Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1619/QĐ-TTg ngày 14/12/2023 của Thủ tướng xác định, Thị xã An Nhơn đến năm 2025 sẽ trở thành đô thị loại III và trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Bình Định.
Tiếp đến năm 2030, thị xã An Nhơn được định hướng là 1 trong 21 đô thị phát triển kinh tế - xã hội vùng phía Nam tỉnh Bình Định; là một trong những trung tâm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố Quy Nhơn và ngược lại, bao gồm các chức năng như: sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ và đầu mối giao thông đa năng.
Trung tâm thị xã An Nhơn đang bứt phá thần kỳ.
Hiện thị xã An Nhơn đang tự tin với các thế mạnh, tiền đề để lên thành phố như hệ thống giao thông phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại. An Nhơn có đầy đủ đường bộ, đường sắt và đường hàng không… thúc đẩy giao lưu kinh tế, hợp tác phát triển, tạo thành hệ thống giao thông hoàn chỉnh, thuận tiện cho việc đi lại và giao thương hàng hóa từ thị xã An Nhơn đến các khu vực khác trong tỉnh, cả nước và quốc tế.
Ngoài ra, An Nhơn có những lợi thế về vị trí địa lý tạo điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội, là dư địa để mở rộng phát triển công nghiệp, dịch vụ trong khu vực tam giác phát triển An Nhơn - Quy Nhơn - Nhơn Hội, cân bằng mật độ tập trung công nghiệp, là địa bàn để phát triển các cơ sở dịch vụ mới trong tình hình quỹ đất ở thành phố Quy Nhơn đang dần lấp đầy và quá tải.
Về thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, An Nhơn có xu hướng phát triển tích cực và đời sống người dân, thu nhập người lao động được cải thiện. An Nhơn có 1 Khu công nghiệp Nhơn Hòa, 10 cụm công nghiệp và 24 làng nghề, giải quyết việc làm cho khoảng hơn 30.000 lao động tại chỗ và khu vực lân cận.
Tổng giá trị sản xuất theo giá hiện hành năm 2023 đạt 39.673,34 tỷ đồng, tăng 19,96% so với cùng kỳ năm 2022. Giai đoạn 2021 - 2023, kinh tế của thị xã An Nhơn tăng trưởng bình quân đạt 13,67%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng, tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông - lâm - ngư nghiệp. Năm 2023, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 68,15%; thương mại - dịch vụ chiếm 22%; nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 9,85% trong cơ cấu kinh tế của thị xã An Nhơn. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 2.285,26 tỷ đồng, tổng chi ngân sách trên địa bàn đạt 2.113,46 tỷ đồng.
An Nhơn có 24 làng nghề, trong đó Làng nghề mai vàng được xem là thủ phủ của miền Trung, cung cấp thị trường mai cho cả nước.
Lĩnh vực văn hóa xã hội đều có những chuyển biến tích cực theo định hướng, hài hòa với phát triển kinh tế. Công tác giảm nghèo và chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách, xã hội được quan tâm thường xuyên (Tỷ lệ hộ toàn thị xã giảm còn 1,43%). Cơ sở vật chất, trường học, trang thiết bị y tế và các thiết chế văn hóa thể thao tiếp tục được đầu tư xây dựng phục vụ nhu cầu học tập, vui chơi giải trí ngày càng tăng của Nhân dân. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Sự ưu tiên tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của các cấp chính quyền, An Nhơn đã có bước phát triển vượt bậc theo quy hoạch tại Quyết định số 219/QĐ-BXD ngày 02/3/2021 của Bộ trưởng Xây dựng, công nhận là đô thị loại III, trực thuộc tỉnh Bình Định.
Thành lập thành phố An Nhơn là thực sự cần thiết
Hiện, khu vực nội thị của đô thị An Nhơn được mở rộng bao gồm 05 phường hiện hữu: Bình Định, Đập Đá, Nhơn Hòa, Nhơn Hưng, Nhơn Thành và 06 xã: Nhơn Phúc, Nhơn Lộc, Nhơn Thọ, Nhơn Phong, Nhơn Hậu, Nhơn An; 04 xã: Nhơn Hạnh, Nhơn Khánh, Nhơn Mỹ, Nhơn Tân thuộc khu vực ngoại thị.
Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân thị xã An Nhơn đã từng bước lập và phê duyệt quy hoạch phân khu cho các xã: Nhơn Phúc, Nhơn Lộc, Nhơn Thọ, Nhơn Phong, Nhơn Hậu, Nhơn An, đồng thời tiếp tục tập trung huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trên địa bàn thị xã An Nhơn nói chung và các xã, phường trực thuộc nói riêng.
Nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng của Thị xã An Nhơn ngày càng tăng cao.
Xác định phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật là yếu tố rất quan trọng, thời gian qua thị xã An Nhơn huy động đầu tư từ nhiều nguồn vốn khác nhau để kịp thời đáp ứng tốc độ phát triển của thị xã hướng đến đô thị hiện đại, văn minh.
Cùng với sự phát triển rất nhanh về kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa cao và sự phát triển, lắp đầy của các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thị xã đã kéo theo lực lượng lao động từ các địa phương khác tới làm việc và sinh sống, làm tăng áp lực cho hệ thống cơ sở hạ tầng như: nhà ở, giao thông, y tế,… đồng thời tạo ra những khó khăn, áp lực nhất định trong công tác quản lý hành chính, trật tự an toàn xã hội, trật tự xây dựng, quy hoạch, kiến trúc, kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên đất, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông, cấp thoát nước, điện, nhà ở xã hội, quản lý về kinh tế - xã hội, giáo dục, y tế, thương mại - dịch vụ và các thiết chế xã hội,… đối với bộ máy quản lý hành chính Nhà nước được tổ chức theo mô hình hiện nay.
Từ thực tế đó, việc thành lập thành phố An Nhơn là thật sự cần thiết, nhằm tổ chức bộ máy chính quyền phù hợp để quản lý, giải quyết những bất cập do sự phát triển kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hóa cao trên địa bàn như hiện nay.
Thị xã An Nhơn hoàn toàn tự tin với các thế mạnh, tiền đề để sẵn sàng lên thành phố.
Việc thành lập thành phố An Nhơn thuộc tỉnh Bình Định là phù hợp với hiện trạng phát triển và tốc độ đô thị hóa của thị xã trong thời gian qua, tạo cơ sở pháp lý cho việc thiết lập mô hình tổ chức chính quyền phù hợp, tạo tiền đề cho thị xã An Nhơn hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý hành chính Nhà nước.
Bên cạnh đó, việc thành lập thành phố An Nhơn thuộc tỉnh Bình Định trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thị xã An Nhơn là phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương; tiêu chuẩn đơn vị hành chính quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 và các định hướng quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc thành lập thành phố An Nhơn không làm mất đi vị thế chiến lược của thị xã mà còn tăng cường, củng cố hơn nữa cho An Nhơn trong thế trận phòng thủ, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn, đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của đô thị.
Đây cũng là cơ hội thuận lợi giúp đẩy mạnh và phát huy mạnh mẽ hơn nữa những lợi thế, tiềm năng sẵn có để An Nhơn bứt phá vươn lên, phát triển bền vững, vì mục tiêu ngày càng nâng cao chất lượng, điều kiện sống cho người dân trên địa bàn; đảm bảo chất lượng đô thị theo Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đáp ứng nguyện vọng thiết tha của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trên địa bàn tỉnh Bình Định nói chung và thị xã An Nhơn nói riêng.
Ngày 15/10, UBND tỉnh Bình Định có văn bản báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri đối với Đề án thành lập thành phố An Nhơn thuộc tỉnh Bình Định. Theo đó, UBND tỉnh tổ chức lấy ý kiến cử tri của 15 xã, phường thuộc thị xã An Nhơn về việc thành lập thành phố An Nhơn thuộc tỉnh Bình Định.
Kết quả, có 144.541/145.763 cử tri đồng ý, đạt tỷ lệ 99,16%; có 326/145.763 cử tri không đồng ý, chiếm tỷ lệ 0,22%. Tỷ lệ 0,84% cử tri không đồng ý bởi lý do e ngại phải mất thời gian đi lại để làm thủ tục thay đổi, cập nhật thông tin các loại giấy tờ có liên quan; đồng thời, các loại thuế, phí và lệ phí đều tăng làm ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.