Sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) ứng dụng AI trong học tập.
Một trong những ứng dụng phổ biến nhất của AI đối với học tập là trợ giúp học bài và làm bài tập. Nhờ sự phát triển của các công cụ hỗ trợ như: ChatGPT, GitHub Copilot, Codeium, sinh viên có thể dễ dàng tiếp cận nguồn tài liệu phong phú, nhận phản hồi tự động và tối ưu hóa quá trình viết code. Nếu như trước đây, việc xây dựng một sản phẩm phần mềm có thể mất vài ngày ngày, thì nay với sự hỗ trợ của AI, thời gian có thể rút ngắn xuống chỉ còn ba giờ. Các công cụ này không chỉ giúp sinh viên lập trình nhanh hơn mà còn hỗ trợ kiểm tra lỗi, tối ưu hóa mã nguồn và đề xuất giải pháp hiệu quả hơn.
Bạn Dương Như Thành, sinh viên năm 3, Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên), chia sẻ: Trong thời gian qua, AI bùng nổ mạnh mẽ. So với khi năm nhất và năm hai, cách học của em bây giờ đã thay đổi rất nhiều. Em không chỉ là một lập trình viên đơn thuần mà trở thành người thiết kế lập trình. AI giúp em xử lý những phần code lặp lại, từ đó có nhiều thời gian hơn để tập trung vào các vấn đề phức tạp. Đặc biệt, AI còn hỗ trợ em trong việc làm đồ án tốt nghiệp, thiết kế slide bài giảng và tạo các giao diện web đơn giản như đăng ký, đăng nhập theo đúng mong muốn của mình.
Ứng dụng AI trong học tập còn giúp sinh viên kết hợp phương pháp truyền thống với công nghệ hiện đại để tiếp cận kiến thức một cách toàn diện. Nhiều sinh viên đã sử dụng AI để phân tích bài toán, tìm kiếm tài liệu và thậm chí là hỗ trợ viết mã nguồn cho các ứng dụng thực tế. Điều này không chỉ giúp họ tiết kiệm thời gian mà còn nâng cao tư duy sáng tạo trong lập trình. Không chỉ dừng lại ở việc học tập, AI còn hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học. Các công cụ như: Microsoft Academic, Google Scholar hay Mendeley giúp sinh viên dễ dàng tìm kiếm, lưu trữ và trích dẫn tài liệu nghiên cứu. AI cũng có khả năng phân tích dữ liệu lớn, giúp sinh viên khám phá những xu hướng mới và đưa ra kết luận chính xác hơn.
Bạn Hà Văn Ninh, sinh viên năm 4, Khoa Công nghệ thông tin, thì cho biết: Hiện tại, em đã đi làm tại một số doanh nghiệp công nghệ và áp dụng AI vào công việc. Nếu trước đây, khi gặp vấn đề, em phải tìm kiếm trên Google hoặc hỏi giảng viên, anh chị đi trước để tìm phương án giải quyết, thì nay AI đã có thể đưa ra các gợi ý hữu ích, giúp em thử nghiệm và tối ưu giải pháp nhanh hơn. Tuy nhiên, AI chỉ là công cụ hỗ trợ, còn việc tổng hợp, đánh giá và đưa ra quyết định vẫn phải do con người thực hiện.
Việc ứng dụng AI trong học tập mang lại nhiều lợi ích, giúp sinh viên tiếp cận tri thức nhanh chóng và phát triển kỹ năng toàn diện. Tuy nhiên, AI không thể thay thế hoàn toàn con người. Sinh viên cần có tư duy phản biện, kiểm chứng thông tin từ nhiều nguồn và không phụ thuộc vào AI một cách thụ động. Chỉ khi sử dụng AI một cách thông minh và có chọn lọc, người dùng mới có thể tận dụng tối đa lợi ích của công nghệ để phục vụ cho học tập và sự nghiệp trong tương lai.
Minh Anh