Tác giả: Học viên Cao học Thích Thọ Luận – Thượng tọa TS Thích Hạnh Tuệ
1. Thiền tăng Hải Hòa Nguyễn Đăng Sở
Thiền tăng Hải Hòa Nguyễn Đăng Sở hiệu Kiên Trai (1754 – 1840), vốn có tướng mạo khôi ngô, từ nhỏ đã tỏ ra thông minh dĩnh ngộ, thông kinh bác sử, học đâu nhớ đấy, lại nức tiếng là người hiếu đễ nhân nghĩa.
Năm 24 tuổi (1777), đỗ Hương cống, năm 34 tuổi ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), đứng thứ 2 khoa thi Đinh Mùi, niên hiệu Chiêu Thống 1 (1787) đời vua Lê Mẫn Đế. Đây là khoa thi Hội cuối cùng của nhà Lê, lấy tổng số 14 người đỗ, trong đó có 3 Tiến sĩ xuất thân và 11 đồng Tiến sĩ xuất thân).
Nguyễn Đăng Sở làm quan thời vua Lê Chiêu Thống đến chức Hàn lâm viện hiệu lý, tước Hương Lĩnh bá. Khi nhà Lê suy vi, loạn lạc ông về quê dạy học. Đương thời Hải Hòa Nguyễn Đăng Sở là người đạo cao đức trọng, am tường Tam giáo, thông tỏ Phật - Nho, văn hay chữ tốt, người người nể trọng.
Khi vua Quang Trung cầu hiền, Nguyễn Đăng Sở ra làm quan cho triều Tây Sơn, được phong chức Lại bộ Tả thị lang, tước Gia Định hầu. Năm Canh Thìn, niên hiệu Minh Mệnh nguyên niên (1820) ông được bổ chức Tư nghiệp Quốc tử giám Huế.
Năm Minh Mệnh 8 (1827) ông về trí sĩ và tiếp tục mở trường dạy học, học trò các nơi về theo học rất đông.
Thiền tăng Hải Hòa viên tịch năm 1840 (Canh Tý) thọ 87 tuổi.
Thiền tăng Nguyễn Đăng Sở là người nhân nghĩa, uyên bác, nên được rất nhiều nơi tín cẩn nhờ viết bi, minh lưu lại hậu thế, tiêu biểu như: bia “Sùng tu bi ký” khắc năm 1828 tại chùa Bảo Phúc (thôn Đổng Lâm, xã Quỳnh Phú), bia “Sùng đức bi ký” khắc năm 1832 tại nhà thờ họ Nguyễn Đăng, minh văn “Cổ Am tự chung” khắc năm 1826 trên chuông chùa Linh Ứng, thôn Du Tràng, xã Giang Sơn, bia “Từ chỉ bi ký” khắc năm 1825 mới phát hiện tại đình làng Lam Cầu xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh hiện còn lưu giữ 11 tấm bia đá cổ thời Lê - Nguyễn, trong đó giá trị nhất là tấm bia “Từ chỉ bi ký” khắc năm Minh Mệnh 6 (1825) nội dung văn bia do Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở người xã Hương Triện, huyện Gia Định (nay là thôn Hương Triện, xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) đăng khoa năm 1787 soạn.
Thông báo Hán Nôm học 2008 có bài viết “Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở và việc in kinh Phật” của Thích Thiện Minh cho biết: “Thời nhà Lê, Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở được bổ giữ chức Hiệu lí học sĩ ở Viện Hàn lâm, tước Hương Lĩnh bá. Khi quân Tây Sơn kéo ra Bắc lật đổ chính quyền họ Trịnh, đánh tan quân Thanh xâm lược, Nguyễn Đăng Sở liền theo giúp vua Quang Trung, được triều đình bổ nhiệm làm Tả Thị lang bộ Lại và đóng góp sức lực rất nhiều cho vương triều mới. Đến khi nhà Tây Sơn mất, ông liền lui về quê ở ẩn, thường đi ngao du khắp nơi, đặc biệt thích đến các chùa ở Chí Linh, Thanh Hà, Thanh Lâm thuộc Hải Dương. Khi ở Hải Dương ông từng mở trường dạy chữ Hán, sĩ tử trong vùng đến theo học rất đông”.
Năm 1969, trong bản dịch “Bắc hành tùng ký”, giáo sư Hoàng Xuân Hãn viết: “Nguyễn Đăng Sở người làng Hương Triện, huyện Gia Định, xứ Kinh Bắc, sinh năm 1754, đậu Hoàng giáp khoa cuối đời Lê (Chiêu Thống năm đầu 1787) và làm Phó sứ trong sứ bộ cuối cùng đi Thanh của Tây Sơn (1802) (Đại Nam thực lục)”.
