Thị trường vàng có thể sớm bước vào giai đoạn 'ngủ đông'

Thị trường vàng có thể sớm bước vào giai đoạn 'ngủ đông'
6 giờ trướcBài gốc
Nhà đầu tư không nên dùng đòn bẩy khi đầu tư vào vàng trong năm 2025. Ảnh: Đức Thanh
Năm 2025 vẫn còn cơ hội với vàng
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT cho rằng, năm 2025, kinh tế thế giới sẽ bước vào giai đoạn tiền phục hồi. Trong giai đoạn này, cổ phiếu là kênh đầu tư tốt nhất. Riêng với vàng, nhà đầu tư nên hạn chế nắm giữ từ năm 2026, vì khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi, vàng sẽ bước vào giai đoạn “ngủ đông”.
“Còn nhớ, giai đoạn 2013 - 2018, giá vàng đã rớt từ 47 triệu đồng/lượng xuống 36 triệu đồng/lượng và đi ngang liên tiếp 6 năm. Cho nên, nhà đầu tư cần thận trọng với giá vàng giai đoạn tới, đặc biệt từ năm 2026. Riêng năm 2025, nhà đầu tư vẫn có thể nắm giữ vàng vì dư địa tăng vẫn còn do Fed tiếp tục lộ trình cắt giảm lãi suất. Một khi nền kinh tế phục hồi, giá vàng sẽ không tăng nữa mà quay đầu giảm. Tuy vậy, tôi cũng cho rằng, giá vàng khó giảm sâu, mà sẽ chỉ giảm 5-15%”, ông Huấn nhận định.
Giá vàng thế giới đã tăng gần 30% trong 11 tháng đầu năm 2024. Trong báo cáo vừa phát hành, Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho rằng, động lực chính thúc đẩy giá vàng năm nay là sức mua của ngân hàng trung ương và các nhà đầu tư châu Á. Mặc dù có mức tăng trưởng ấn tượng năm nay, song WGC cho rằng, giá vàng sẽ tăng chậm lại năm 2025.
Tất nhiên, giá vàng có thể tăng mạnh hơn nếu xuất hiện những yếu tố đột biến như Fed dừng lộ trình giảm lãi suất; các ngân hàng trung ương tăng cường mua vào; tình hình kinh tế thế giới xấu đi nhanh chóng khiến các nhà đầu tư tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn; Trung Quốc quay lại mua vàng… “Việc Fed tạm dừng giảm lãi suất hoặc đảo ngược chính sách có thể gây thêm áp lực lên nhu cầu đầu tư vàng”, WGC cho biết.
Theo ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc), kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương toàn cầu tại Hội đồng Vàng thế giới, quý III/2024, thị trường vàng toàn cầu chứng kiến sự quay trở lại của nhóm nhà đầu tư châu Âu với vàng ETF sau nhiều năm vắng bóng. Tuy nhiên, vào quý IV/2024, các nhà đầu tư này đã dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác. Riêng cầu vàng của khối ngân hàng trung ương tuy chậm lại, song vẫn tiếp tục tăng.
Chuyên gia này cho rằng, giá vàng thời gian tới rất khó dự đoán do chính sách của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa rõ ràng. Dù vậy, giá vàng vẫn có nhiều yếu tố hỗ trợ như Fed tiếp tục lộ trình cắt giảm lãi suất; khả năng Mỹ tăng thuế nhập khẩu, kéo theo lạm phát tăng, từ đó tác động tích cực tới vàng; căng thẳng ở Trung Đông có thể leo thang; các ngân hàng trung ương tiếp tục mua vàng; Ấn Độ giảm thuế nhập khẩu làm tăng sức cầu vàng nội địa…
Tuy vậy, giá vàng có thể sẽ hạ nhiệt, nếu Mỹ đạt được thỏa thuận hòa bình với Nga. Chưa kể, nhà đầu tư có thể tiếp tục dịch chuyển dòng vốn từ vàng sang các kênh đầu tư khác.
Dòng tiền dịch chuyển Chuyển từ vàng sang tài sản khác
Theo ông Trịnh Hà, chuyên gia chiến lược Exness Investment Bank, trong năm 2023-2024, vàng tăng giá chủ yếu nhờ lực mua của các ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, sức mua của các “cá mập” này đang giảm dần. Nếu năm 2023, lực mua vàng của các ngân hàng trung ương chiếm 20% tổng nhu cầu vàng toàn thị trường, thì đến quý III/2024, tỷ lệ này chỉ còn 8%.
Chú ý theo dõi chính sách của Tổng thống Donald Trump
- Ông Trịnh Hà, Chuyên gia chiến lược Exness Investment Bank
Năm 2025, nhà đầu tư cần chú ý theo dõi chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tác động đến nền kinh tế Mỹ ra sao. Nếu lạm phát tăng mạnh, Fed tăng lãi suất, có rủi ro suy thoái kinh tế, nhà đầu tư sẽ quay vào vàng. Nếu ngược lại, kinh tế phục hồi tốt, kinh tế Mỹ “hạ cánh an toàn”, dòng tiền sẽ chảy sang các tài sản có rủi ro cao hơn.
Trong khi đó, dòng tiền ETF vào vàng gia tăng khi bất ổn chính trị diễn ra, nhưng khi tình hình chính trị ổn định trở lại, kết hợp với kinh tế Mỹ “hạ cánh an toàn”, thì dòng tiền sẽ dịch chuyển sang các tài sản có độ rủi ro cao hơn.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, nếu tình hình Trung Đông căng thẳng, nhà đầu tư sẽ tiếp tục trú ẩn vào vàng. Ngược lại, nếu kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt (dự báo các chính sách của ông Donald Trump sẽ hướng tới hỗ trợ kinh tế tăng trưởng), dòng tiền có thể chảy ra khỏi vàng và chuyển sang các kênh đầu tư khác.
Dù giá vàng thế giới diễn biến theo chiều hướng nào, thì theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, tình hình quản lý siết chặt thị trường vàng trong nước và diễn biến tỷ giá hiện nay đều không có lợi cho việc đầu tư vàng.
Thông thường, trong chu kỳ giá vàng 10 năm, có 1-2 năm tăng giá mạnh, 1-2 năm sụt giảm, còn lại là đi ngang. Kết thúc năm 2024 là kết thúc 2 năm tăng giá mạnh của vàng. Như vậy, nhiều khả năng giá vàng đang đứng ở vùng đỉnh.
Ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia tài chính cho rằng, ngay cả khi khả năng giảm xảy ra, giá vàng cũng sẽ khó rớt sâu, vì cầu từ các tổ chức lớn luôn luôn có sẵn mỗi khi giá giảm, tạo lực đỡ lớn cho kim loại quý này. Nhà đầu tư không nên dùng đòn bẩy khi đầu tư vào vàng trong năm 2025 và phải theo dõi sát diễn biến của thị trường, đặc biệt là căng thẳng địa chính trị, xu hướng cắt giảm lãi suất, động thái mua vào của các “tay to”, diễn biến USD, sự dịch chuyển của dòng tiền trên toàn cầu…
Hà Tâm
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/thi-truong-vang-co-the-som-buoc-vao-giai-doan-ngu-dong-d232547.html