Thị xã Ngã Năm: Từ vùng đất anh hùng đến đô thị trẻ tiềm năng phát triển

Thị xã Ngã Năm: Từ vùng đất anh hùng đến đô thị trẻ tiềm năng phát triển
6 giờ trướcBài gốc
Thị xã Ngã Năm không chỉ là vùng kinh tế trọng điểm phía Tây của tỉnh Sóc Trăng mà còn là nơi ghi dấu những trang sử oanh liệt trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Miếu Bà Chúa Xứ ở ấp Mỹ Đông 1, xã Mỹ Quới là “địa chỉ đỏ” của cách mạng. Tại đây, vào tháng 6/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng được thành lập.
Nhà bia ghi tên liệt sĩ ở xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng). Ảnh: HẢI HÀ
Ông Bùi Văn Hộ - nguyên Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thạnh Trị kể lại, ông Quản Trọng Hoàng, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đã về làng Mỹ Quới cùng một số đồng chí khác tuyên truyền bồi dưỡng lý luận căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin cho các thanh niên tích cực và kết nạp vào Đảng các ông như: Châu Văn Phát, Trần Văn Bảy, Lê Hoàng Chu, Trương Quý Thể, Trần Văn Tám… Trên cơ sở đó, Chi bộ Đảng làng Mỹ Quới - Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng được thành lập. Từ năm 1960 - 1975, Miếu Bà Chúa Xứ là căn cứ địa của Huyện ủy Thạnh Trị và nhiều cơ quan của tỉnh Sóc Trăng. Tại đây, lực lượng cách mạng đã tổ chức nhiều cuộc tấn công tiêu diệt Chi khu Ngã Năm - một trong những chi khu quan trọng nhất ở khu Tây Nam Bộ thời đó.
Ông Trần Văn Thêm ở ấp Mỹ Đông 1, xã Mỹ Quới từng tham gia cách mạng và chứng kiến những năm tháng gian khó của quê hương, chia sẻ: “Trong những ngày đầu sau khi đất nước thống nhất, cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn. Khi đó, thị xã không có đường, không có điện và phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân là ghe xuồng”. Ông Thêm cảm thấy tự hào sau 50 năm đất nước thống nhất, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, kéo điện, xây dựng trạm y tế, trường học và nhiều công trình thiết yếu khác. Từ đó đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể.
Ngã Năm có nhiều diện tích trồng lúa đặc sản. Ảnh: CHÍ BẢO
Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Quới Phan Lùng Pha cho biết, toàn xã hiện có hơn 1.000 liệt sĩ hy sinh trong hai cuộc kháng chiến và có hơn 200 gia đình chính sách. Những năm qua, việc thăm hỏi và thực hiện các chế độ chính sách đối với các gia đình luôn được thực hiện kịp thời, đúng quy định. Các lão thành cách mạng và gia đình chính sách tại địa phương không chỉ là những tấm gương sáng về tinh thần cách mạng, mà còn là những người truyền đạt những giá trị cao đẹp này cho con cháu, khích lệ thế hệ trẻ tiếp tục phấn đấu học tập, lao động và đóng góp vào sự phát triển phồn vinh của quê hương.
Sau ngày đất nước thống nhất, Ngã Năm bắt đầu hành trình kiến thiết. Các công trình hạ tầng được đầu tư, các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác, chăn nuôi, trồng rau màu được tổ chức, giúp người dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, nâng cao thu nhập. Từ năm 1992 đến nay, tốc độ phát triển của Ngã Năm tăng mạnh. Người dân không chỉ sản xuất 1 vụ lúa mà đã chuyển sang 2 vụ với các giống lúa đặc sản chất lượng cao, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội. Ông Mã Thanh Sơn ở ấp Mỹ Thọ chia sẻ, nhờ tham gia lớp học nghề đan lục bình và trồng lúa đặc sản trên 6.000m², gia đình ông hiện có thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm, xây được nhà cửa khang trang.
Đoàn cán bộ tỉnh Sóc Trăng và thị xã Ngã Năm đến thăm và tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại xã Mỹ Bình, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng). Ảnh: NGỌC HẢI
Theo đồng chí Phan Lùng Pha, đến nay thu nhập bình quân mỗi hécta đất nông nghiệp ở địa phương đạt khoảng 171 triệu đồng/năm. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất được đầu tư đồng bộ, hệ thống thủy lợi, kênh mương được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm còn 1,57%.
Trên bình diện toàn thị xã, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 13,38%, thu nhập bình quân đầu người gần 75 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1,7% dân số. Ngã Năm cũng là đơn vị dẫn đầu tỉnh về sản xuất lúa đặc sản. Gần 20 năm qua, thị xã Ngã Năm đã huy động hơn 3.492 tỷ đồng từ các nguồn vốn ngân sách Trung ương để đầu tư xây dựng nhiều công trình trọng điểm. Trong đó có các tuyến giao thông chiến lược như Quản Lộ Phụng Hiệp - Cà Mau, Quốc lộ 61B, đường trục phát triển kinh tế Đông - Tây và Tỉnh lộ 938. Những tuyến đường này giúp Ngã Năm kết nối thuận tiện với các vùng lân cận, tạo điều kiện thúc đẩy giao thương, thu hút đầu tư và phát triển đô thị.
Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế, thị xã Ngã Năm còn có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong việc ứng dụng công nghệ vào đời sống và quản lý hành chính. Hiện nay, người dân đã dần quen với việc tra cứu, tiếp nhận thông tin qua internet và các nền tảng mạng xã hội. Nhiều thủ tục hành chính được số hóa, hệ thống dữ liệu dân cư được quản lý đồng bộ, góp phần tiết kiệm thời gian và chi phí, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân.
Từ vùng đất anh hùng, từng bước vượt qua muôn vàn khó khăn, Ngã Năm hôm nay là minh chứng sống động cho tinh thần đoàn kết, nỗ lực vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. Như lời ông Phạm Văn Bé ở Phường 2 chia sẻ, điều khiến ông tâm đắc nhất chính là “cuộc sống nay đã khác xưa rất nhiều, mọi người ai cũng có ước mơ và niềm tin vào tương lai phát triển của quê hương”.
Với nền tảng lịch sử hào hùng, sự đầu tư hạ tầng và chính sách phát triển bền vững, vùng đất Ngã Năm đang vươn mình phát triển, đóng góp tích cực vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
HẢI HÀ
Nguồn Sóc Trăng : https://baosoctrang.org.vn/chinh-tri/202505/thi-xa-nga-nam-tu-vung-dat-anh-hung-den-do-thi-tre-tiem-nang-phat-trien-899305b/