Thiên đường du lịch châu Á trước nguy cơ chìm vì biến đổi khí hậu

Thiên đường du lịch châu Á trước nguy cơ chìm vì biến đổi khí hậu
một ngày trướcBài gốc
Maldives chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến đổi khí hậu
Maldives, có độ cao trung bình chỉ hơn 1,5 mét so với mực nước biển. Do vậy, quốc gia đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi các thảm họa thiên nhiên và mực nước biển dâng cao.
Maldives trong thế nước đã đến chân
Mực nước biển dự kiến sẽ dâng cao thêm 1 mét vào cuối thế kỷ 21, có thể nhấn chìm một phần đáng kể của nơi được gọi là thiên đường du lịch ở châu Á. Khoảng 80% các đảo có độ cao thấp hơn một mét so với mực nước biển trung bình hiện giờ, khiến chúng có nguy cơ bị nhấn chìm hoàn toàn hoặc không thể ở được do nước mặn xâm nhập vào nguồn nước ngọt và đất nông nghiệp.
Bão và sóng thần là những ví dụ về hiện tượng thời tiết khắc nghiệt ngày càng gây thiệt hại cho các thị trấn và cơ sở hạ tầng. Mặc dù không phải do biến đổi khí hậu gây ra, trận sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004 đã làm sáng tỏ tình trạng dễ bị tổn thương của Maldives trước những thảm họa tương tự, có thể gây thiệt hại lớn về người và của. Ngành du lịch quan trọng của Maldives, đóng góp khoảng 28% GDP của nước này cũng ngành thủy sản, đóng góp lớn thứ hai cho nền kinh tế cùng đang bị đe dọa ngày càng tăng do biến đổi khí hậu làm tăng tần suất và cường độ của các cơn bão.
San hô bị tẩy trắng do nhiệt độ nước biển tăng và axit hóa đại dương, đang gây nguy hiểm lớn cho các hệ sinh thái biển của Maldives. Tình trạng của các rạn san hô không chỉ quan trọng đối với đa dạng sinh học mà còn đối với việc bảo vệ bờ biển và mưu sinh của người dân sống nhờ đánh bắt cá và phục vụ trong ngành du lịch. Các vụ san hô bị tẩy trắng gần đây đe dọa cả ngư nghiệp lẫn du lịch.
Di dời dân cư là một mối quan tâm mới nổi khác. Do diện tích đất hạn chế để di dời, ngay cả những cuộc di tản nhỏ do lũ lụt hoặc xói mòn cũng gây ra những khó khăn không nhỏ về mặt xã hội và hậu cần. Ví dụ, vào năm 2007, đảo Hathifushi đã trải qua một cơn bão lớn tàn phá khiến nơi đây không thể ở được. Sau đó, chính phủ Maldives đã di dời toàn bộ dân số đến Hanimadhoo. Điều đó cho thấy những thách thức và sự cần thiết phải tái định cư các cộng đồng trên các đảo khác nhau để đảm bảo an toàn và sự ổn định cho họ trước những rủi ro do khí hậu gây ra.
Câu chuyện của các quốc đảo nhỏ
Mặc dù mức độ dễ bị tổn thương của nhiều quốc đảo nhỏ đang phát triển (SIDS) trước biến đổi khí hậu là tương tự nhau, tác động và cách phản ứng lại khác nhau. Mực nước biển dâng và bão ngày càng nhiều gây ra những mối đe dọa tương tự đối với các quốc đảo Thái Bình Dương như Kiribati và Tuvalu. Tuy nhiên, các nỗ lực thích ứng đôi khi khó khăn hơn do dân số ít hơn và bị cô lập về mặt địa lý. Không giống như Maldives, các quốc đảo này không có ngành du lịch phát triển để tài trợ cho các sáng kiến giảm thiểu rủi ro và thích ứng trước biến đổi khí hậu. Thay vào đó, họ phụ thuộc rất nhiều vào viện trợ quốc tế.
Các SIDS vùng Caribbean, chẳng hạn như Dominica và Antigua & Barbuda, thường xuyên hứng chịu những cơn bão tàn phá cơ sở hạ tầng và làm tê liệt nền kinh tế. Nhưng trái ngược với Maldives biệt lập, sự gần gũi của các quốc đảo này với các nước lớn ở châu Mỹ giúp họ dễ nhận được sự hỗ trợ và phục hồi sau thảm họa. Tuy nhiên, nền kinh tế của họ, vốn phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp và du lịch, cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi liên quan đến khí hậu.
Maldives nổi bật với các hoạt động tích cực trên trường quốc tế về các vấn đề khí hậu. Quốc gia này đóng vai trò lớn trong các cuộc đàm phán quốc tế về khí hậu, nhấn mạnh việc phải hành động khẩn trương và đột phá trong chống biến đổi khí hậu. Sự xông xáo này của Maldives trái ngược với một số SIDS, những quốc gia thấy khó tăng cường sự hiện diện của mình trên diễn đàn toàn cầu do nguồn lực ngoại giao hạn chế.
Định nghĩa lại an ninh quốc gia
Là một mối đe dọa an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu đặt ra câu hỏi về các khái niệm truyền thống về an ninh. Các khuôn khổ hiện thực truyền thống nhấn mạnh vào sức mạnh quân sự và chủ quyền quốc gia, tập trung vào các mối nguy hiểm bên ngoài từ các quốc gia khác. Tuy nhiên, các mối đe dọa phi truyền thống như suy thoái môi trường, đại dịch và bất ổn kinh tế vượt qua ranh giới quốc gia và đòi hỏi các phản ứng hợp tác, đa phương.
Đối với Maldives, biến đổi khí hậu không phải là vấn đề xa vời hay lý thuyết mà là mối nguy hiểm trực tiếp đối với sự tồn vong của quốc gia này. Mực nước biển dâng cao, các sự kiện thời tiết khắc nghiệt và sự sụp đổ của hệ sinh thái gây nguy hiểm cho toàn vẹn lãnh thổ, sự ổn định kinh tế và đời sống của người dân. Những khó khăn này nhấn mạnh những thiếu sót trong cách nhìn nhận vấn đề an ninh thế giới hiện nay vốn thường bỏ qua các mối nguy hiểm phi quân sự và các khía cạnh liên quan môi trường sinh thái toàn cầu.
Anh Tú
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/thien-duong-du-lich-chau-a-truoc-nguy-co-chim-vi-bien-doi-khi-hau-228017.html