Thị trường vàng tuần này diễn biến như “hai nửa đối lập”, với đồ thị giá chia đôi từ tối thứ Ba theo giờ Mỹ, khi xu hướng đảo chiều mạnh mẽ.
Giá vàng giao ngay khởi đầu tuần giao dịch ở mức 3.347,05 USD/oz, và nhanh chóng bước vào nhịp tăng mạnh mẽ. Trong các phiên giao dịch tại châu Á và châu Âu, giá vàng lần lượt leo lên mốc 3.370 USD và tiếp tục vọt lên sát ngưỡng 3.390 USD trước khi thị trường Bắc Mỹ mở cửa sáng thứ Hai. Đến 11h sáng (giờ miền Đông), vàng giao ngay đã thiết lập đỉnh ngắn hạn tại ngưỡng kháng cự 3.400 USD/oz.
Tuy nhiên, sau lần nỗ lực thứ hai bất thành trong việc vượt qua mốc 3.400 USD/oz vào khoảng 7 giờ tối cùng ngày, giá vàng bắt đầu điều chỉnh, lùi về vùng giữa 3.380 USD/oz. Dù vậy, lực mua quay trở lại trong phiên châu Âu hôm thứ Ba đã mang lại xung lực mới cho vàng. Và đến phiên mở cửa thị trường Bắc Mỹ hôm thứ Ba, vàng giao ngay đã giao dịch trên mức 3.400 USD/oz, cuối cùng đạt đỉnh gần 3.433 USD/oz.
Đây cũng chính là lúc đà tăng của vàng đã chững lại khi kim loại quý và gặp phải lực cản mạnh với khoảng 6 lần thử phá đỉnh đều thất bại. Sáng thứ Tư, giá giảm về mức hỗ trợ gần 3.383 USD/oz.
Sau một phiên đi ngang trong biên độ hẹp 10 USD, vàng bất ngờ đảo chiều giảm từ nửa đêm, trượt đều về 3.353 vào sáng thứ Năm. Dù cố gắng hồi phục nhẹ về vùng 3.380 vào cuối ngày, giá nhanh chóng hụt hơi và quay đầu giảm tiếp xuống 3.340 trong phiên Mỹ thứ Sáu.
Giá chạm đáy tuần tại 3.327 USD/oz trước khi hồi nhẹ lên vùng 3.340 USD/oz vào cuối tuần.
Khảo sát hàng tuần của Kitco News cho thấy giới chuyên gia chia rẽ giữa phe giảm giá và phe trung lập, trong khi nhà đầu tư cá nhân tiếp tục giữ quan điểm tích cực với triển vọng ngắn hạn của vàng.
“Đi ngang”, Darin Newsom, chuyên gia phân tích thị trường cao cấp tại Barchart.com, nhận định và thêm rằng: “Tại sao? Bởi không có lý do nào cho thấy vàng sẽ sụp đổ vào thời điểm hiện tại, dù giá có thể trượt nhẹ khi lực mua chuyển hướng sang bạc và đồng. Tuy nhiên, yếu tố cốt lõi hỗ trợ vàng chính là vai trò của tài sản trú ẩn trong bối cảnh bất định toàn cầu vẫn chưa thay đổi. Không thể nói trước điều gì sẽ xảy ra tiếp theo”.
“Thông tin rằng Trung Quốc có thể đã mua vào nhiều vàng hơn các ước tính trước đó là điều rất đáng quan tâm. Tôi không nghĩ nguồn cung này sẽ sớm bị bán tháo trên thị trường”, Newsom lưu ý.
Các chuyên gia phân tích tại Commerzbank cho rằng thị trường đang thiếu động lực rõ ràng khi các thỏa thuận thương mại tiềm năng làm giảm nhu cầu trú ẩn, khiến giá vàng chưa thể bứt phá thêm. Ngân hàng giữ quan điểm trung lập trong ngắn hạn, cho rằng đà tăng đã tạm thời đạt đỉnh.
Ngược lại, Chủ tịch và COO của Asset Strategies International, Rich Checkan bày tỏ quan điểm tích cực: “Giá sẽ tăng. Đợt bán tháo hôm nay tạo nền cho tuần sau tăng giá. Nếu Fed giữ nguyên lãi suất như kỳ vọng, vàng và bạc sẽ tiếp tục tăng. Nếu Fed bất ngờ hạ lãi suất, giá sẽ bứt phá mạnh. Dù kịch bản nào xảy ra… vẫn là tăng”.
