Nội địa thống lĩnh
Trong nhóm doanh nghiệp trong nước, VinFast vẫn là cái tên nổi bật nhất, đóng vai trò đầu tàu ở cả hai phân khúc ô tô và xe máy điện. Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2025, hãng xe này đã bàn giao hơn 35.100 ô tô điện chỉ trong 3 tháng đầu năm, hướng tới mục tiêu đạt 200.000 xe trong năm nay. Trước đó, trong năm 2024, VinFast cũng đã giao tổng cộng hơn 87.000 xe điện, chiếm tỷ trọng áp đảo trong tổng doanh số xe điện tại Việt Nam.
Ở phân khúc xe máy điện, VinFast cũng duy trì đà tăng trưởng ấn tượng với 44.904 xe bán ra trong quý I/2025, tăng tới 473% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với mạng lưới hơn 150.000 trạm sạc trải dài khắp cả nước, hệ sinh thái khép kín giúp VinFast củng cố vững chắc vị trí dẫn đầu thị trường.
Gần 45.000 xe máy Vinfast bán ra trong quý I/2025
Đối với phân khúc xe máy điện phổ thông, Pega là thương hiệu nội địa nổi bật bên cạnh VinFast. Với hơn một thập kỷ phát triển, Pega hiện duy trì thị phần ổn định khoảng 15–16%, chủ yếu nhờ các dòng sản phẩm hướng đến học sinh, sinh viên và người lao động có thu nhập trung bình.
Ngoài các doanh nghiệp lớn, các startup trong nước cũng bắt đầu để lại dấu ấn rõ nét. Dat Bike – thương hiệu xe máy điện Việt Nam hướng tới hiệu năng cao đã cho ra mắt dòng Weaver++ có thể đạt tốc độ tối đa 90 km/h, định vị cạnh tranh trực tiếp với xe máy xăng truyền thống.
Trong khi đó, Selex Motors lại chọn chiến lược khác khi tập trung vào thị trường xe điện logistics. Nhờ hệ thống trạm đổi pin nhanh và hợp tác với các đối tác lớn như GrabExpress, Lazada, Be, hãng này đang dẫn đầu phân khúc xe điện giao hàng B2B tại Việt Nam.
Ở nhóm doanh nghiệp nước ngoài, nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới BYD đã chính thức gia nhập thị trường Việt Nam từ tháng 7/2024 với các dòng xe Atto 3, Dolphin và Seal. Nổi bật trong đó là mẫu Atto 3 có giá khởi điểm từ 766 triệu đồng, đang cạnh tranh trực tiếp với các dòng SUV điện đô thị của VinFast như VF6. Không chỉ mở rộng hệ thống phân phối, BYD còn đang khảo sát xây dựng nhà máy lắp ráp tại Phú Thọ. Đây là dấu hiệu cho thấy tham vọng chiếm lĩnh thị phần dài hạn tại Việt Nam của “ông lớn” này.
Cùng thời điểm, nhiều hãng xe quốc tế khác cũng ồ ạt gia nhập thị trường Việt. MG, Chery với hai thương hiệu con là Omoda và Jaecoo, Wuling với mẫu Mini EV giá chỉ từ 250–300 triệu đồng đều đã bắt đầu mở bán tại Việt Nam, chủ yếu ở phân khúc xe đô thị cỡ nhỏ. Những mẫu xe giá rẻ từ các thương hiệu Trung Quốc này đang tạo sức ép cạnh tranh đáng kể về giá lên các nhà sản xuất trong nước.
VF3 và Wuling Hongguang Mini EV có kích thước và giá thành tương đương nhau
Ngoài ra, thị trường xe điện cao cấp cũng ghi nhận sự hiện diện của các thương hiệu như Tesla, BMW, Mercedes-Benz, Audi, Porsche,… Tuy nhiên, với mức giá từ vài tỷ đồng trở lên, các dòng xe này vẫn chỉ chiếm thị phần nhỏ, chủ yếu phục vụ nhóm khách hàng cao cấp, có nhu cầu trải nghiệm công nghệ và thương hiệu.
