Thiệu Dương - vùng đất 'ba chìm bảy nổi chín lênh đênh'

Thiệu Dương - vùng đất 'ba chìm bảy nổi chín lênh đênh'
3 giờ trướcBài gốc
Nước lên, tràn vào khu dân cư Thiệu Dương, thành phố Thanh Hóa. Ảnh: Gia Bảo
Nước sông Mã lên đến báo động 2, một số phường xã của thành phố Thanh Hóa bị ngập phải sơ tán dân, trong đó phường Thiệu Dương bị nặng nhất. Mới đây một số tập thể, cá nhân thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa bị kiểm điểm vì thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định, chậm giải quyết hồ sơ tại dự án Khu dân cư phục vụ di dân vùng lũ Thiệu Dương, thành phố Thanh Hóa. Hồ sơ về dự án này "bị ngâm" 56 ngày đêm.
Chậm giải quyết, những phòng, ban chức năng và cá nhân của thành phố này bị kiểm điểm không oan. Tuy nhiên cũng cần nhìn lại cả quá trình rất dài kể từ khi vùng đất này được định danh mà người viết bài này muốn dùng câu thành ngữ "ba chìm bảy nổi, chín lênh đênh" thiển nghĩ đúng cả nghĩa đen lẫn bóng.
Trước đây, Thiệu Dương là một xã nằm ở bờ Nam sông Mã gồm 2 làng Dương Xá Nội và Dương Xá Ngoại gọi chung là làng Dương Xá hay làng Giàng.
Chỉ tính từ sau Cách mạng tháng 8, huyện Thiệu Hóa được thành lập thộc tỉnh Thanh Hóa, xã Thiệu Dương thuộc huyện này.
Năm 1977 một phần huyện Đông Sơn sáp nhập một phần huyện Thiệu Hóa thành huyện Đông Thiệu và cùng với các xã hữu ngạn sông Chu thuộc huyện Thiệu Hóa thì xã Thiệu Dương là đơn vị hành chính thuộc huyện Đông Thiệu.
Năm 1982, huyện Đông Thiệu đổi lại là huyện Đông Sơn, xã Thiệu Dương lại thuộc huyện Đông Sơn. Năm 1996, xã Thiệu Dương lại trở về huyện Thiệu Hóa.
Và năm 2012 xã Thiệu Dương được chuyển từ huyện Thiệu Hóa về thành phố Thanh Hóa và cuối cùng từ năm tháng 12 năm 2020 đến nay, xã Thiệu Dương thành phường thuộc thành phố Thanh Hóa. Nơi đây có có Đền thờ anh hùng dân tộc Dương Đình Nghệ được xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 1996.
Nước sông Mã khu vực Hàm Rồng dâng cao. Ảnh: Gia Bảo
Phường Thiệu Dương do bị bão lũ nhiều, nước sông Mã tràn bờ gây ngập lụt cho vùng ngoài đê mang theo phù sa nên hoa màu, cây trái ở đây rất tốt là một trong số ít địa phương nhiều năm, nhất là thời bao cấp cung cấp rau, củ, quả cho thị xã Thanh Hóa ngày xưa, thành phố Thanh Hóa hôm nay.
Do vị trí địa lý, ngày xưa hình thành 2 làng Dương Xá Nội trong đê và Dương Xá Ngoại ngoài đê sông Mã. Dân làng Dương Xá Ngoại sinh sôi nảy nở ngày càng đông nên phải san hộ. Ngày nay từ một làng Dương Xá Ngoại nay đã thành 7 thôn ngoài đê với hàng ngàn hộ dân sinh sống. Mặt khác cùng với năm tháng, dòng chảy sông Mã ngày càng khoét sâu vào các hộ dân sống gần bờ sông.
Tôi có một số đồng đội cùng đơn vị chiến đấu trên chiến trường sinh sống ở Thiệu Dương nhà gần sông đã "xê dịch" hàng chục mét từ nơi ở cũ gần bờ sông Mã sang vào ở mới! Và mỗi lần bão lũ bơi, lội từ nhà vào đê là chuyện bình thường. Cứ nước sông Mã dâng cao khi vượt qua báo động I ngấp nghé báo động II là lúc tiếng kẻng, trống báo động khua vang. Các hộ ở ngoài đê chuẩn bị sẵn sàng chạy lụt (lũ). Đến khi nước ngấp nghé báo động 3 thì cả làng Dương Xá Ngoại chìm trong biển nước.
Ngày trước chạy lụt các gia đình gồng gánh lên đê. Khi báo động 3 thì rủ nhau tìm cách leo lên các đồi núi đá gần Đền thờ Dương Đình Nghệ phòng khi vỡ đê. Ngày đó chưa có "4 tại chỗ" cũng chẳng có các đoàn cứu trợ sau bão lũ như ngày nay…
Cơ quan chức năng di dời các hộ dân chống lũ dâng ở Thiệu Dương, Thanh Hóa. Ảnh: Gia Bảo
Nguy cơ đối với người dân Thiệu Dương trong mùa bão lũ đã có từ lâu. Và, mới hôm qua 23/9, vùng lũ Thiệu Dương đã ngập nặng. Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và thành phố Thanh Hóa cũng rất tường tận vấn đề này, nhưng, có lẽ do nhiều nguyên nhân mà khu tái định cư cho người dân vùng lũ Thiệu Dương đến nay vẫn nằm trên giấy.
Cách làm việc của các ban, ngành chức năng vừa bị kiểm điểm ở thành phố Thanh Hóa về dự án Khu dân cư phục vụ di dân vùng lũ Thiệu Dương cần rút ra bài học. Bài học không thể chủ quan với thời tiết cực đoan, càng không thể chậm trễ trong việc phòng chống bão lũ nhất là tính mạng người dân…
Gia Bảo
Nguồn Công dân & Khuyến học : https://congdankhuyenhoc.vn/thieu-duong-vung-dat-ba-chim-bay-noi-chin-lenh-denh-179240924151308098.htm