Thiết kế tên lửa Sidewinder của Mỹ đã rơi vào tay Liên Xô ra sao?

Thiết kế tên lửa Sidewinder của Mỹ đã rơi vào tay Liên Xô ra sao?
3 giờ trướcBài gốc
Ngày 24/9/1958 diễn ra một cuộc không chiến giữa không quân Trung Quốc và không quân Đài Loan. 12 tiêm kích F-86F Sabre do Mỹ chế tạo nhận được lệnh xuất kích để đối đầu với 12 tiêm kích MiG-17 của Trung Quốc đang tiến gần không phận Đài Loan (Trung Quốc). MiG-17 bay cao và nhanh hơn những chiếc Sabre cũ kỹ và phi công cả đôi bên đều hiểu điều này.
Sidewinder thế hệ mới nhất, AIM-9X.
“Con rắn” Sidewinder
Tiêm kích MiG-17 của Trung Quốc bay vút qua, vọt lên cao ngoài tầm pháo của tiêm kích Đài Loan. Tuy nhiên, điều kỳ lạ xuất hiện khi các phi công MiG quan sát thấy những luồng khói của thứ mà họ nghĩ là rocket được phóng đi từ cánh tiêm kích Sabre, tự hỏi tại sao các phi công Đài Loan lại dùng thứ vũ khí có độ chính xác thấp tấn công họ? Nhưng những quả “rocket” kia không bay thẳng như thường lệ mà xoay vòng kiểu xoáy trôn ốc và như thể được một bàn tay vô hình nào đó điều khiển, cứ bám đuổi máy bay của họ dù cho MiG cố gắng cơ động tránh né.
Chỉ trong vài chục giây, 6 tiêm kích MiG bị bắn hạ, lao xuống biển. Những chiếc MiG còn lại nhanh chóng quay về hướng Đại lục, một trong số đó còn mang nguyên một thứ mà sau này người Trung Quốc mới biết là Sidewinder, một trong những tên lửa không đối không dẫn đường bằng hồng ngoại đầu tiên trên thế giới. Viên phi công Trung Quốc đã rất may mắn bởi quả tên lửa găm vào thân máy bay nhưng không phát nổ.
Trước đó, ở thời điểm năm 1945, một nhóm kỹ sư thuộc Hải quân Mỹ ở Inyokern, California nghiên cứu một công nghệ mới ít người biết đến: cầu chì cận đích chì-sulfide. Tính chất của cầu chì này là rất nhạy cảm với nhiệt, nên nhà vật lý William B. McLean đã nhìn ra tiềm năng ứng dụng chúng cho một loại hệ thống dẫn đường tên lửa. 9 năm tiếp theo, nhóm của ông bí mật và ráo riết nghiên cứu phát triển một dự án tên lửa mới cho quân đội Mỹ.
Năm 1950, Mỹ nhảy vào cuộc chiến Triều Tiên. Không quân Hải quân Mỹ được triển khai nhằm đối đầu với lực lượng CHDCND Triều Tiên nhưng nhanh chóng nhận thấy rằng tiêm kích MiG-15 do Liên Xô sản xuất vượt trội tiêm kích F9F Panther của họ. MiG tỏ ra có ưu thế hơn Panther ở hầu hết mọi chỉ số hiệu suất, bao gồm tốc độ và khả năng cơ động. Chỉ có kinh nghiệm của các phi công Hải quân Mỹ, nhiều người trong số họ là cựu chiến binh của Thế chiến II, mới có thể giúp phía Mỹ tránh được những tổn thất nghiêm trọng, theo bài của Eurasian Times.