Tuy nhiên, Mark Leibovit, Nhà sáng lập bản tin VR Metals/Resource Letter cảnh báo cần thận trọng khi đồng USD có thể đã tạo đáy.
Cùng quan điểm, James Stanley Chiến lược gia thị trường cấp cao tại Forex.com cho rằng đây chỉ là nhịp điều chỉnh: “Giá vàng sẽ tăng” và “Tôi nghĩ chúng ta đang chứng kiến sự thoái lui, và mặc dù tôi không mong đợi Fed sẽ tỏ ra cực kỳ ôn hòa, nhưng họ cũng không cần phải thay đổi kỳ vọng cắt giảm lãi suất trong phần còn lại của năm. Họ có thể chờ thêm dữ liệu”.
“Tôi nghĩ điều đó sẽ mang lại sự tích cực cho giá vàng, giống như những gì chúng ta đã thấy trong một năm rưỡi qua”, ông nói.
Trong khi đó, Adrian Day Chủ tịch Adrian Day Asset Management giữ quan điểm trung lập: “Vàng nhiều khả năng sẽ tiếp tục đi ngang trong biên độ hẹp như đã như từ giữa tháng 4 đến nay. Nếu xuất hiện loạt thỏa thuận thương mại lớn kèm theo số liệu kinh tế tích cực, nhà đầu tư sẽ có thể giữ giá. Ngoài ra, đồng USD cũng đang có dư địa phục hồi. Tuy vậy, vẫn có lực mua chờ sẵn và có thể đẩy giá lên nếu tình thế thay đổi”.
Ông Kevin Grady Chủ tịch Phoenix Futures and Options thì cho rằng: “Những thông tin tích cực về thương mại đang tạo áp lực ngắn hạn lên vàng. Nhưng nhìn chung, dù Nhật Bản, EU hay Ấn Độ có đạt thỏa thuận, giá vàng thường chỉ giảm nhẹ rồi lại phục hồi”.
“Nhất là vào ngày thứ Sáu khi thanh khoản thị trường mỏng, tôi nghĩ các thuật toán đang giao dịch theo tin tức. Thuật toán thấy chứng khoán tăng thì đẩy vàng giảm - đơn giản là vậy”, Grady nói.
Tuy nhiên, ông không tin đợt giảm hiện tại đủ mạnh để tạo thành một đợt điều chỉnh thực sự. “Vàng có thể giảm nhẹ, nhưng tôi không nghĩ chúng ta sẽ thấy mức 2.700 USD/oz”.
Grady cho rằng tuần tới, thị trường sẽ tập trung vào các tín hiệu từ tuyên bố của Fed, số liệu lạm phát PCE và báo cáo việc làm phi nông nghiệp, tất cả sẽ có tác động lớn đến cuộc họp tháng 9.
“Vấn đề nằm ở lãi suất”, Grady nhấn mạnh và thêm rằng: “Tôi đã nói điều đó từ lâu. Khi giá năng lượng còn cao, tôi nghĩ việc cắt giảm là chưa hợp lý, dẫu tôi hiểu vì sao Tổng thống Trump muốn điều đó. Nhưng hiện tại, nhìn vào số liệu PCE, đơn xin trợ cấp thất nghiệp và nhiều chỉ số khác, tôi cho rằng Fed nên cắt giảm. Tuy nhiên, tôi không nghĩ họ sẽ làm vậy”.
Ông dự báo tuyên bố sau cuộc họp FOMC sẽ chứa đựng nhiều yếu tố thú vị, thậm chí có thể có bất đồng nội bộ: “Nếu nhìn lại, Fed từng nói họ chờ xem điều gì xảy ra như lo ngại lạm phát, lo giá năng lượng, lo chi tiêu ngân sách, lo thuế quan gây lạm phát thì giờ đây, không điều nào trong số đó xảy ra cả. Vậy thì còn chờ gì nữa?”.
Chuyên gia này cho rằng Chủ tịch Fed Jerome Powell ít nhất nên phát tín hiệu rằng Fed đang chuyển sang quan điểm nới lỏng: “Tôi nghĩ ông ấy nên làm vậy, bởi đó chính là thực tế hiện tại”.
