Mỗi khi giá vàng biến động mạnh, tăng cao hoặc giảm sâu, thì con phố Trần Nhân Tông nơi tập trung các cửa hàng vàng lớn của Hà Nội lại chứng kiển người dân chen lấn xếp hàng đổ xô đi mua vàng. Đa phần người dân đều phải xếp hàng từ sáng sớm, bởi đến khoảng 10h sáng, các cửa hàng đã thông báo “Hết hàng”.
Một số cửa hàng thông báo tạm hết vàng để bán
Bà Hoa Huệ (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) cho biết “Tại cửa hàng bà đến mua vàng quy định giới hạn 1 người chỉ được mua 3 chỉ thôi. Do vậy, tôi muốn mua 1 cây vàng để làm quà cưới cho con trai thì phải đi mất 3 - 4 hôm, hoặc không thì phải nhờ người thân đi cùng mua hộ, rất là bất tiện”.
Đối với vàng miếng SJC, kể cả các Ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước hoặc Công ty SJC khi bán ra cũng giới hạn số lượng mỗi người chỉ được mua 1 lượng vàng SJC/1 ngày.
Không thể mua được vàng tại các kênh chính thống, nhiều người đã chuyển sang tìm kiếm vàng qua các hội nhóm trên mạng xã hội, nơi các giao dịch vàng diễn ra “sôi nổi”.
Chị Hoàng Lan, một cư dân tại phường Nam Đồng, quận Đống Đa kể rằng, vào tháng 7/2024, chị từng vay 8 lượng vàng để kinh doanh, khi đó giá vàng SJC ở mức khoảng 77 triệu đồng/lượng. Gần đây, khi giá vàng tiếp tục tăng, chị muốn mua vàng để trả nợ nhưng không thể đăng ký mua trên các app của ngân hàng hoặc qua các cửa hàng lớn. Cuối cùng, theo lời giới thiệu, chị tham gia một nhóm mua bán vàng trên mạng xã hội và mua vàng với giá 87 triệu đồng/lượng, dù giá niêm yết tại ngân hàng và cửa hàng lớn chỉ 84.3 triệu đồng/lượng. “Phải trả chênh lệch hơn 2 triệu đồng mỗi lượng là không nhỏ, nhưng không còn cách nào khác vì các cửa hàng chính thống đều báo hết hàng,” chị Lan chia sẻ.
Mua bán vàng trên thị trường chợ đen và hội nhóm trực tuyến tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về chất lượng vàng, thanh khoản và sự an toàn trong giao dịch. "Vàng mua qua kênh không chính thống thường không đảm bảo chất lượng. Người mua có thể phải chịu các rủi ro về vàng giả, vàng pha tạp, không đạt chuẩn chất lượng”, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam khuyến cáo. Theo ông Hùng, người dân mua vàng mua tại cửa hàng nào nên bán tại chính cửa hàng đó để tránh chênh lệch giá mua vào và bán ra giữa các thương hiệu.
Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam
Việc mua bán vàng qua chợ đen có thể dẫn đến tình trạng lừa đảo, đặc biệt khi người mua và người bán không thể kiểm chứng chất lượng vàng. Để tránh những thiệt hại không đáng có, người mua được khuyên nên tìm hiểu kỹ lưỡng và lựa chọn các kênh giao dịch uy tín.
Theo các chuyên gia, đã đến lúc cần sửa đổi Nghị định 24, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ nhập khẩu nguyên liệu đầu vào. “Chúng ta cần có biện pháp tạo cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng có đủ điều kiện để kinh xuất nhập khẩu vàng và chúng ta sử dụng các công thuế trong đó có thuế hải quan, thuế nội địa để kiểm soát. Ngân hàng Nhà nước có thể giám sát xem xuất nhập khẩu có minh bạch không, mua bán vàng trên thị trường có minh bạch không”, TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế đề xuất.
TS Lê Xuân Nghĩa - Chuyên gia kinh tế
Nhiều nước có nền kinh tế lớn trên thế giới chỉ coi vàng là một loại hàng hóa thông thường. Do đó, trong tương lai, Ngân hàng Nhà nước nên trả vàng về cho thị trường vận hành. Cơ quan quản lý chỉ nên làm nhiệm vụ giám sát về khối lượng, giá cả khi cần thiết.
Bên cạnh đó, việc lập sàn giao dịch vàng là một giải pháp dài hạn nhằm giúp thị trường vàng trong nước minh bạch hơn, đảm bảo thanh khoản và giảm thiểu tình trạng khan hiếm. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ quan quản lý cần sớm cân nhắc việc bỏ độc quyền nhập khẩu vàng và xem xét việc thiết lập sàn giao dịch vàng chính thức. “Sàn giao dịch vàng sẽ giúp liên thông giá vàng trong nước và quốc tế, tạo điều kiện để vàng có thể giao dịch một cách minh bạch, hợp pháp”, ông Hiếu chia sẻ.
Việc thành lập sàn giao dịch vàng cũng được cho là sẽ hỗ trợ quản lý chặt chẽ hơn, giảm thiểu các giao dịch vàng qua chợ đen và tăng cường minh bạch cho thị trường. Ông Hiếu nhấn mạnh rằng, đây không chỉ là cách để quản lý thị trường vàng hiệu quả mà còn là xu hướng mà nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng.
Trên thực tế, các quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan đã triển khai quản lý thị trường vàng gắn liền với thị trường tài chính hàng hóa. Việc quản lý này giúp nhà nước dễ dàng huy động vàng trong dân và giảm thiểu tình trạng tích trữ vàng vật chất. Theo TS. Hiếu, Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm này và áp dụng thí điểm một số chính sách phù hợp với điều kiện thực tế trong nước.
Sự thiếu hụt nguồn cung vàng hiện tại là một 'điểm nghẽn' lớn mà các giải pháp tạm thời chưa thể giải quyết triệt để. Việc thiết lập một sàn giao dịch vàng chính thức và xây dựng cơ chế liên thông giá vàng với quốc tế sẽ là giải pháp mang tính căn cơ, không chỉ giúp người dân an tâm trong các giao dịch mà còn đảm bảo an ninh tài chính cho quốc gia.
Huyền Chi