoán Úc đã lao dốc trong phiên giao dịch hôm nay, được xem là tồi tệ nhất với khoảng 69 tỉ đô la Mỹ giá trị vốn hóa bị thổi bay.
Chỉ số S&P/ASX 200 kết thúc phiên giảm 4,2% xuống 7.343,30 điểm, sau khi có thời điểm giảm tới 6,5% trong những giờ giao dịch đầu tiên.
Bốn ngân hàng lớn của Úc, bao gồm ANZ, Commonwealth Bank, NAB và Westpac đã mất hơn 18 tỉ đô la Mỹ giá trị vốn hóa thị trường.
Trước đó, thị trường tài chính châu Á cũng rúng động khi đồng loạt lao dốc. Đặc biệt đã có thị trường phải áp dụng cơ chế tạm ngừng giao dịch (ngắt mạch) do sự sụt giảm mạnh sau những lo ngại về tác động từ chính sách thuế quan của Tổng thống Trump.
Cụ thể, thị trường chứng khoán Đài Loan đã phải kích hoạt cơ chế ngắt mạch giao dịch sau khi thị trường ghi nhận mức giảm rất mạnh, gần 10% ngay khi mở cửa.
Thị trường chứng khoán từ Âu sang Á lao dốc mạnh vì tác động thuế quan của ông Trump. Ảnh AI: PHƯƠNG MINH
Nguyên nhân là do các cổ phiếu lớn như TSMC và Foxconn đều giảm sâu. Đây là mức giảm trong ngày mạnh nhất của Đài Loan trong hơn một năm qua. Lệnh ngừng giao dịch được kích hoạt để ngăn chặn biến động giá quá mức và cho phép nhà đầu tư đánh giá lại tình hình.
Thị trường chứng khoán Tokyo cũng chứng kiến sự lao dốc mạnh ngay khi mở cửa, với chỉ số Nikkei 225 có thời điểm giảm gần 9%. Do mức giảm mạnh này, cơ chế ngắt mạch giao dịch cũng đã được kích hoạt đối với hợp đồng tương lai chỉ số Nikkei, tạm thời ngừng giao dịch trong 10 phút để ổn định thị trường.
Ngân hàng Goldman Sachs đưa ra dự báo khả năng suy thoái kinh tế Mỹ lên 45% khi lo ngại về chiến tranh thương mại bao trùm thị trường toàn cầu. Trong khi đó, JP Morgan cũng đã nâng xác suất suy thoái kinh tế Mỹ trong 12 tháng tới từ mức ước tính trước đó là 35% lên 60%.
Những chuyển động của Việt Nam
Trong báo cáo mới phát hành, Công ty chứng khoán KBSV cho biết, chính sách thuế quan 46% của ông Trump sẽ gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế Việt Nam nói chung và chứng khoán nói riêng.
Mức thuế đối ứng 46% mà Việt Nam phải chịu cao hơn đáng kể so với các quốc gia cạnh tranh khác như Ấn Độ, Indonesia, Philippines và Malaysia.
Điều này tạo ra bất lợi lớn cho Việt Nam trong việc thu hút các doanh nghiệp FDI nhắm đến thị trường xuất khẩu Mỹ.
Cụ thể có thể khiến các doanh nghiệp FDI mới sẽ tạm dừng giải ngân vào Việt Nam. Các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam sẽ cắt giảm công suất.
"Chúng tôi kỳ vọng dòng vốn FDI giải ngân có thể phục hồi và được bù đắp bởi các doanh nghiệp FDI có thị trường xuất khẩu ngoài Mỹ, nhờ Việt Nam vẫn duy trì lợi thế về lực lượng nhân công giá rẻ, vị trí thuận lợi cho việc giao thương, các chính sách thu hút vốn FDI.
Một số doanh nghiệp FDI có thị trường xuất khẩu ngoài Mỹ tương đối lớn tại Việt Nam như Samsung, LG, Intel" - KBSV nhận định.
Việt Nam nên đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào thị trường Mỹ để giảm áp lực thuế quan. Ảnh: PHƯƠNG MINH
Theo Tiến sĩ Võ Đình Trí, Đại học Kinh tế TP.HCM, thực tế cho thấy, Mỹ cũng có những thiện cảm nhất định với Việt Nam. Phải thừa nhận rằng, Việt Nam đã thể hiện sự khéo léo đáng khen trong công tác đối ngoại, đặc biệt là khả năng đàm phán của các cấp lãnh đạo và các bên liên quan. Ngoại giao cây tre của Việt Nam đã chứng minh được hiệu quả của mình.