Trước thực tế này, Hải quân Mỹ phải tìm kiếm thứ gì đó có thể giúp họ giành ưu thế nếu Chiến tranh Lạnh với Liên Xô trở nên nóng bỏng. Một giải pháp họ nghĩ tới, là thứ mà người Đức đã phát minh ra trong Thế chiến II: tên lửa không đối không, loại vũ khí mà tiêm kích sử dụng để tấn công tiêm kích đối phương. Mỹ đã có trong tay các loại rocket, nhưng vũ khí này thường không được trang bị hệ thống dẫn đường tự động. Sau khi được phóng, chúng bay theo đường đạn đã được định trước dựa trên quỹ đạo và tốc độ phóng. Điều này khiến rocket không thể thay đổi hướng bay sau khi phóng.
Giữa những năm 1950, nhóm của McLean đã tìm ra một giải pháp. Nhóm đặt một gương parabol quay, được gọi là gương phản xạ Cassegrain phía sau một mái vòm thủy tinh trong suốt ở mũi của một quả rocket. Quay với tốc độ 4.200 vòng/ phút, gương quay phản chiếu lên gương thứ hai, liên tục chiếu góc nhìn 25 độ của khu vực phía trước máy dò chì-sulfide. Khoảng cách của một vật nóng từ trục quay đã dẫn đường cho tên lửa theo đúng góc và đủ các hiệu chỉnh khiến tên lửa ở góc bằng 0 độ so với trục quay - hướng thẳng đến nguồn hồng ngoại, là bất kỳ vật thể hoặc thiết bị nào phát ra bức xạ hồng ngoại, một dạng năng lượng điện từ không thể nhìn thấy bằng mắt thường nhưng có thể được cảm nhận như nhiệt. Nói một cách đơn giản là nguồn phát nhiệt.
Tiêm kích F-22 của Không quân Mỹ phóng tên lửa AIM-9X.
McLean đặt tên cho loại tên lửa có tính đột phá này là Sidewinder theo tên một loài rắn độc được tìm thấy ở sa mạc Mojave, California. Và cái tên này khá phù hợp: giống như tên lửa, rắn Sidewinder phát hiện mục tiêu bằng cách sử dụng bức xạ nhiệt hồng ngoại. Và theo truyền thuyết, cái tên này cũng ám chỉ những dấu vết đặc trưng của rắn Sidewinder để lại trên cát sa mạc, tương tự như chuyển động xoắn ốc của tên lửa khi bay. Sau này được định danh là AIM-9B, tên lửa có tầm bắn 4,8 km, vượt xa các loại pháo hàng không hiện có. Tên lửa có đầu đạn phân mảnh nặng 4,5 kg với bán kính nổ hiệu quả 10m.
Năm 1956, Sidewinder được triển khai bí mật trên tiêm kích tàu sân bay và một năm sau đó Hải quân Mỹ tiết lộ sự tồn tại của vũ khí này. "Giống như trên sàn đấu quyền Anh mà bạn có sải tay lớn hơn đối thủ 2m", Trung tá Hải quân Mỹ C.A. Tierney nói đầy khoái chí vào thời điểm đó. Các tên lửa AIM-9B đã mang lại cho tiêm kích của Hải quân Mỹ một lợi thế lớn.
Năm 1958, Mỹ cung cấp cho Đài Loan (Trung Quốc) một số tiêm kích F-86 Sabre. Lúc đó, Liên Xô viện trợ MiG-15 cho Trung Quốc. Liên Xô cũng cung cấp một phiên bản cải tiến của dòng tiêm kích MiG-17F, có khả năng vượt trội so với tiêm kích Saber. Nếu máy bay Trung Quốc chiến đấu với máy bay Mỹ, đó sẽ là một cuộc chiến không cân sức.
"Tiêm kích của không quân Trung Quốc nhanh hơn, bay cao hơn và tình hình vô cùng khó khăn đối với các phi công Đài Loan", Joe Coles, một blogger hàng không và là tác giả nhiều đầu sách về máy bay chiến đấu nói với Popular Mechanics.