Cuối thế kỷ XVIII – một thế kỷ đầy biến động của dân tộc Việt Nam nói chung, Phật giáo Việt Nam nói riêng đang đứng trước những nguy cơ sống còn với nhiều lực tác động trái chiều về mọi mặt. Chính lúc cần thiết ấy, xuất hiện quyển luận Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh (竹林宗旨元聲). Quyển luận này ra đời năm 1796 tại Thiền viện Trúc Lâm, phường Bích Câu, Hà Nội.
Tác phẩm chính là sự kết tinh tinh hoa đạo lực, trí tuệ của các Thiền sư, Hòa Thượng, tăng sĩ vốn được xếp vào hàng danh sĩ tiếng tăm bậc nhất trong thời đại đó.
Kết cấu và các tác giả của tác phẩm thì Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh là một quyển luận có cấu trúc thuộc loại xưa nay hiếm, bởi ngoài phần Trúc Lâm đại chân viên giác thanh tự (bài tựa của Trúc Lâm Đại chân viên giác thanh) do Bảo Chân đạo nhân Phan Huy Ích viết, thì nội dung gồm các phần: Thanh dẫn, Chính văn, Thanh chú 1, Thanh chú 2 và Thanh tiểu khấu.
Thanh dẫn là phần dẫn dắt giới thiệu chung cho mỗi thanh do Hải Huyền tăng viết. Chính văn là phần cốt lõi của tác phẩm gồm 24 thanh (24 chương), có tên Đại chân viên giác thanh, do Hải Lượng thiền sư giảng các đệ tử ghi lại. Thanh chú là phần chú thích, giảng giải, phân tích nội dung các thanh, các chương do Hải Âu hòa thượng viết thanh chú 1 và thiền tăng Hải Hòa Nguyễn Đăng Sở viết thanh chú 2.
Thanh tiểu khấu là phần tóm tắt ngắn gọn nội dung chính của các thanh, các chương do Hải Điền tăng viết. Phần sau tác phẩm còn có Nhị thập tứ thanh phối khí ứng sơn chi đồ (Biểu đồ 24 thanh phối với các tiết trong năm). Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh tông (Đầu mối, điều kiện làm nên Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh.
Khi Nguyễn Ánh lên ngôi lập ra nhà Nguyễn năm 1802, thiền tăng Hải Hòa Nguyễn Đăng Sở có đóng góp tích cực trong việc giúp triều đình định danh tên nước là Việt Nam như hiện nay. Sách Đại Nam thực lục không nói rõ quá trình bàn bạc mà chỉ nói kết quả nhà Thanh chấp nhận quốc hiệu Việt Nam.
Ông tham gia viết lời tựa cho nhiều cuốn kinh Phật in mới thời đó và soạn văn bia cho nhiều ngôi chùa trong vùng, như lời Tựa cho kinh “Long Thư Tịnh Độ”
Thiền tăng Hải Hòa Nguyễn Đăng Sở là người viết phần thanh chú 2 trong sách Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh.
Năm 1827 Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở nghỉ trí sĩ (74 tuổi), nhưng vẫn mở trường Gia Hương ở quê dạy học. Ông mất vào giờ Tuất ngày Rằm tháng Năm năm Canh Tý, niên hiệu Minh Mệnh thứ 21 (1840) tại quê nhà, thọ 87 tuổi.
Một số hình ảnh của Long Thư Tịnh Độ Văn. Ảnh: tulienphatgiao.vn
2. Bài tựa sách Long Thư Tịnh Độ Văn của Hải Hòa Nguyễn Đăng Sở
Người không có đức tin sẽ chẳng thể biết mình có thể làm gì. Ta chẳng tin ta vậy ta làm sao tin được người khác. Khi gặp các sự việc hàng ngày hay nhớ lại các sự việc đã qua đối với người không có lòng tin thì họ thường hay thở ngắn than dài và điều này chẳng phải là đáng tiếc sao. Đến ngay như lý luận của Tịnh Độ liệu cũng không đáng tin sao? Pháp môn Tịnh Độ là thế nào? Đó chính là thế giới Tây Phương cực lạc mà thôi.
Ta là người vốn sinh ra ở đất Nam Thiệm, kể từ khi cất tiếng khóc chào đời lúc mẹ sinh ra, lớn lên đã biết những nỗi khổ của đời người. Đã mang cái hình người trong trần thế tất cũng có lúc mất đi, thân hình hủy hoại và đó là điều cực khổ nhất.
Suốt ngày suốt đêm lo việc kinh doanh may mắn lắm mới được cơm no áo ấm, thế gian chưa có ai sống quá trăm tuổi ấy vậy mà ai cũng có nỗi khổ nhân sinh. Nếu sống như vậy thì họ còn biết gì đến sự thú vị của cõi cực lạc.
