Thiêng liêng Lăng Bác

Thiêng liêng Lăng Bác
5 giờ trướcBài gốc
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình văn hóa đặc biệt, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, thể theo nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, ngày 29/11/1969, Bộ Chính trị quyết định: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người”. Năm 1970, sau khi Bộ Chính trị quyết định xây dựng lăng Bác để giữ gìn thi hài Người trường tồn cùng dân tộc Việt Nam, nước bạn Liên Xô đảm nhiệm về trang thiết bị, vật liệu, kể cả đá ốp trong lăng, nếu loại đá quý nào bạn không có, bạn sẽ mua của Italia cung cấp cho ta. Riêng 2 lá cờ nơi đặt thi hài Bác, vì ý nghĩa chính trị, tình cảm cũng như ý thức dân tộc, Bộ Chính trị quyết định Việt Nam phải tự làm, bằng các loại đá quý của nước ta. Một số chuyên gia và thợ nghề tâm huyết như các ông Trần Phúc Ứng, Nguyễn Văn Canh, Phạm Tùng, Nguyễn Trung, Tống Minh Hoạt, Bùi Đức Thành, Nguyễn Ngọc Luận... thực hiện nhiệm vụ này.
Về việc tìm đá quý, Cục Bản đồ Việt Nam, do đồng chí Trần Đức Lương, Cục phó (sau này, đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước) cùng nhóm công tác đi khảo sát, tìm kiếm những nơi có đá quý thích hợp với công trình. Nhóm tìm đá được cấp hẳn 1 xe commăngca Rumani (tài sản hiếm thời kỳ đó), tới nhiều vùng quê, căn cứ vào bản đồ địa chất và những thông tin được các đoàn địa chất, đặc biệt là các địa phương có các loại đá cần tìm. Sau những khó khăn gian khổ, cuối cùng đã tìm kiếm được mẫu đá đỏ, đá vàng vừa rất đẹp, vừa đảm bảo tính chất cơ lý và nhất là tính an toàn về phóng xạ. 2 lá cờ mẫu bằng đá quý (kích thước thu nhỏ) được làm thử và được Bộ Chính trị, trực tiếp là đồng chí Trường Chinh duyệt theo nhiều bước, rồi gửi đi Liên Xô, kiểm tra. Cuối cùng, đích thân đồng chí Trường Chinh ký duyệt trên mẫu lưu để bắt tay vào sản xuất. Tuy nhiên, đúng thời điểm đó, đoàn địa chất đang thăm dò tại khu vực Thanh Hóa, gửi về một mẫu đá đỏ rất đẹp, hơn hẳn mẫu đá đỏ trước đó cả về màu sắc và độ đồng nhất. Các nghệ nhân nhanh chóng tập trung nghiên cứu đồng thời cử người vào tận Bá Thước, xã Điền Lư, tìm cho đủ số lượng đá theo mẫu đá trên để chế tạo thử mẫu cờ, trình lên Bộ Chính trị và được phê duyệt ngay. Đây là loại đá thạch anh tái kết tinh, khi thạch anh được núi lửa làm nóng chảy, gặp nơi có ôxy sắt với tỉ lệ thích hợp, sẽ phối trộn. Khoáng vật tái kết tinh có màu đỏ giống màu đỏ Quốc kỳ và Đảng kỳ của ta.
Để có đủ lượng đá cho hai lá cờ, ngày đó Huyện ủy và UBND huyện Bá Thước đã tuyển chọn hàng ngàn đoàn viên thanh niên ưu tú và dân quân, bộ đội đi tìm kiếm, nhặt từng viên đá, tổng cộng được gần 20 m3 đá nguyên liệu. Thời đó, công đoạn xẻ những viên đá đó ra từng lát mỏng cỡ 6 - 7mm rất khó khăn. Đồng chí Đỗ Mười (lúc đó là Phó thủ tướng, Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước xây dựng lăng Bác) đề nghị Nhà máy Sông Chu (Thanh Hóa) chế tạo cấp tốc mấy chục máy cưa sắt, để xẻ ra những lát đá dày khoảng 5 - 6 mm. Những lát đá mài phẳng, đánh bóng rồi dùng máy cắt mẫu khoáng vật rất chính xác của Viện Khoa học Việt Nam (thời điểm đó cả nước chỉ có 2 máy) cắt thành từng miếng hình chữ nhật bằng bàn tay, để khi ghép lại, đứng xa không nhìn thấy vết ghép. Gần một vạn miếng đá đỏ sơ chế, chỉ chọn được 4.000 miếng để ghép thành 2 lá cờ trong lăng Bác.
