Các đồng chí lãnh đạo phường Hưng Trí (thị xã Kỳ Anh) chia sẻ niềm vui về ngôi nhà mới cùng chị Hồ Thị Hấn.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường thị xã Kỳ Anh, Nguyễn Hoàng Anh cho biết, thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ người có công, ngay từ đầu năm 2025, thị xã Kỳ Anh đã nhanh chóng thành lập ban chỉ đạo, tiến hành rà soát, tổng hợp các đối tượng đủ điều kiện trình Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt.
Với tinh thần làm việc chủ động, khẩn trương, tính đến ngày 26/4, địa phương đã hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa 133/133 nhà cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ người có công và hộ có hoàn cảnh khó khăn. Thị xã Kỳ Anh trở thành địa phương đầu tiên của Hà Tĩnh về đích trong chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát theo chỉ đạo của tỉnh.
Theo chân lãnh đạo phường Hưng Trí (thị xã Kỳ Anh), chúng tôi có mặt tại ngôi nhà mới xây của chị Thái Thị Bình Định ở tổ dân phố 2. Qua giới thiệu của lãnh đạo phường, chúng tôi được biết, bản thân chị Định và người em gái vốn bị trọng bệnh từ nhỏ, việc ăn ở, đi lại đều phải dựa vào anh em, lối xóm.
Từ trước đến nay, hai chị em phải sống trong ngôi nhà tạm bợ do bố mẹ để lại. Căn phòng rộng chừng 10m2, chỉ đủ để kê hai chiếc giường đơn lập đặt đối diện nhau. Do đó, ước mơ về ngôi nhà mới cho hai chị em tật nguyền luôn thường trực trong ý nghĩ của người thân, bạn bè lối xóm.
“Thực hiện chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ người có công, phường Hưng Trí đã vận động các đoàn thể chính trị, bà con lối xóm hỗ trợ nhân lực, kinh phí, cùng góp sức xây mới căn nhà cấp 4 rộng hơn 40m2 có giá trị hơn 100 triệu đồng cho hai chị em chị Định”, đồng chí Đoàn Thị Mỹ, Bí thư Đảng ủy phường Hưng Trí chia sẻ.
Được biết, để có ngôi nhà tươm tất, ngoài số tiền hỗ trợ 70 triệu đồng/nhà theo quy định, thông qua nhiều “kênh” vận động khác nhau như: zalo kết nối yêu thương, “đội thợ xây không đồng” của các đoàn thể mặt trận…, cấp ủy, chính quyền địa phương còn vận động bà con lối xóm hỗ trợ gần 30 triệu đồng và nhiều ngày công để hoàn thành ngôi nhà mới sau hơn một tháng khởi công.
Mặc dù không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, tuy nhiên cuộc sống của hai mẹ con chị Hồ Thị Hấn ở tổ dân phố Trần Phú (phường Hưng Trí) cũng nếm trải nhiều khó khăn trong ngôi nhà xuống cấp. Chị Hấn cho biết, với tình hình sức khỏe, công việc hiện tại, chưa biết đến bao giờ hai mẹ con chị mới có thể gom góp, tích lũy để xây nhà mới. Hoàn cảnh của chị Hồ Thị Hấn cũng là thực trạng chung của 56 hộ gia đình khó khăn, không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo nhưng phải ở trong những ngôi nhà xuống cấp, điều kiện kinh tế không đủ để sửa sang, xây mới.
Các tổ công tác của Thị ủy Kỳ Anh thường xuyên bám nắm địa phương, đôn đốc, hỗ trợ bà con đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sửa chữa nhà mới.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Kỳ Anh, Phan Thanh Biển cho biết: Thấu hiểu những khó khăn của các hộ dân trên địa bàn, thực hiện phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau, thị xã Kỳ Anh đã chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực xã hội hóa 2,6 tỷ đồng để hỗ trợ 56 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn sửa chữa và xây dựng nhà mới. Các hộ dân này đều được hỗ trợ xây mới 70 triệu đồng/nhà và sửa chữa là 30 triệu đồng/nhà.
Chủ trương mở rộng đối tượng hỗ trợ để xóa nhà tạm, nhà dột nát của thị xã Kỳ Anh đã tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong toàn tỉnh, trở thành hình mẫu trong việc chăm lo nhà ở cho người yếu thế và thực hiện chính sách an sinh xã hội bền vững. “Nếu không có sự quan tâm, ưu ái của cấp ủy, chính quyền địa phương thì chưa biết đến bao giờ mẹ con tôi mới hiện thực hóa được giấc mơ về ngôi nhà mới khang trang như thế này. Ngôi nhà này không chỉ là tổ ấm giúp mẹ con tôi an cư mà còn là động lực để chúng tôi vươn lên trong cuộc sống”. Chị Hồ Thị Hấn vui vẻ chia sẻ với chúng tôi trong ngày đầu về ở ngôi nhà mới xây.
Theo đồng chí Nguyễn Hoài Sơn, Bí thư thị ủy Kỳ Anh, để hoàn thành vượt tiến độ nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát theo kế hoạch của tỉnh, thị xã Kỳ Anh đã huy động sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị. Cùng với việc đã phân công cho từng đồng chí thường vụ phụ trách từng xã, phường đôn đốc, bám nắm và chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Thị ủy về tiến độ thực hiện; hằng ngày đều phải bám sát, báo cáo tiến độ cho ban chỉ đạo và tham mưu xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh, thị xã Kỳ Anh còn chủ động đã kêu gọi thêm các nguồn lực xã hội hóa, xây dựng kế hoạch chi tiết để hỗ trợ các hộ gia đình về kinh phí, nhân lực, ngày công; phát động phong trào toàn dân chung tay hỗ trợ người nghèo làm nhà ở… Nhờ đó, địa phương đã hoàn thành nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát trước 20 ngày so với kế hoạch của tỉnh.
Được biết, ngoài việc hỗ trợ người dân xây dựng, sửa chữa nhà mới, cấp ủy, chính quyền địa phương còn tiến hành rà soát nhu cầu thực tế về vật dụng sinh hoạt của các hộ gia đình để đưa ra phương án hỗ trợ hợp lý, cũng như tiếp tục kêu gọi, lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ sinh kế bền vững cho các gia đình như mô hình nuôi gà, nuôi bò... để các hộ dân yên tâm, chủ động vươn lên, cải thiện cuộc sống.
NGÔ TUẤN