Cũng có người ra đời đắc cảnh vinh hoa phú quý, mệnh quý lên ngôi vương hầu khanh tướng có công lao ngang trời dọc đất mà tâm chưa được lúc nào an nhàn. Đói rét đạo tặc chắc hẳn chưa thể bớt lo, biến dị loạn vong thường ghi mãi trong tâm khảm. Kẻ nghề võ ngã xuống chốn sa trường dưới hòn tren mũi đạn, kẻ nghề văn với thư án bút mực lại bị trói buộc vào vinh nhục giống như cá mắc câu.
Ai cố bước chân theo lối mòn ngựa xe đó thì có vinh hoa nào đáng để hâm mộ đâu. Cũng có người mang lẽ sống thanh cao gửi thân phận vào chốn lâm tuyền trở thành gót hạc thần tiên nhưng bị trở ngại về hình hài vẫn bị lạc hồn thất phách. Lâu dần cõi người cũng giống như cỏ cây. Chút lợi thân khó bỏ hẳn sẽ nhuốm hồng trần trong sự phiền não. Huống hồ lại muốn "đốt hoa cỏ để thành bóng tùng bách , lấy thân sen để lợp thành mái" để làm gì? Hoặc chọn nơi non xanh nước biếc cư ngụ hoặc câu cá đốn củi nhàn tản qua ngày, với cách sống thanh cao như vậy cũng chưa hẳn thượng cách.
Duy nhất chỉ có cách xuất thế gian, chư Phật và Bồ tát hẳn đã dùng lời dạy chúng sinh và khuyến chúng sinh hành theo điều thiện. Lối hành xử theo pháp môn đó là dễ thực hiện đối với chúng sinh và từ từ tiếp dẫn họ đến thế giới cực lạc.
Con người ta vì cớ gì mà lại không tin, vì cớ gì mà họ không tu bản thân? Người con họ Vương đất Long Thư cũng là một truyền nhân theo nho học bất chợt lại thấy pháp môn Tịnh Độ để quy về. Ông đã nghiên cứu tận cùng giáo lý rồi biên tập thành sách để khuyên mọi người sống có niềm tin, khuyên mọi người phải biết tu dưỡng bản thân.
Từng chữ trong sách Long Thư Tịnh Độ đều xác thực và đều có chứng cớ cụ thể. Sách Long Thư Tịnh Độ được lưu truyền những năm Thiệu Hưng dưới triều nhà Tống và được tu bổ lại năm Diên Hựu triều Tống. Sau này sách còn được bổ xung năm Sùng Trinh dưới thời nhà Minh tương ứng với triều Lê - Nam Việt là những năm Chính Hòa để được lưu hành rộng rãi.
Trải qua năm tháng trong sách Long Thư Tịnh Độ bị nhòe chữ, các bản in mới rất hiếm nên các thiền sư trụ trì chùa Cao Xá đã đứng ra quyên góp thập phương rồi gắng sứ trùng tu lại, nhờ vậy bản sách mới được truyền khắp thập phương để rồi có mặt đến hôm nay.
Mùa đông năm Kỷ Tỵ khi tôi đi dạy ở chùa Cam Lộ đất Hải Dương vừa may tôi gặp một phật tử ở Vô Tư viện đi du lãm ghé lại thăm và cho xem toàn bộ cuốn Long Thư Tịnh Độ. Phật tử đó trông bên ngoài khoảng chừng 30 tuổi nhưng thực không ngờ ông đã ngoài 50. Ông có hình dáng tao nhã, cử chỉ ôn hòa và lời nói đầy sức thuyết phục. Thấy ông là người đắc đạo nên trong lúc đàm đạo cả tôi và ông đều không hẹn mà lên đồng quy về Tịnh Độ. Suốt cả tháng sau khi đọc kỹ càng hết cuốn Long Thư Tịnh Độ tôi chợt tỉnh ngộ hết thảy.
Phàm tự tính A Di Đà duy nhất tâm là Tịnh Độ. Có thể có vài người trong tâm tưởng nhìn thấy Phật A Di Đà nguyện sinh Tịnh Độ thì đó cũng là lương tâm thực tính của ta. Nếu muốn không bị mê muội thì ta khẩu niệm A Di Đà Phật để ta dần dần thấy tính, khi ta đã thấy tính thì thân tâm của ta đã ở trong mảnh đất Tịnh Độ rồi. Khi ấy tâm ta dần dần sáng hơn đến ngày tâm ra sáng tỏ thì ta mới hiểu ngày xưa biết bao bậc thượng sĩ, cao tăng tu tâm luyện tính đâu chỉ ai ai cũng muốn thành Phật và Bồ tát mà khi họ đắc được Tịnh Độ thấy Phật Như Lai thì họ sẽ thoát cảnh rơi vào luân hồi và trường sinh nơi thế giới Cực lạc. Đến lúc ấy họ đều thấu hiểu lời đức Phật đâu có sai để mọi người chúng ta không tin tưởng vào đó được.