Dư địa vẫn rộng mở
Theo thống kê tổng hợp từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), TC Motor và VinFast, tổng lượng ô tô bán ra tại Việt Nam trong quý I/2025 đạt khoảng 118.000 xe. Trong đó, ô tô điện thuần (BEV) chỉ chiếm dưới 50.000 xe, và riêng VinFast đã bàn giao 35.105 xe. Với tỷ trọng này, VinFast được ước tính đang nắm giữ khoảng 70% thị phần xe điện thuần tại Việt Nam.
Lợi thế dẫn đầu của VinFast không chỉ đến từ số lượng lớn, mà còn nhờ hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện, bao gồm dải sản phẩm từ cỡ nhỏ đến cao cấp, mạng lưới hơn 150.000 trạm sạc, dịch vụ hậu mãi, cũng như chính sách giá linh hoạt.
Vinfast dẫn đầu thị phần xe điện Việt
Ở phân khúc xe máy điện, thị trường cũng ghi nhận những diễn biến đáng chú ý về thị phần và xu hướng tiêu dùng. Theo Motorcycles Data, thị trường xe máy Việt Nam kết thúc năm 2024 với doanh số 2,9 triệu xe, tăng 4,9% so với năm trước. Trong đó, phân khúc xe máy điện L1 (tương đương xe dưới 50cc, dành cho học sinh, sinh viên) tăng trưởng tới 52,9%, trong khi xe điện L3 (tương đương xe trên 50cc) lại sụt giảm 25%.
Trong bối cảnh đó, VinFast tiếp tục ghi dấu ấn khi doanh số xe máy điện của hãng tăng trưởng tới 147,8% trong năm 2024, vượt xa các đối thủ khác. Sự tăng tốc này được thúc đẩy bởi loạt chiến lược điều chỉnh sản phẩm và giá bán. Nổi bật là việc VinFast cho ra mắt mẫu xe Feliz Neo với giá 31,9 triệu đồng, Evo Lite Neo 18 triệu đồng, đồng thời giảm giá nhiều mẫu xe xuống mức thấp nhất chỉ còn 14,9 triệu đồng. Đáng chú ý, hãng đã chuyển đổi mô hình từ thuê pin sang bán thẳng, phù hợp hơn với tâm lý sở hữu của người tiêu dùng Việt Nam.
Theo báo cáo của Kirin Capital, VinFast hiện chiếm khoảng 32% thị phần xe máy điện, trong khi thương hiệu nội địa lâu đời Pega duy trì tỷ lệ 15–16%, nhờ các dòng xe phổ thông có giá hợp lý. Yadea, một thương hiệu đến từ Trung Quốc, cũng ghi nhận thị phần 12–13%, nhờ mẫu mã phong phú và mạng lưới đại lý rộng khắp. Trong khi đó, Dat Bike dù mới thành lập chưa đầy 5 năm đã đạt thị phần khoảng 2–3% và có kế hoạch mở thêm 50 cửa hàng mới trong năm 2025.
Ngoài nhóm thương hiệu dẫn đầu, thị trường còn ghi nhận sự tham gia của nhiều cái tên mới. Honda Việt Nam vừa chính thức gia nhập thị trường xe máy điện với mẫu Icon e: có giá từ 26,4 triệu đồng, đồng thời triển khai mô hình cho thuê xe điện học sinh CUV e. Đây được xem là động thái chiến lược, khi Honda vốn đang nắm giữ phần lớn thị phần xe máy xăng truyền thống tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia, dư địa thị trường xe điện ở Việt Nam hiện nay còn rất lớn. Với các chính sách khuyến khích sản xuất, tiêu dùng xe điện ngày càng rõ ràng, cùng sự gia nhập của nhiều “ông lớn” quốc tế, cuộc cạnh tranh giành thị phần tại Việt Nam chắc chắn sẽ ngày càng sôi động.
Phùng Xuân