Thiết kế không gian công cộng hòa nhập dành cho người khuyết tật

Thiết kế không gian công cộng hòa nhập dành cho người khuyết tật
12 giờ trướcBài gốc
Bà Chu Kim Đức và ông Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, đồng sáng lập Think Playgrounds chia sẻ những nội dung chính trong cuốn sách.
Phát triển các sân chơi hòa nhập cộng đồng
Tại Tọa đàm, bà Chu Kim Đức và ông Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, đồng sáng lập Think Playgrounds đã chia sẻ những nội dung chính trong cuốn sách cẩm nang “Tính hòa nhập và tiếp cận trong không gian công cộng đô thị”.
Cuốn cẩm nang chính là thành quả, kiến thức và kinh nghiệm mà Think Playgrounds có được trong việc thiết kế sân chơi và không gian công cộng hòa nhập tại Việt Nam. Điểm làm nên sự độc đáo chính là việc huy động cộng đồng địa phương tham gia, bao gồm cơ quan chính quyền địa phương, chuyên gia, nhóm khuyết tật.
Đồng thời, những hướng dẫn này sẽ hỗ trợ các nhà quy hoạch, kiến trúc sư, chính quyền địa phương và các cá nhân quan tâm hiểu được những thách thức trong việc thiết kế sân chơi và tính tiếp cận trong không gian công cộng cho người khuyết tật.
Theo bà Chu Kim Đức, một không gian công cộng thành công chính là một không gian năng động, an toàn và thú vị; đa dạng các hoạt động; đáp ứng các nhu cầu và sở thích của những nhóm người đa dạng; giúp những người sống và làm việc xung quanh tiếp cận và sử dụng thường xuyên; đem lại cảm giác thoải mái cho người dùng.
Quang cảnh Tọa đàm.
Hiện sân chơi hòa nhập và tích hợp đang được thiết kế nhằm tạo ra khả năng chơi phù hợp hơn cho trẻ em và khuyến khích trẻ em vui chơi nhiều hơn. Đặc điểm của sân chơi hòa nhập chính là tất cả trẻ em em đều được tham gia chơi mà không có sự phân biệt.
Các tổ chức làm việc với người khuyết tật có thể sử dụng sân chơi hòa nhập làm điểm đến cho các chuyến tham quan. Sự tiếp xúc cần thiết giữa trẻ em không khuyết tật và trẻ em khuyết tật sẽ được khuyến khích khi trẻ em khuyết tật sử dụng sân chơi thường xuyên.
Từ đó, Think Playgrounds đã có những khuyến nghị cho sân chơi hòa nhập và thiết kế không gian hòa nhập. Thiết kế phải lấy con người là trung tâm, đòi hỏi các bên cùng tham gia, chính là trẻ em, cha mẹ của trẻ em, thành viên của Hội người khuyết tật.
Bên cạnh đó, Think Playgrounds lưu ý 7 nguyên tắc về thiết kế hòa nhập gồm: Sử dụng bình đẳng; có thể sử dụng linh hoạt; sử dụng đơn giản và trực quan; thông tin dễ nhận biết; an toàn; ít gây tốn sức; kích thước và không gian để tiếp cận và sử dụng. Về tiêu chuẩn an toàn, đơn vị thực hiện phải lập kế hoạch, thiết kế và xây dựng sân chơi dựa trên sự hiểu biết và thấu cảm.
Bà Chu Kim Đức cũng đã chỉ rõ lộ trình phát triển sân chơi hòa nhập, trong đó đi từ việc đánh giá ngân sách và lập bản đồ các bên tham gia trong cộng đồng; huy động cộng đồng và tổ chức tham vấn; phát triển thiết kế; chuẩn bị xây dựng; khai trương sân chơi; giám sát và bảo trì sân chơi.
Tạo cơ hội để người khuyết tật tự tin hơn trong không gian công cộng
Làm rõ các ví dụ về sân chơi của Think Playgrounds, ông Nguyễn Tiêu Quốc Đạt đã chia sẻ thêm về sân chơi Thánh Gióng tại quận Đống Đa, Hà Nội. Sân chơi hòa nhập Thánh Gióng góp phần thúc đẩy xây dựng các thành phố thân thiện hơn cho trẻ em khuyết tật; đóng vai trò quan trọng mang lại hiệu quả tích cực cho sự phát triển của trẻ em khuyết tật nói riêng và của trẻ em nói chung.
