Tàu chở hàng đậu bên ngoài ga hàng hải Cảng Elizabeth nhìn từ Bayonne, New Jersey, Mỹ, ngày 9/4. (Nguồn: Reuters)
Nhẹ nhõm mà bối rối
Hãng Reuters đưa tin, ngày 10/4, quyết định gây sốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc tạm dừng hầu hết các mức thuế quan nặng nề mà ông vừa áp đặt đối với hàng chục quốc gia đã mang lại sự nhẹ nhõm cho các thị trường toàn cầu đang bị ảnh hưởng nặng nề và khiến các nhà lãnh đạo châu Âu lo lắng, ngay cả khi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đang gia tăng.
Sự thay đổi quan điểm của ông Trump, diễn ra chưa đầy 24 giờ sau khi mức thuế quan mới áp dụng đối với hầu hết các đối tác thương mại, diễn ra sau đợt biến động dữ dội nhất trên thị trường tài chính kể từ những ngày đầu của đại dịch Covid-19.
Theo Axios (Mỹ), trong mắt các đồng minh, ông Trump là bậc thầy chiến lược. Với các nhà phê bình, ông là người đang đẩy kinh tế Mỹ đến bờ vực khủng hoảng. Còn phố Wall thì lần đầu tiên sau nhiều tuần chứng kiến một Tổng thống dường như lắng nghe những tín hiệu từ thị trường.
Chỉ một tuần sau ngày được Nhà Trắng gọi là “Ngày Giải phóng” - ám chỉ việc khởi động chiến tranh thương mại toàn diện – ông Trump bất ngờ tuyên bố tạm dừng kế hoạch áp thuế đối với hàng loạt đối tác thương mại, khiến thế giới gần như “trở tay không kịp”.
Động thái này cùng lúc đánh dấu 3 điều: từ bỏ tham vọng thuế quan tối đa, làm căng thẳng thêm cuộc đối đầu với Trung Quốc, và châm ngòi cho một đợt tăng điểm ngoạn mục trên thị trường chứng khoán - được đánh giá là lớn nhất kể từ Thế chiến II.
Giới quan sát mô tả bước lùi thuế quan của ông Trump là “đặc sản”: hỗn loạn trong triển khai, kịch tính về ngôn từ và nhanh chóng được truyền thông Nhà Trắng quảng bá như một “nước cờ thiên tài” vì nước Mỹ vĩ đại.
Hỗn loạn theo kế hoạch?
Trang Axios tổng hợp phản ứng từ Nhà Trắng cho thấy, Thư ký báo chí Karoline Leavitt chỉ trích báo giới: “Rõ ràng nhiều người trong các bạn không hiểu nghệ thuật đàm phán. Các bạn không nhìn thấy điều mà Tổng thống đang làm”.
Cố vấn Stephen Miller thì khẳng định trên mạng xã hội: “Các bạn đang chứng kiến chiến lược kinh tế vĩ đại nhất của một Tổng thống Mỹ trong lịch sử”.
Theo lập luận từ nhóm ủng hộ ông Trump, bằng cách áp thuế với gần như toàn bộ thế giới, Nhà Trắng đã giành được thế mạnh đàm phán với hơn 75 đối tác đang mong muốn thương lượng.
Với Trung Quốc – quốc gia không nhượng bộ mà còn đáp trả bằng mức thuế 84% với hàng Mỹ - Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cho rằng đây chính là “ý đồ từ đầu” của ông Trump nhằm phơi bày Bắc Kinh như một “tác nhân xấu” trên bàn cờ thương mại toàn cầu.
“Ông ấy đã khéo léo đưa Trung Quốc vào thế bất lợi”, ông Bessent tuyên bố, đồng thời phủ nhận việc thị trường tài chính là nguyên nhân khiến Nhà Trắng phải đổi hướng.
Tuy vậy, nhiều nhà đầu tư ủng hộ ông Trump, như tỷ phú Bill Ackman, hoan nghênh diễn biến mới. Tuy nhiên, hiện chưa có bằng chứng rõ ràng cho thấy đây là kế hoạch được tính toán từ đầu.
Đáng chú ý, khi có thông tin cho rằng ông Trump sẽ miễn thuế 90 ngày cho tất cả nước trừ Trung Quốc, Nhà Trắng ngay lập tức bác bỏ là “tin giả”.
Cùng ngày, Cố vấn thương mại Peter Navarro viết trên Financial Times: “Đây không phải là đàm phán. Với Mỹ, đây là tình trạng khẩn cấp quốc gia do thâm hụt và gian lận thương mại gây ra”.
Thậm chí chỉ vài ngày trước đó, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Jamieson Greer đã dành nhiều giờ tại Đồi Capitol để bảo vệ chính sách thuế quan có đi có lại của Trump - chỉ để bị tước mất quyền chỉ đạo ngay giữa phiên điều trần.
Động thái có vẻ như xuống thang của ông Trump có thể đã giúp hạ nhiệt thị trường chứng khoán – nhưng đồng thời lại đẩy hệ thống thương mại toàn cầu và chính các doanh nghiệp Mỹ vào vòng xoáy bất định.
Mức thuế hiện tại vẫn cao hơn nhiều so với trước “Ngày Giải phóng”. Mỹ và Trung Quốc vẫn đang ở trong một cuộc chiến thương mại toàn diện và nguy cơ suy thoái kinh tế chưa hề bị loại trừ.
Trong bối cảnh đó, một câu hỏi mới đang dấy lên trong cộng đồng doanh nghiệp và giới đầu tư: Khi nào – và vì lý do gì – họ nên đặt niềm tin vào các quyết sách của Tổng thống Trump?
Vũ Khúc