Ngoài ra còn nhiều đá quý của các địa phương đóng góp trong công trình lăng Bác, như: đá nền Non Nước của Đà Nẵng dán đá đỏ, đá vàng lên trên; đá ốp lan can lối đi lăng Bác là đá xanh La Giang, Đồng Bẩm (Thái Nguyên); đá ốp cột là đá núi Bền, Vĩnh Lộc (Thanh Hóa). Cao Bằng vinh dự có đá Ngọc Bích ghép hàng chữ “Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh” trên đỉnh lăng. Riêng đá vàng để làm ngôi sao trên cờ Tổ quốc và biểu tượng búa liềm trên cờ Đảng là đá Cẩm Vân, Cẩm Thủy (Thanh Hóa); đầu búa trên cờ Đảng là viên mã não do Trưởng phái đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Nguyễn Văn Hiếu trực tiếp giao cho ông Trần Phúc Ứng cất giữ trong két sắt, thể hiện được tấm lòng của nhân dân miền Nam ruột thịt đối với Bác.
Cả nước hướng về công trường xây dựng Lăng Bác, đóng góp sức người, sức của để xây dựng Lăng Bác như một tiếng gọi thiêng liêng của mỗi người dân, mỗi địa phương trong cả nước. Nhà máy xi măng Hải Phòng sản xuất hàng vạn tấn xi măng có chất lượng tốt nhất để gửi về xây dựng Lăng Bác. Cảng Hải Phòng bề bộn công việc bốc xếp hàng trong nước và quốc tế, nhưng kiện hàng nào phục vụ cho công trình Lăng Bác đều được ưu tiên vận chuyển trước. Ngành đường sắt đã dành những đầu tàu, toa tàu tốt nhất để vận chuyển vật tư xây dựng Lăng Bác. Cảm động nhất là đồng bào, chiến sĩ miền Nam đang ngày đêm đối mặt với cuộc chiến tranh ác liệt, đã vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ, vận chuyển gỗ quý từ Tây Nguyên, từ cực Nam của Tổ quốc gửi ra Thủ đô Hà Nội để đóng góp công sức xây dựng Lăng của Người.
Sau 2 năm khẩn trương, liên tục, với khí thế thi đua chia lửa với miền Nam anh hùng, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên các lực lượng xây dựng Lăng Bác đã không quản ngày đêm hoàn thành tốt các hạng mục công việc. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, công việc xây dựng Lăng cũng bước vào giai đoạn cuối cùng. Ngày 29/8/1975, chỉ sau hơn 3 tháng miền Nam giải phóng, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành trọng thể, Bác đã về ngôi nhà vĩnh cửu của mình để cùng chung vui với con cháu trong lễ mừng chiến thắng của toàn dân tộc diễn ra tại Quảng trường Ba Đình lịch sử vào ngày Quốc khánh 2/9/1975.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình kiến trúc có ý nghĩa chính trị và tư tưởng to lớn, thể hiện tình cảm sâu sắc của nhân dân cả nước đối với Bác Hồ kính yêu. Công trình này ghi công lao và sự nghiệp của Bác, góp phần xứng đáng động viên, nhắc nhở người dân Việt Nam tăng cường đoàn kết, ra sức phấn đấu làm tròn nhiệm vụ cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, là niềm tự hào và vinh dự của dân tộc Việt Nam.
Lăng Bác trở thành biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của nhân dân cả nước, một không gian thiêng liêng của dân tộc và là điểm đến hấp dẫn của bạn bè quốc tế. Về lăng viếng Bác, đối với mỗi người dân Việt Nam là một nhu cầu tình cảm, một phong tục tập quán, một sinh hoạt truyền thống, nhớ ơn cội nguồn, hướng về gốc rễ trước mỗi bước đi lên. Từ cụ già đến các cháu thiếu nhi; từ người dân bình thường đến cán bộ, công chức nhà nước, tuy mỗi người có một vị trí công tác khác nhau nhưng khi về bên Bác đều thấy cảm nhận được sự thanh thản, bình yên. Đó chính là sự thành kính, lòng biết ơn vô hạn đối với Bác, nguyện trung thành, mãi mãi đi theo con đường mà Bác đã lựa chọn.
Bên cạnh đó, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cho các thế hệ người Việt Nam. Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, là biểu tượng tập trung nhất của ý chí chiến đấu quật cường vì độc lập dân tộc - “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, càng có tác dụng to lớn trong việc nâng cao ý thức chính trị, học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân cho cốt cách dân tộc, là tấm gương hi sinh quên mình, cả cuộc đời vì dân, vì nước; tư tưởng đạo đức tác phong của Người luôn cổ vũ động viên các thế hệ người Việt Nam vững bước đi theo con đường mà Người đã lựa chọn. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi trường tồn cùng với dân tộc và là nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của nhân dân Việt Nam và bầu bạn quốc tế. Là một địa chỉ thiêng liêng, với những giá trị lịch sử, chính trị, văn hóa để giáo dục, hun đúc truyền thống cách mạng cho mọi thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.
H.C
Nguồn Cao Bằng : https://baocaobang.vn/thieng-lieng-lang-bac-3174793.html