Người khuyết tật vui chơi trong khuôn viên Công viên rừng Phúc Tân. (Ảnh: Think Playgrounds)
Sân chơi có nhiều cấu trúc vui chơi đa dạng, được thiết kế phù hợp với trẻ em có nhu cầu thể chất, tâm lý và giác quan khác nhau, đặc biệt chú trọng đến trẻ em khuyết tật và người chăm sóc các em trong hoạt động chơi. Sân chơi cũng được bổ sung đường dốc cho xe lăn, xích đu và cầu trượt an toàn hơn; các tay vịn cho các vị trí khó leo, chuông gió và màu sắc; bàn ghế tiếp cận được xe lăn và các không gian tĩnh để trẻ khuyết tật nghỉ ngơi; tủ sách…
Hầu hết cấu trúc chơi đã được bổ sung và điều chỉnh so với thiết kế ban đầu nhằm tạo dựng không gian chơi khuyến khích sự tương tác giữa trẻ em; đảm bảo sự hài hòa về thẩm mỹ và kiến trúc với chủ đề truyền thuyết Thánh Gióng.
Với Công viên rừng Phúc Tân, công viên được thiết kế và hoàn thiện bởi Think Playgrounds đầu năm 2024 với sự tham vấn của cộng đồng và chính quyền dịa phương. Đây là mô hình không gian công cộng hòa nhập dành cho người khuyết tật ở Phúc Tân với không gian đa dạng các hoạt động vui chơi, hoạt động thể dục.
Hay với Vườn giác quan tại Công viên rừng Chương Dương, có hơn 100 loại cây bản địa được trồng với mục đích kích thích sự phát triển của 5 giác quan. Gần 200 tình nguyện viên đã chung tay xây dựng khu vườn vào đầu năm 2022. Think Playgrounds đã tiếp tục làm việc với cộng đồng và đối tác để xây dựng và duy trì Vườn trở thành không gian giáo dục, trải nghiệm, trị liệu đặc biệt dành cho trẻ em…
Sân chơi Thánh Gióng thu hút nhiều trẻ em tới vui chơi. (Ảnh: Think Playgrounds)
Về việc hòa nhập trong không gian cộng cộng, bà Vũ Thị Lan Hương, Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Đống Đa cho biết: Nhiều người khuyết tật vẫn còn tự ti, mặc cảm khi đến những không gian công cộng. Rào cản lớn nhất chính là việc tiếp cận không gian, cuộc sống hàng ngày của người khuyết tật. Những khiếm khuyết cơ thể chính là điều ngăn cản người khuyết tật đến với môi trường công cộng, hòa nhập với mọi người, tương tác, vui chơi, giải trí.
Sân chơi Thánh Gióng được xây dựng chính là cơ hội để người khuyết tật quận Đống Đa tới vui chơi, là nơi để trẻ em khuyết tật tự tin hơn, tiếp cận được với không gian, giao lưu với cộng đồng.
Ông Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội nhận định, Hà Nội đang phát triển nhanh và mạnh, cần phải quan tâm đến con người nhiều hơn, nhất là người khuyết tật. Người khuyết tật phải được tiếp cận công bằng hơn bằng nhiều cách khác nhau.
“Chính quyền quận Hoàn Kiếm, quận Đống Đa… luôn sẵn sàng lan tỏa những không gian công cộng dành cho tất cả mọi người; sẽ có trao đổi với các Hội người khuyết tật về phát triển không gian công cộng. Bên cạnh đó, cần có tác động về chính sách từ phía Bộ Xây dựng, chính quyền địa phương. Việc truyền tải chính sách phải có sự phối hợp; tăng cường công tác truyền thông về các nội dung liên quan đến người khuyết tật”, ông Trần Huy Ánh nhấn mạnh.
Tại Tọa đàm, các đại biểu cũng đã đóng góp nhiều ý kiến về việc trao đổi tính hòa nhập cho tất cả các đối tượng, đặc biệt là người khuyết tật; mong muốn thúc đẩy tiêu chí về tiếp cận công trình cho người khuyết tật, tính hòa nhập của công trình công cộng trong phát triển đô thị thông minh; có thể tham gia không chỉ trong không gian công cộng mà còn tham gia trong việc phát triển nhà vệ sinh cho người khuyết tật, lối đi, chỗ ngồi cho người khuyết tật tại các không gian vui chơi, cộng đồng…
Mô hình sân chơi thủy trị liệu phù hợp cho cả trẻ em và trẻ em khuyết tật trí tuệ. (Ảnh: Think Playgrounds)
Think Playgrounds luôn nghĩ về lâu dài trong việc cải tạo không gian công cộng cho các đối tượng; đưa con người vào trung tâm của thiết kế. Theo ông Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, các công viên luôn được cải tạo cho người bình thường và cả người khuyết tật cùng chơi.
Tuy nhiên, để thiết kế sân chơi hòa nhập thì cần phải nguồn lực, tiêu chuẩn cao hơn, giải pháp kỹ thuật còn khó. Hiện Việt Nam chưa có năng lực sản xuất các sản phẩm, thiết bị để làm các thiết kế cho người khuyết tật. Think Playgrounds có thể tự nghiên cứu, tự thực hiện nhưng cần có sự phối hợp giữa người bình thường và người khuyết tật để có những giải pháp hiệu quả nhất.
Yến Mai
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.com.vn/thiet-ke-khong-gian-cong-cong-hoa-nhap-danh-cho-nguoi-khuyet-tat-388384.html