Mỹ đã đáp trả bằng một chương trình bí mật. Dự án Black Magic được thiết kế nhằm đảo ngược tình thế trước MiG-17F. Ông Coles nói Mỹ đã trang bị tên lửa AIM-9 Sidewinder cho tiêm kích Sabre. Tên lửa này giúp tiêm kích Đài Loan khai hỏa vào máy bay chiến đấu của đối phương bay cao hơn ở tầm xa hơn súng và pháo thông thường.
Trở lại căn cứ sau cuộc không chiến trên Eo biển Đài Loan, các phi công Trung Quốc bàng hoàng vì thất bại quá bất ngờ. Dù có máy bay tốt hơn, họ bị hạ một nửa phi đội. Thứ họ mang được về là 6 chiếc MiG-17 còn lại và một quả Sidewinder kẹt lại trên thân một trong số MiG-17 sống sót.
Lúc đầu, các kỹ sư Trung Quốc đã cố gắng sao chép thiết kế của tên lửa Sidewinder. Nhưng sự lạc hậu nhiều thập kỷ về công nghệ so với Mỹ đã cản trở nỗ lực của họ. Người Trung Quốc đành chuyển tên lửa cho Liên Xô với hy vọng rằng Moscow sẽ chia sẻ các bí mật họ phát hiện ra sau khi nghiên cứu loại vũ khí mới này. Chính phủ Liên Xô đã gửi mẫu Sidewinder thu được đến Phòng thiết kế tên lửa Toporov OKB, yêu cầu các kỹ sư tạo ra một bản sao chính xác.
Hai tiêm kích F-86 Sabre trong Không quân Đài Loan (Trung Quốc), thời điểm tháng 9/1958.
Tên lửa Sidewinder đã khiến Liên Xô bất ngờ. Khi đó, chương trình tên lửa không đối không của Liên Xô mới chỉ cho ra đời tên lửa Vympel K-5 dẫn đường bằng cụm tia tầm ngắn, buộc chiếc tiêm kích mang phóng phải duy trì mũi máy bay hướng về phía mục tiêu trong toàn bộ khoảng thời gian bay của tên lửa. Như thế, tên lửa Vympel K-5 chỉ phù hợp để tấn công các máy ném bom bay chậm, nặng nề và hoàn toàn không phù hợp để chống lại các tiêm kích đối phương.
Trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh trở nên khốc liệt, cả Mỹ và Liên Xô đều tìm cách nói dối, ra sức do thám, sẵn sàng đánh cắp công nghệ để đạt được lợi thế quân sự, Theo Popular Mechanics, Liên Xô dựa vào bí mật hạt nhân do nhà vật lý người Đức Klaus Fuchs cung cấp để sản xuất một số vũ khí hạt nhân. Liên Xô cũng được cho là sao chép một chiếc oanh tạc cơ B-29 Stratofortress bị giữ ở Siberia trong Thế chiến II.
Nhưng theo ông Coles, không có vụ đánh cắp công nghệ nào trong số này làm thay đổi cục diện chiến tranh trên không như việc sao chép tên lửa Sidewinder. Coles giải thích rằng "tên lửa mà phía Liên Xô thu được là một trong những thành phần công nghệ đáng kể nhất trong chiến tranh trên không". Các kỹ sư Liên Xô không chỉ kinh ngạc về hiệu quả của Sidewinder mà còn rất bất ngờ về thiết kế đơn giản của nó.
Đến năm 1960, Liên Xô đã hoàn thành nỗ lực thiết kế sao chép, tạo ra tên lửa K-13 (tên gọi của NATO là AA-2 “Atoll”). Nó trở thành tên lửa tầm ngắn của Không quân Liên Xô và khối Hiệp ước Warsaw, các khách hàng của Liên Xô như Cuba, Ấn Độ, Pakistan... Trung Quốc cũng dựa vào đây chế tạo ra phiên bản riêng của họ là PL-2.