Tuy nhiên, ông lưu ý rằng ngay cả trong trường hợp Fed trở nên ôn hòa và chứng khoán tăng mạnh, điều đó không đồng nghĩa với việc vàng mất đi cơ hội tăng giá.
“Đây là một giao dịch khá đặc biệt. Chúng ta đang ở trong một tình huống kỳ lạ, khi giá vàng không tăng vì lo ngại rủi ro như thông thường, mà do các động lực riêng. Tôi cho rằng có thể xuất hiện tình huống như chúng ta đã thấy trong hai năm qua, khi chứng khoán tăng và vàng cũng tăng”.
Thêm vào đó, ông Grady cho rằng đà mua vàng từ các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục không suy giảm: “Họ biết rõ mục tiêu của mình là gì. Nhiều quốc gia muốn tách khỏi đồng USD, và xu hướng đó sẽ không dừng lại. Vì vậy, tôi cho rằng chúng ta sẽ tiếp tục thấy dòng vốn chảy vào vàng”.
“Khi nhìn vào biểu đồ, bạn sẽ thấy cả vàng và chứng khoán cùng tăng, vì những lý do hoàn toàn khác nhau”, ông kết luận.
Tuần này, trong số 14 chuyên gia phân tích tham gia khảo sát của Kitco, 2 chuyên gia (tương đương 14%) dự đoán giá vàng sẽ tăng, 5 chuyên gia (tương ứng 36%) cho rằng giá sẽ giảm, trong khi 7 người còn lại ( tương ứng với 50%) kỳ vọng vàng sẽ đi ngang vào tuần tới.
Trong khi đó, với 206 nhà đầu tư cá nhân tham gia khảo sát trực tuyến, 135 người, tương ứng với 66% kỳ vọng giá tăng, 40 người, tương ứng với 19% dự đoán giá giảm xuống, trong khi 31 nhà đầu tư còn lại, tương ứng 15% tin rằng giá sẽ ỏn định trong tuần tới.
Tuần tới, giới giao dịch sẽ phải theo dõi sát sao một loạt dữ liệu quan trọng về tăng trưởng, lạm phát và việc làm, cùng ba quyết định lãi suất từ các ngân hàng trung ương lớn.
Thứ Ba, thị trường sẽ đón dữ liệu số lượng việc làm đang tuyển (JOLTS) và chỉ số niềm tin tiêu dùng Mỹ tháng 7. Thứ Tư sẽ là loạt dữ liệu gồm bảng lương ADP, GDP sơ bộ quý II của Mỹ và doanh số nhà chờ bán. Cùng ngày, ba ngân hàng trung ương tại Canada, Mỹ và Nhật Bản cũng sẽ công bố quyết định chính sách tiền tệ.
Thứ Năm sẽ có số liệu lạm phát PCE tháng 7 và đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần, trong khi thứ Sáu khép lại tuần bằng báo cáo việc làm phi nông nghiệp (NFP) và chỉ số PMI sản xuất ISM tháng 7.
“Vàng vẫn đang chịu áp lực”, chuyên gia Marc Chandler, Giám đốc điều hành Bannockburn Global Forex, nhận định và thêm rằng: “Vàng chốt tuần ở mức thấp mới, quanh 3.337 USD/oz. Giữa tuần từng lên 3.439 USD/oz nhưng không vượt nổi đỉnh tháng 6 là 3.451 USD/oz. Giá hiện đang kiểm định đường xu hướng tăng của tháng này ở 3.339,5 USD/oz. Nếu phá ngưỡng 3.321,5 thì mục tiêu kế tiếp là 3.309 USD/oz, thậm chí có thể xuống 3.250 USD/oz”
“Tuần tới sẽ là một trong những tuần bận rộn nhất năm”, ông nói, với GDP Mỹ, cuộc họp FOMC, chỉ số PCE, dữ liệu lao động và mốc kết thúc thời gian hoãn áp thuế đối ứng. Eurozone cũng sẽ công bố GDP quý II và CPI sơ bộ tháng 7. Ngân hàng trung ương Canada và Nhật Bản được dự báo sẽ giữ nguyên lãi suất.
Daniel Pavilonis, chuyên gia môi giới hàng hóa cấp cao tại RJO Futures, thừa nhận vàng đang bị ảnh hưởng bởi tin tức tích cực về thương mại.