Ví dụ trước đây, ông Trump từng kiên quyết đòi rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tiền thân là TPP, và thậm chí đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ. Tuy nhiên, trên thực tế, những hành động cụ thể theo những tuyên bố đó lại không nhiều.
Đây có thể là một lợi thế cho Việt Nam. Hơn nữa, vấn đề không chỉ nằm ở thuế quan. Thuế và kinh tế chỉ là một phần trong bức tranh tổng thể. Cần nhớ rằng, kinh tế và chính trị luôn gắn liền. Trong bối cảnh đó, có thể có những thỏa thuận khác, giúp giải quyết các vấn đề kinh tế một cách linh hoạt hơn, thay vì chỉ tính toán thiệt hơn một cách cứng nhắc về mặt kinh tế đơn thuần.
Nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng mạnh với mức thuế 46% mà Mỹ chuẩn bị áp dụng. Ảnh: PHƯƠNG MINH
Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, Đại học Bristol (Anh) cho biết, trong bối cảnh hiện tại, việc đáp trả các biện pháp thuế quan từ Mỹ không phải là một lựa chọn khôn ngoan, bởi Việt Nam không nắm giữ lợi thế trong ván cờ này và khó có thể thay đổi được bức tranh toàn cảnh. Thay vào đó, chiến lược tối ưu là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu một cách quyết liệt.
Sự bất ổn về thuế quan từ Mỹ có lẽ sẽ còn kéo dài, bất kể kết quả đàm phán ra sao. Đây chính là thời điểm vàng để Việt Nam tăng cường thâm nhập sâu rộng vào các thị trường mà Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do, như khu vực Bắc Âu, Vương quốc Anh, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc và Nhật Bản, những thị trường hiện đang có vẻ ổn định hơn.
Cần xác định rõ ràng rằng, các cuộc thương lượng về thuế đối ứng lần này không phải là một giải pháp một lần là xong, mà sẽ là một chuỗi các biện pháp thuế khác nhau, kéo dài trong dài hạn. Cuộc đua marathon thuế quan này chỉ vừa mới bắt đầu.
Một yếu tố quan trọng khác cần được chú trọng là giảm thâm hụt thương mại với Mỹ thông qua việc kiểm soát chặt chẽ và loại bỏ các hành vi gian lận thương mại. Đáng ghi nhận là trong vấn đề này, Việt Nam đang cho thấy một thái độ mạnh mẽ và quyết liệt hơn.
Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright Việt Nam, Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động đẩy nhanh việc thực hiện các đơn hàng mua hàng hóa từ Mỹ, thể hiện thiện chí hợp tác thực chất, không chỉ dừng lại ở các thỏa thuận trên giấy tờ. Hành động này vừa nâng cao chất lượng hàng hóa và đa dạng hóa thị trường sản phẩm trong nước, vừa tạo dựng hình ảnh tích cực với phía Mỹ.
"Về mặt đàm phán, tôi cho rằng cần gắn liền với lộ trình thúc đẩy Hiệp định Thương mại tự do và đầu tư Hoa Kỳ - Việt Nam. Dựa trên nền tảng vững chắc của Hiệp định Thương mại song phương (BTA) ký kết năm 2000, sau 25 năm phát triển, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để hướng tới một hiệp định thương mại tự do song phương ở một tầm cao mới, phù hợp với quan điểm và nhận thức hiện tại của chính quyền hai nước.
Do đó, nỗ lực của chúng ta không chỉ giới hạn ở việc mở cửa cho thương mại hàng hóa mà còn phải tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn đầu tư từ Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần chủ động thực hiện các cải cách sâu rộng hơn trong lĩnh vực tài khóa và tiền tệ, tạo môi trường kinh doanh minh bạch và hấp dẫn cho các nhà đầu tư Mỹ" - ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nói.
PHƯƠNG MINH
Nguồn PLO : https://plo.vn/thi-truong-tai-chinh-toan-cau-rung-dong-va-hanh-dong-cua-viet-nam-post843034.html