Đồng Tháp Mười chiếm hơn 60% diện tích tự nhiên của Long An, trải dài trên địa bàn rộng gần 300.000 ha.
Khu vực này bao gồm các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Huệ; thị xã Kiến Tường; và 7 xã phía Bắc của 2 huyện Thủ Thừa và Bến Lức. Trong đó, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 248.000 ha, chiếm 78% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh.
Nông dân trồng bưởi đối diện giá cả bấp bênh, do đầu ra chưa ổn định
Cần nâng cao vị thế của vùng cây ăn trái
Khu vực này có lợi thế để sản xuất nông nghiệp, vốn nổi tiếng là vựa lúa lớn nhất cả nước. Việc chuyển đổi từ lúa sang cây ăn trái được chính quyền khuyến khích nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.
Tuy nhiên, quá trình này đang diễn ra ồ ạt, thiếu kiểm soát, tính đặc trưng và quy hoạch bài bản. Các loại cây như mít, sầu riêng, bưởi vốn đã phổ biến ở nhiều tỉnh miền Tây từ hàng chục năm trước, đang được trồng tràn lan tại Đồng Tháp Mười, bất kể yêu cầu về đầu tư và thổ nhưỡng của từng loại cây có nhiều khác biệt.
Ông Phạm Tùng Chinh, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa cho biết, địa phương quy hoạch khoảng 400 ha cây ăn trái và hơn 500 ha chanh không hạt. Dù đã rất cố gắng, cây ăn trái của Long An khó có thể cạnh tranh 'tay đôi' bởi giá thành còn cao và tiêu chuẩn chất lượng chưa đạt kỳ vọng.
“Rõ ràng, nhận thức của bà con về canh tác sạch vẫn chưa đồng nhất. Với những hạn chế đó, địa phương sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn tăng cường hướng dẫn kỹ thuật, giúp bà con liên kết với đầu mối tiêu thụ. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ dần dần nâng cao vị thế của vùng cây ăn trái này", ông Phạm Tùng Chinh giải thích.
Chính quyền huyện Thạnh Hóa thăm hỏi động viên các nhà vườn trên địa bàn
Chưa dừng lại ở đó, chuỗi thu mua và sơ chế cây ăn trái cũng cho thấy nhiều bất cập. Toàn tỉnh Long An có 134 cơ sở nhưng chủ yếu tập trung ở phía Nam, trong khi Đồng Tháp Mười lại phụ thuộc vào thương lái từ các địa phương lân cận.
Tuy nhiên, các thương lái xem Đồng Tháp Mười là nơi cung cấp thứ yếu, chỉ ưu tiên lấy hàng từ đây khi Tiền Giang và Đồng Tháp thiếu nguồn cung. Việc vận chuyển qua nhiều chặng khiến chi phí đội lên, ảnh hưởng lớn đến khả năng cạnh tranh.
"Nhà nước cũng cần hỗ trợ đường xá, cầu cống để việc vận chuyển thuận tiện hơn. Mua bán mà vận chuyển qua ba chặng, mất thêm mười mấy nghìn mỗi kilôgam. Bà con cắt quả xong phải chuyển qua sông, rồi chuyển lên xe ba gác, sau đó mới ra được đường lớn", ông Nguyễn Văn Sáu, nông dân ở Thạnh Hóa, bức xúc.
Thiếu dấu ấn riêng
Tỉnh Long An đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển hơn 10.500 ha vùng nguyên liệu cây ăn trái. Trong đó có 3.500 ha mít, 700 ha xoài, 340 ha sầu riêng và hơn 6.000 ha các loại khác như bưởi, chuối, mãng cầu.
Để tránh lặp lại 'vết xe đổ' của sản xuất tự phát, tỉnh đang xây dựng 4 chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân.
Mục tiêu là giảm 5-10% chi phí đầu vào cho các thành viên HTX và nông dân (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc, chi phí, thời gian vận chuyển,...); giảm tổn thất sau thu hoạch từ 5-10% số nguyên liệu và tăng giá từ 10-20%. Qua đó, tăng thu nhập từ 5-10% cho thành viên HTX và nông dân.
