Giá vàng trong nước thường giảm mạnh sau ngày Thần Tài
Vàng Thần Tài: Mua đúng ngày đỡ bị thiệt?
Chỉ trong 3 ngày đầu tiên mở cửa sau Tết Nguyên đán, giá vàng trong nước đã tăng 3 triệu đồng/lượng, chênh lệch mua - bán được đẩy lên 3 triệu đồng/lượng khi nhà vàng tăng giá bán ra nhưng giảm giá mua vào để phòng ngừa rủi ro.
Tại thời điểm cuối ngày 5/2/2025, giá vàng nhẫn và vàng miếng SJC được giao dịch ở mức 88 triệu đồng/lượng (mua vào) và 91 triệu đồng/lượng (bán ra). Như vậy, so với cuối năm 2024, giá vàng SJC bán ra đã tăng 8%, nhưng do chênh lệch giá mua vào - bán ra tăng mạnh, nên thực chất nhà đầu tư vàng chỉ mới lãi khoảng 4,5% nếu mua vàng vào ngày cuối năm 2024.
Như thường lệ, cảnh rồng rắn xếp hàng mua vàng tiếp tục tái diễn tại phố Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng như tại một số điểm bán vàng lớn khác. Mua bán vàng trên “chợ mạng” cũng diễn ra nhộn nhịp. Theo quan sát của phóng viên, trong dịp này, số lượng người bán vàng cũng đông không kém người mua vàng.
Theo kinh nghiệm của các chuyên gia, giá vàng trong nước thường tăng mạnh từ ngày mùng 6-7 Âm lịch, đứng giá mùng 8-9 Âm lịch và giảm trong và sau ngày Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng).
Giá vàng trong nước tăng mạnh từ sau Tết do cầu vàng tăng mạnh ngày Thần Tài. Tuy vậy, tính từ đầu năm, giá vàng trong nước vẫn tăng thấp hơn giá vàng thế giới (giá vàng thế giới tăng gần 10% từ đầu năm).
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng khuyến cáo, người dân mua vàng dịp này chỉ mua ít để “lấy may”, do giá vàng trước ngày Thần Tài bị đẩy lên cao.
Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư MayBank Investment Bank, nếu mua ít vàng để lấy may ngày Thần Tài, thì giá cao hay thấp không phải là vấn đề. Còn nếu mua đầu tư thì nhà đầu tư nên tránh dịp này vì rất dễ bị lỗ. Thực tế nhiều năm qua, giá vàng thường giảm mạnh sau ngày Thần Tài.
Nhu cầu trú ẩn vào vàng sẽ tăng mạnh năm 2025?
Sau khi tăng kỷ lục vào năm 2024, dự báo giá vàng sẽ tiếp tục lập đỉnh mới vào năm 2025, thậm chí nhiều chuyên gia phân tích quốc tế dự đoán, giá vàng có thể lên tới 3.000 USD/ounce.
Năm 2024, cầu vàng thế giới tăng chưa từng có, cả giá và khối lượng giao dịch đều đạt mức kỷ lục (gần 5.000 tấn, giá trị 382 tỷ USD). Đặc biệt, các ngân hàng trung ương tiếp tục là động lực tăng trưởng của thị trường khi mua vượt 1.000 tấn trong năm thứ ba liên tiếp. Các quỹ ETF vàng cũng hồi sinh từ cuối năm 2024 sau nhiều năm gần như xa rời kênh đầu tư này.
Nhu cầu vàng vẫn mạnh mẽ.
- Ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc), kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương toàn cầu tại Hội đồng Vàng thế giới
Năm 2025, dù vàng không mang lại lợi suất cao như năm 2024, song vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, nhu cầu vàng vẫn mạnh mẽ. Tôi cho rằng, các ngân hàng trung ương có thể tiếp tục mua ròng vàng trong năm 2025.
Theo khảo sát hàng năm của chúng tôi đối với các ngân hàng trung ương, các ngân hàng này vẫn có nhu cầu mua thêm vàng rất lớn. Hội đồng Vàng thế giới nhận thấy, ngay cả khi giá vàng tăng cao và đạt kỷ lục vào năm ngoái, các ngân hàng trung ương vẫn tiếp tục mua vàng.
Bà Louise Street, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Hội đồng Vàng thế giới kỳ vọng, năm 2025, các ngân hàng trung ương tiếp tục giữ vai trò chủ đạo và các nhà đầu tư ETF vàng sẽ tích cực tham gia thị trường vàng, nhất là khi lãi suất giảm, song vẫn có sự biến động.
“Bất ổn về địa chính trị và kinh tế vĩ mô có thể là những tình huống xảy ra thường xuyên trong năm nay và làm tăng nhu cầu về vàng như một tài sản lưu trữ của cải và phòng ngừa rủi ro”, bà Louise Street nhận định.
Theo ông Phan Dũng Khánh, có nhiều yếu tố hỗ trợ vàng tăng giá nửa đầu năm nay. Đầu tiên là bóng ma chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn. Nếu thương chiến gia tăng và lan rộng, nhà đầu tư sẽ tránh xa các tài sản rủi ro, trú ẩn vào vàng. Tuy vậy, mức tăng giá vàng sẽ không mạnh như năm 2024, một phần do USD mạnh lên, khiến vàng đắt đỏ hơn.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2025, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thận trọng hơn với quyết định giảm lãi suất, khiến USD bị neo ở mức giá cao khiến đà tăng của giá vàng bị hạn chế.
Dù vậy, ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc), kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương toàn cầu tại Hội đồng Vàng thế giới nhận định, thực tế năm 2024, mối quan hệ giữa vàng - lãi suất - USD không còn mạnh như trước. Nhiều nhà đầu tư trên thế giới mua vàng bởi những lý do không hề liên quan đến lãi suất hay giá trị USD.
Đơn cử, nửa đầu năm 2024, nhà đầu tư cá nhân Trung Quốc đóng vai trò rất lớn trong thúc đẩy nhu cầu vàng. Nhóm nhà đầu tư này lao vào mua vàng vì các loại tài sản khác ở Trung Quốc (bất động sản, chứng khoán…) kém hiệu quả, không liên quan đến USD.
“Hay như lực cầu của nhóm ngân hàng trung ương. Các ngân hàng trung ương mua vàng vì nhiều lý do, gồm rủi ro địa chính trị và mong muốn quản lý rủi ro trong danh mục đầu tư của họ, chứ không xuất phát từ lãi suất của Mỹ hay sự tăng giảm của USD”, ông Shaokai Fan cho biết.
Với tình hình này, các chuyên gia nhận định, ngay cả khi USD duy trì mức giá “đỉnh” năm 2025, thì cầu vàng vẫn sẽ tăng mạnh, chủ yếu do kinh tế địa chính trị vẫn biến động mạnh. Theo đó, các tổ chức, cá nhân và ngân hàng trung ương tiếp tục mua vàng như “tấm đệm” dự phòng rủi ro.
Hà Tâm