Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Phan Văn Chinh, cùng lãnh đạo các Cục, Vụ đơn vị thuộc Bộ gồm: Tổng cục Quản lý thị trường; Vụ Pháp chế, Vụ Thanh tra, Vụ Châu Âu - châu Mỹ; Vụ Chính sách thương mại đa biên; Cục Phòng vệ thương mại; Cục Xúc tiến thương mại...
Thị trường trong nước - ‘tuyến phòng ngự’ của tăng trưởng kinh tế
Báo cáo tại hội nghị, ông Phan Văn Chinh cho biết, trong năm 2024, thực hiện nhiệm vụ được giao về xây dựng cơ chế chính sách đối với các lĩnh vực quản lý, Vụ Thị trường trong nước đã và đang tích cực triển khai xây dựng, trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật gồm: Tham mưu lãnh đạo Bộ trình Chính phủ ký ban hành Nghị định số 60/2024/NĐ-CP ngày 5/6/2024 về phát triển và quản lý chợ (thay thế Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/1/2003 về phát triển và quản lý chợ và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP).
Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 vào chiều ngày 7/1/2025
Xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu; xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 87/2018/NĐ-CP ngày 15/6/2018 của Chính phủ về kinh doanh khí. Triển khai các bước xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 158/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán qua Sở Giao dịch hàng hóa...
Ngoài ra, Vụ Thị trường trong nước cũng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 173/2024/NĐ-CP ngày 27/12/2024 về bãi bỏ một phần Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện và bãi bỏ Nghị định số 43/2009/NĐ-CP ngày 7/5/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh của Nghị định số 59/2006/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo điều hành, đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu và bình ổn thị trường hàng hóa cũng được Vụ Thị trường trong nước đẩy mạnh triển khai thực hiện.
"Đặc biệt, cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Tuy nhiên, công tác cung ứng hàng hóa được duy trì cho các khu vực bị bão, lũ, công tác khắc phục sau bão được triển khai tích cực, các hoạt động sản xuất, kinh doanh nhanh chóng trở lại bình thường" - ông Phan Văn Chinh thông tin.
Song song với đó, năm 2024, việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu luôn được Bộ Công Thương chú trọng và đạt kết quả tích cực. Trong công tác điều hành giá xăng dầu, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện nhất quán, đúng quy định trong việc tính toán, xác định, điều hành giá. Kể từ khi thực hiện điều hành giá xăng dầu rút xuống 7 ngày theo Nghị định số 80/2023/NĐ-CP, giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới, cùng với các loại chi phí kinh doanh xăng dầu được cập nhật kịp thời, đã tạo động lực cho doanh nghiệp tạo nguồn xăng dầu cung ứng đầy đủ nhu cầu cho thị trường nội địa.
Các chương trình mục tiêu quốc gia đã được phê duyệt tiếp tục được triển khai tích cực trong năm 2024 với nhiều chương trình, hoạt động, góp phần thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại. Đồng thời, tích cực đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại trong và ngoài nước, hạ tầng thương mại biên giới (hợp tác với Lào, Campuchia, Trung Quốc).
Công tác hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thực phẩm tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần tháo gỡ đầu ra sản phẩm nông nghiệp cho nông dân. Ngoài ra, để thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai hiệu quả các Đề án, Chiến lược đã được phê duyệt, góp phần thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Hoạt động thương mại điện tử tiếp tục phát triển trở thành kênh phân phối quan trọng, góp phần phát triển chuỗi cung ứng và lưu thông trong và ngoài nước, hỗ trợ tiêu thụ hiệu quả lượng lớn nông sản, thực phẩm cho người nông dân và doanh nghiệp, đặc biệt khi vào vụ thu hoạch. Nhiều doanh nghiệp tăng trưởng đột phá nhờ ứng dụng thương mại điện tử, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới tăng cao, trong đó có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước vượt mốc 25 tỷ USD, đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 20%/năm so với năm 2023, chiếm 2/3 giá trị kinh tế số Việt Nam, được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Kết quả là thị trường hàng hóa trong nước cơ bản giữ vững ổn định, cung cầu hàng hóa được giữ vững. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm 2024 ước đạt 6.391 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2023, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra; CPI bình quân khoảng 3,63%, nằm trong giới hạn chỉ tiêu Quốc hội giao về kiểm soát lạm phát.
5 nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong năm 2025
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Phan Văn Chinh cho biết, mặc dù đã tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao ngay từ đầu năm, tuy nhiên một số nhiệm vụ về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chưa hoàn thành theo đúng tiến độ.
Ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - phát biểu tại hội nghị
Hoạt động thương mại, lưu chuyển hàng hóa trong nước đã cơ bản phục hồi so với các năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng vẫn còn chưa tăng mạnh để hỗ trợ cho tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước.
Việc triển khai các nhiệm vụ được giao theo các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án đã được phê duyệt, nhất là các nhiệm vụ được phân bổ kinh phí cho các hoạt động đề xuất của Bộ Công Thương (liên quan tới Vụ Thị trường trong nước) còn gặp khó khăn, chậm.
Thực hiện chủ trương sắp xếp bộ máy quản lý nhà nước theo tinh thần tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương, Bộ Công Thương đang tiến hành sáp nhập một số đơn vị trong đó có Vụ Thị trường trong nước và Tổng cục Quản lý thị trường.
Ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - nhấn mạnh, dù ở mô hình hoạt động nào, theo chức năng nhiệm vụ đối với lĩnh vực quản lý, phát triển thị trường hàng hóa trong nước, mảng nhiệm vụ của Vụ Thị trường trong nước cũng sẽ cần tiếp tục triển khai các nhiệm vụ chủ yếu sau.
Thứ nhất, thực hiện chức năng thường trực Tổ Điều hành thị trường trong nước, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát tình hình thị trường, thực hiện các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa nhất là trong các dịp cao điểm lễ, Tết, làm tiền đề triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thương mại trong nước.
Thứ hai, thực hiện tích cực công tác quản lý đối với các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng như xăng dầu, khí; quản lý nhà nước đối với các mặt hàng kinh doanh có điều kiện.
Thứ ba, tiếp tục phối hợp với các đơn vị trong Bộ, Sở Công Thương các địa phương, các hiệp hội, ngành hàng triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", các chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản, tiêu thụ sản phẩm đặc sản miền núi, vùng sâu, vùng xa... để kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước.
Thứ tư, tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, Đề án về phát triển thị trường trong nước như: Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (Chương trình OCOP)...
Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực được phân công; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện các Nghị định của Chính phủ khi được ban hành.
Trong năm 2024, nhiều giải pháp điều tiết cung cầu, bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu và bình ổn thị trường đã được Bộ Công Thương tích cực triển khai, góp phần phục vụ cuộc sống của người dân và hoạt động của các doanh nghiệp.
Báo Công Thương sẽ tiếp tục thông tin về nội dung hội nghị...
Nguyễn Hạnh - Phương Lan