Nông sản Long An tại một hội chợ trong nước
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đất, Phân bón và Môi trường phía Nam cho rằng, để vùng nguyên liệu bền vững, địa phương cần giúp người dân định hình lợi ích trước mắt và lâu dài, tránh sản xuất manh mún, khó đầu tư, khó đầu ra.
Giải pháp đầu tiên là chọn được cây trồng thế mạnh, mang đặc trưng riêng. Đồng thời, phải tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn để vượt qua rào cản kỹ thuật.
Ông Nghĩa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu và ứng dụng công nghệ để tạo chuỗi hàng hóa khép kín:
“Rõ ràng, chúng ta cần đặt quyền lợi nông dân lên hàng đầu. Thay vì cấm đoán, chúng ta phải có cảnh báo, dự báo để nông dân họ nhận thức được vấn đề. Điều đáng lo ngại nhất là sầu riêng và một số loại cây ăn trái khác, bởi Trung Quốc cũng đang đầu tư vùng trồng ở Lào, Campuchia, nên sự cạnh tranh sẽ rất khốc liệt", ông Nghĩa nói.
Ở góc độ doanh nghiệp nông nghiệp, ông Võ Quan Huy – Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, cho rằng nông nghiệp muốn phát triển cần giải bài toán đất đai, thủ tục, vốn và đầu ra.
Để giải quyết khâu đầu ra, doanh nghiệp cần hợp tác với người nông dân. Tuy nhiên, câu chuyện 'ngồi chung mâm' để có một sản phẩm đạt chuẩn chất lượng và an toàn cao cho thị trường tại Long An cũng không hề đơn giản.
Tổ chức lại sản xuất, xác lập lợi thế cạnh tranh rõ ràng, nâng chất lượng và siết lại liên kết chuỗi
"Những vấn đề trên là những hạn chế, và trong từng vấn đề lại có thêm những khó khăn khác. Tôi cho rằng để có một doanh nghiệp lớn làm đầu tàu, cần có điều kiện thông thoáng về đất đai. Khi đầu tư nông nghiệp, vốn đổ vào rất lớn, nên câu chuyện quy hoạch thường xuyên thay đổi là vấn đề khó khăn nhất. Chính vì nông nghiệp rất khó khăn, khi có cơ hội chuyển đổi, cả nhà nước lẫn nông dân đều ưu tiên các lĩnh vực khác, khiến nông nghiệp dễ bị bỏ rơi", ông Võ Quan Huy nhấn mạnh.
Để vùng cây ăn trái Đồng Tháp Mười thật sự phát triển bền vững, Long An không thể để nông dân 'tự bơi' trong thị trường đầy biến động. Trong khi tiềm năng còn lớn, điều Long An cần nhất lúc này là một chiến lược nhất quán: tổ chức lại sản xuất, xác lập lợi thế cạnh tranh rõ ràng, nâng cao chất lượng và siết chặt liên kết chuỗi.
Chỉ khi đó, vùng cây ăn trái Đồng Tháp Mười mới có khả năng tạo dựng bản sắc riêng trên bản đồ nông sản Việt Nam.
Vậy cụ thể, Long An phải làm gì để đạt được điều này? Câu trả lời sẽ được đề cập trong Bài 3 của loạt bài Tìm lối đi bền vững cho 'Vàng Xanh'" vùng Đồng Tháp Mười.
Bài viết cùng loạt bài: Tìm lối đi bền vững cho 'Vàng Xanh'' vùng Đồng Tháp Mười:
Bài 1: Tiên phong thay đổi, vướng mắc tư duy
Bài 2: Thiếu bản sắc hay thiếu định hướng?
Bài 3: Chìa khóa mở 'kho Vàng Xanh' vùng Đồng Tháp Mười
Nguyễn Quang/VOV-TP.HCM