Than ôi kiếp người phù du như bọt biển. Có người chợt gặp cảnh vinh hoa phú quý nhưng cảnh đó không được lâu bền thì họ cũng không nhận biết được. Tuy dẫu tình thân như cha con, luyến ái như vợ chồng tất cả đều cũng có lúc ly biệt. Nếu lúc sinh thời họ thường hay thập niệm, nhất tâm bất chuyển tất ngày nào đó họ sẽ vãng sinh nơi cõi Tịnh Độ kiến Phật đắc đạo, siêu độ hết thảy chúng sinh đồng thời cứu thoát hết thảy gia quyến. Nơi đoàn tụ của họ là ở trong Liên Hoa - Cửu Phẩm và đó lẽ nào không phải là cõi Cực Lạc. Mấy lời thành thực của tôi tất không thể không có sức khuyên nhủ gì sao?
Mùa Xuân năm Canh Ngọ, Phật tử Thượng Cán - tiến sĩ khoa Đinh Mùi, Nguyễn Đăng Sở kính ghi
Một số hình ảnh của Long Thư Tịnh Độ Văn. Ảnh: tulienphatgiao.vn
3. Tạm kết
Thiền tăng Hải Hòa Nguyễn Đăng Sở vốn xuất thân Nho học, làm quan tới tước Hầu, làu thông kinh sử, sau tham cứu Phật học thiền học đến chỗ sâu sắc thì quy hướng Phật giáo cùng với thiền sư Hải Lượng, Hải Âu, Hải Huyền, Hải Điền một lòng xiển dương Phật lý trùng hưng tông chỉ Trúc Lâm.
Với cách lý giải thiền tịnh song hành như: Phàm tự tính A Di Đà duy nhất tâm là Tịnh Độ. Có thể có vài người trong tâm tưởng nhìn thấy Phật A Di Đà nguyện sinh Tịnh Độ thì đó cũng là lương tâm thực tính của ta. Nếu muốn không bị mê muội thì ta khẩu niệm A Di Đà Phật để ta dần dần thấy tính, khi ta đã thấy tính thì thân tâm của ta đã ở trong mảnh đất Tịnh Độ rồi. Khi ấy tâm ta dần dần sáng hơn đến ngày tâm ra sáng tỏ thì ta mới hiểu ngày xưa biết bao bậc thượng sĩ, cao tăng tu tâm luyện tính đâu chỉ ai ai cũng muốn thành Phật và Bồ tát mà khi họ đắc được Tịnh Độ thấy Phật Như Lai thì họ sẽ thoát cảnh rơi vào luân hồi và vãng sinh nơi thế giới Cực lạc.
Có thể nói qua bài tựa Long Thư Tịnh Độ Văn chúng ta thấy rõ sự am hiểu Phật học thiền học sâu sắc và tinh thần thiền tịnh song tu của thiền tăng Hải Hòa.
Nghiên cứu tư tưởng hành trạng và những đóng góp cho Phật giáo giai đoạn cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX của thiền tăng Hải Hòa Nguyễn Đăng Sở một cách toàn diện là điều cần thiết, góp phần làm sáng tỏ bức tranh Phật giáo Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
1.Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Nhậm tác phẩm, tập 3, NXB Văn học – Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, HN, 2001.
2.Kinh Lăng Nghiêm, Thích Thiện Hoa dịch và chú, Thành hội Phật giáo Thành phố HCM, xuất bản, 1990.
3.Khổng Tử san định, Kinh Thi, thiên Đại Nhã, quyển 2, NXB Văn học, HN, 2007,
4.Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Nhậm tác phẩm, tập 1, NXB Văn học – Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, HN, 2001
5.Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Nhậm tác phẩm, tập 2, NXB Văn học – Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, HN, 2001, trang 146,
6.Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Nhậm tác phẩm, tập 3, NXB Văn học – Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, HN, 2001
7.Kinh kim cương hôi giải, Hội Phật tử Việt Nam xuất bản, Sài Gòn, 1953, trang 97.
8.Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập 1, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, NXB KHXH, HN, 2003
9.Viện Văn học, Thơ văn Lý – Trần, tập 1, NXB KHXH, HN, 1977.
10.Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập 2, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, NXB KHXH, HN, 2003
11.Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập 3, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, NXB KHXH, HN, 2003
12.Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập 5, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, NXB KHXH, HN 2003
13.TS Thích Hạnh Tuệ (2017), Nghiên cứu về Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh. Nxb KHXH
14.TS Thích Hạnh Tuệ (2018), Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh trong văn học Phật giáo Việt Nam. Nxb KHXH