Thị trường tài chính Việt Nam 2025: Đan xen cơ hội và thách thức

Thị trường tài chính Việt Nam 2025: Đan xen cơ hội và thách thức
6 giờ trướcBài gốc
Ngày 22/4/2025, tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2024 và triển vọng 2025”.
Báo cáo là sản phẩm duy nhất đánh giá toàn cảnh về thị trường tài chính Việt Nam, bao gồm các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và quỹ đầu tư. Hội thảo có sự tham gia của ông Trần Phương - Phó Tổng Giám đốc BIDV; TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV; ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam; và lãnh đạo, chuyên gia, đại diện các cơ quan quản lý, tổ chức quốc tế (ADB, IMF, JICA, JBIC…), các định chế tài chính, hiệp hội nghề nghiệp, các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan báo chí…
Toàn cảnh Hội thảo.
Tại Hội thảo, các chuyên gia điểm lại tình hình kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam năm 2024, trong đó nêu bật những thuận lợi, cũng như thách thức và hạn chế.
Dự báo năm 2025, bối cảnh quốc tế sẽ có nhiều biến động hơn sau khi ông D. Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, nhất là trong các lĩnh vực về quan hệ đối ngoại, an ninh, kinh tế, thương mại (đặc biệt liên quan đến các chính sách thuế quan) và đầu tư quốc tế, kinh tế Việt Nam tuy được dự báo tăng trưởng khá, nhưng phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức hơn là cơ hội.
Theo đó, mức độ tăng trưởng phụ thuộc khá nhiều vào kết quả đàm phán thuế quan đối ứng giữa Việt Nam và Mỹ. Với kịch bản cơ sở (xác suất 60%), giả định Việt Nam đàm phán giảm mức thuế đối ứng xuống còn khoảng 20-25% (từ mức 46% dự kiến hiện tại), tăng trưởng GDP năm 2025 có thể đạt khoảng 6,5-7%. Với kịch bản tích cực (xác suất 20%), mức thuế quan chỉ khoảng 10%, tăng trưởng GDP có thể đạt 7,5-8%. Với kịch bản tiêu cực (xác suất 20%), Mỹ vẫn sẽ áp mức thuế đối ứng 46% (hoặc chỉ giảm nhẹ), tăng trưởng GDP sẽ bị ảnh hưởng rất tiêu cực, giảm 1,5-2 điểm %, chỉ đạt 5,5- 6% năm 2025. Lạm phát cả năm 2025 dự báo tăng khoảng 4-4,5%.
Với bối cảnh quốc tế và trong nước như nêu trên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, với kịch bản cơ sở, tăng trưởng tín dụng dự báo ở mức 14-15%. NHNN sẽ tiếp tục điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, góp phần hỗ trợ thức đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, lãi suất.
Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong ngắn hạn, áp lực từ lượng trái phiếu đáo hạn lớn, còn trong dài hạn là những vấn đề mang tính cấu trúc, như cơ cấu hay hình thức phát hành; cơ sở, cơ cấu và chất lượng nhà đầu tư còn bất cập; hay sự phụ thuộc quá nhiều vào phát hành riêng lẻ, tiềm ẩn rủi ro và chưa tiệm cận thông lệ quốc tế; quy định xếp hạng tín nhiệm còn thiếu phân nhóm, trong khi yêu cầu đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp lại chặt chẽ, chưa phân nhóm cụ thể, có thể hạn chế cơ sở nhà đầu tư.
Theo TS. Cấn Văn Lực, trong thời gian tới, thị trường trái phiếu doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực, như triển vọng tăng trưởng kinh tế cao, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp, hạ tầng thị trường và hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện... Việc giải quyết căn cơ các rào cản, thách thức nêu trên cùng sẽ góp phần quan trọng cho tiến trình phát triển của thị trường này.
Tại Hội thảo, các diễn giả, chuyên gia đã đưa ra một số kiến nghị chính sách, tập trung vào 3 vấn đề chính: Một số kiến nghị chung; Giải pháp ổn định và phát triển thị trường tài chính và Giải pháp phát triển thị trường trái phiếu tại Việt Nam.
Trong đó, các chuyên gia tập trung một số kiến nghị nhằm phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bao gồm cả giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Trong ngắn hạn, vấn đề cấp bách là giải quyết ổn thỏa tình trạng trái phiếu doanh nghiệp chậm trả và đáo hạn, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư; cần sớm cải cách thủ tục, điều kiện, rút gọn thời gian cấp phép phát hành ra công chúng để khuyến khích doanh nghiệp phát hành theo kênh này nhiều hơn. Bên cạnh đó, nên bổ sung chính sách khuyến khích và công bố thông tin xếp hạng tín nhiệm cho doanh nghiệp nói chung (không chỉ cho phát hành trái phiếu doanh nghiệ), có phân nhóm tiêu chí yêu cầu xếp hạng tín nhiệm.
Về dài hạn, các chuyên gia đề xuất 5 nhóm giải pháp chính bao gồm: Tiếp tục hoàn thiện quy định pháp lý liên quan đến phát hành trái phiếu, bao gồm cả thị trường trái phiếu chính phủ nhằm tạo chuẩn (benchmark) về lãi suất; Hoàn thiện hạ tầng cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp như thị trường thứ cấp tập trung, cơ sở thông tin - dữ liệu về trái phiếu, tài sản đảm bảo; Hoàn thiện cơ chế quản lý và giám sát thị trường; Đa dạng hóa và cải thiện chất lượng nhà đầu tư cả sơ cấp và thứ cấp; Việc quản lý, định hướng phát triển thị trường này cần được gắn chặt với việc quản lý, giám sát rủi ro hệ thống tài chính./.
Tuấn Thủy
Nguồn Tài Chính : http://tapchitaichinh.vn/thi-truong-tai-chinh-viet-nam-2025-dan-xen-co-hoi-va-thach-thuc.html