Cuộc đột nhập căn cứ quân sự để ăn trộm tên lửa
Năm 1969, phiên bản cải tiến của tên lửa AIM-9B được Không quân CHLB Đức (cũ) đưa vào sử dụng. Được gọi là AIM-9B-FGW Mod.2, chúng có những cải tiến như "thiết bị điện tử trạng thái rắn, làm mát đầu dò carbon dioxide, vòm mũi mới và bộ lọc quang học tốt hơn". Phiên bản cải tiến có đầu dò hồng ngoại nhạy hơn, ít có khả năng nhầm lẫn mặt đất, mây hoặc mặt trời với máy bay đối phương.
Tất nhiên, Liên Xô cũng muốn có loại Sidewinder mới này và họ lại có được nó theo cách rất khó tin. Năm 1967, kiến trúc sư Tây Đức Manfred Ramminger có chuyến công tác đến Liên Xô với mục đích thương mại và được tuyển dụng làm việc cho KGB, Cơ quan An ninh Liên Xô. KGB đã ra lệnh cho Ramminger tập trung các hoạt động gián điệp của mình nhằm vào Không quân CHLB Đức (Luftwaffe), lực lượng đầu tiên sử dụng tên lửa AIM-9B FGW Mod.2 mới.
Một đêm năm 1968, Ramminger đột nhập Căn cứ Không quân Neuberg và trước đó KGB đã thu nạp một phi công Đức, có nhiệm vụ giao bản đồ căn cứ cho Ramminger. Ramminger, tài xế của anh ta và viên phi công đã đánh cắp một tên lửa Sidewinder và chuyển nó sang chiếc xe Mercedes của Ramminger. Tên lửa dài hơn 2,7m không vừa với xe, vì vậy nhóm gián điệp đập vỡ cửa sổ sau, che giấu đầu đạn và cánh điều khiển của tên lửa bằng một tấm chăn.
Ramminger mang tên lửa về nhà, tự tạo một chiếc thùng để đóng gói nó và gửi theo đường hàng không đến trụ sở của KGB. Kiện hàng tới nơi sau 10 ngày. Ramminger được trả 81.000 USD (hơn 700.000 USD theo thời giá hiện nay).
Một tòa án CHLB Đức sau đó bắt giữ, kết án Ramminger cùng đồng phạm về tội phản quốc, gián điệp và trộm cắp tài sản. Ba người này bị kết án từ 3 đến 4 năm tù.
Mặc dù Liên Xô đã có được một tên lửa AIM-9B FGW Mod.2 hoàn chỉnh, nhưng không rõ họ được hưởng lợi bao nhiêu từ tên lửa này. Năm 1973, một phiên bản mới của bản sao Sidewinder mới, tên lửa K-13M, đã được Liên Xô đưa vào sử dụng. Điểm chung duy nhất của hai tên lửa này là sử dụng khí nén để làm mát đầu dò hồng ngoại. Việc sử dụng thiết bị điện tử thể rắn tương tự tên lửa Mỹ có thể đã bị trì hoãn ở Liên Xô, vì nước này bị cho là chậm hơn phương Tây nhiều năm về thiết kế và công nghệ chế tạo vi mạch.
Sidewinder là một trong những tên lửa thành công nhất mọi thời đại với tổng cộng 270 lần tiêu diệt mục tiêu tính đến năm 2021. Và tên lửa này vẫn tiếp tục phát huy hiệu quả cho đến gần đây. Năm 2023, Mỹ đã sử dụng phiên bản AIM-9X mới nhất bắn hạ một khinh khí cầu bị cho là “do thám” của Trung Quốc và năm 2024, Không quân Mỹ đã sử dụng nó để bắn hạ máy bay không người lái của lực lượng Houthi ở Yemen.
Nguyễn Xuân Thủy
Nguồn ANTG : https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/thiet-ke-ten-lua-sidewinder-cua-my-da-roi-vao-tay-lien-xo-ra-sao--i750634/