“Nhưng quan trọng hơn là vàng đã đi ngang trong nhiều tháng. Chúng ta vẫn trong vùng dao động. Từ khi đạt đỉnh 3.509 USD/oz hồi tháng 4, thị trường không có động lực mới để tạo xu hướng rõ ràng”, ông nói.
“Có thể thị trường đang kỳ vọng về các thỏa thuận thương mại, nhưng chưa rõ chúng sẽ ra sao. Nếu giá tiếp tục dao động, có thể vàng đang xây nền cho một xu hướng dài hạn mới”, ông bổ sung.
Pavilonis nhận định mô hình giá hiện tại như “tam giác hội tụ” với các đỉnh sau thấp dần nhưng đáy sau lại cao hơn. Nếu giá phá xuống, các mức hỗ trợ lần lượt là đường trung bình 50 ngày, rồi 100 ngày (khoảng 3.227 - 3.232 USD/oz), và xa hơn là 200 ngày quanh mốc 3.000 USD/oz.
Tuy nhiên, ông cho rằng xu hướng đầu tư dài hạn vào vàng vẫn giữ vững: “Không ai thực sự muốn thoát khỏi vàng lúc này. Đây là quá trình tích lũy”.
“Một phần lớn đà tăng của vàng đến từ kỳ vọng lạm phát do thuế quan, nhưng thực tế chưa có lạm phát đáng kể. Lợi suất trái phiếu cũng đang giảm nhẹ”, ông cảnh báo về lạm phát và cho rằng: “Nếu Fed cắt lãi suất quá sớm, sau vài quý có thể khiến lạm phát tăng trở lại, điều này sẽ có lợi cho vàng”.
Tuy nhiên, lãi suất giảm cũng có thể là tín hiệu giảm phát khiến nhà đầu tư cân nhắc phân bổ lại tài sản.
“Một phần tiền hiện ở vàng có thể bị rút sang nơi khác”, ông lưu ý.
Chuyên gia Alex Kuptsikevich thuộc FxPro cảnh báo giá vàng đối mặt nguy cơ điều chỉnh mạnh. Thỏa thuận thương mại với Nhật đã đưa giá quay lại vùng giữa khung tích lũy trung hạn (3.250-3.400 USD/oz).
Ông lưu ý các kim loại nhóm bạch kim (platinum, palladium) đang hút vốn do lo ngại vàng bị mua quá mức, nhưng đây là nhóm nhạy cảm cao với thuế quan do phụ thuộc ngành ô tô. Việc giảm thuế nhập khẩu có thể đẩy nhóm này tăng giá, gây áp lực ngược lại với vàng.
“Vàng thất bại khi cố giữ trên 3.450 USD/oz lần thứ tư kể từ tháng 4. Đây là tín hiệu cho thấy nguồn cung lớn ở vùng đỉnh và xu hướng chốt lời. Tuy nhiên, vàng vẫn được hỗ trợ nhờ đà phục hồi khẩu vị rủi ro toàn cầu và vai trò tài sản dẫn sóng sau cú sốc thuế của Trump”, ông nói.
Ông cảnh báo, vàng hiện quay lại mức trung bình 50 ngày: “Nếu rơi xuống dưới ngưỡng này trong tuần tới, sẽ là dấu hiệu rõ ràng chuyển từ tích lũy sang điều chỉnh, tương tự như Bitcoin hiện tại. Mục tiêu giá có thể là 3.150, thậm chí 3.050 USD/oz”.
Chuyên gia kỹ thuật Michael Moor từ Moor Analytics dự báo xu hướng giảm trên các khung thời gian dài và trung hạn vẫn đang “chờ xác nhận”, nhưng dữ liệu hiện tại cho thấy áp lực bán đang tăng.
Trong khi đó, Jim Wyckoff, chuyên gia kỳ cựu của Kitco, nhận định: "Giá vàng tuần tới sẽ tiếp tục tích lũy nhưng có xu hướng suy yếu do khẩu vị rủi ro toàn thị trường đang gia tăng".
Tại thời điểm viết bài, vàng giao ngay được giao dịch ở 3.336,40 USD/oz, giảm 0,96% trong ngày và 0,15% trong tuần.
Trong tuần qua, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đã mưa vào tổng cộng 13,47 tấn vàng, nâng lượng vàng nắm giữ lên 957,09 tấn.
T.Giang