Thiếu hụt nhà ở toàn cầu gia tăng dưới áp lực đô thị hóa

Thiếu hụt nhà ở toàn cầu gia tăng dưới áp lực đô thị hóa
5 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa.
Trước bức tranh toàn cầu đầy thách thức, thị trường bất động sản Việt Nam cũng đang chịu tác động rõ rệt. Tại TP Hồ Chí Minh, trong quý I/2025, chỉ có khoảng 800 căn hộ mới được mở bán, giảm tới 70% so với quý trước. Phân khúc nhà ở hạng C - dưới 50 triệu đồng/m² chỉ chiếm 13% tổng nguồn cung và tập trung chủ yếu tại một dự án ở quận Bình Tân. Tỷ lệ hấp thụ hàng tồn kho chỉ đạt 23%, cho thấy nhu cầu ở thực vẫn lớn nhưng người mua đang thiếu lựa chọn phù hợp.
Tại Hà Nội, tình hình cũng không mấy khả quan. Tổng nguồn cung mới đạt 7.940 căn, giảm 39% so với quý trước. Dù tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2024, lượng tiêu thụ lại giảm tới 41%, phản ánh rõ sự lệch pha giữa cung và cầu.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nguồn cung sụt giảm là do các vướng mắc pháp lý, đặc biệt là trong việc phê duyệt quy hoạch và xác định chi phí sử dụng đất, khiến nhiều dự án chậm tiến độ triển khai.
Dự báo đến năm 2050, mười thành phố đông dân nhất thế giới sẽ có gần 374 triệu người sinh sống, với phần lớn các đô thị này tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng dân số cao. Điều đó đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc phát triển các giải pháp nhà ở bền vững và dài hạn.
Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư hiện nay vẫn chưa thực sự theo kịp nhu cầu. Các dự án nhà ở phổ biến có chu kỳ đầu tư khoảng 5 năm, trong khi các nhà đầu tư tổ chức lại ưu tiên những dự án có dòng tiền ổn định trong 20 năm trở lên. Sự chênh lệch này khiến nguồn vốn dài hạn - yếu tố then chốt để giải quyết thiếu hụt nhà ở giá phải chăng chưa được khai thác hiệu quả.
Một xu hướng mới đang được nhiều quốc gia theo đuổi là tái định vị nhà ở như một phần của hạ tầng quốc gia, tương đương giao thông hay năng lượng. Hướng tiếp cận này không chỉ thu hút được dòng vốn dài hạn mà còn góp phần thúc đẩy các chính sách ưu đãi, cơ chế pháp lý ổn định và chiến lược phát triển bền vững.
Khảo sát của Savills ghi nhận, thực tế cho thấy nhiều quốc gia đã và đang thành công với hướng đi này. Tại Singapore, hơn 80% người dân sống trong các căn hộ do chính phủ phát triển và quản lý. Các khu nhà ở xã hội tại đây được quy hoạch đồng bộ với hệ thống giao thông và tiện ích công cộng. Trong giai đoạn 2025 - 2027, nước này đặt mục tiêu xây dựng 50.000 căn hộ mỗi năm để đáp ứng nhu cầu nhà ở ngày càng tăng.
Trong khi đó, các thành phố như New York và London dù đặt mục tiêu xây hàng chục nghìn căn nhà mỗi năm nhưng thường chỉ đạt một nửa kế hoạch, do chi phí cao và thủ tục phức tạp. Tại Paris, chính quyền đang thử nghiệm đánh thuế nhà bỏ trống và tái sử dụng công trình cũ để đưa nguồn cung chưa sử dụng trở lại thị trường.
Tại Việt Nam, các tín hiệu tích cực đang dần xuất hiện. Việc phê duyệt Quy hoạch chung TP Thủ Đức theo mô hình TOD (Transit-Oriented Development) phát triển các khu dân cư mật độ cao quanh hệ thống giao thông công cộng là bước đi phù hợp nhằm tận dụng hiệu quả quỹ đất và phát triển nhà ở tích hợp.
Trong bối cảnh nhu cầu nhà ở tăng cao, việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý, đẩy nhanh cấp phép và hoàn thiện thủ tục đang tạo nền tảng cho sự phục hồi thị trường từ nửa cuối năm 2025. Về dài hạn, việc coi nhà ở là một phần thiết yếu của hạ tầng quốc gia được kỳ vọng sẽ mở ra hướng phát triển bền vững, bao trùm và đồng bộ hơn cho các đô thị trong tương lai.
Chi Sam
Nguồn Doanh nhân & Pháp luật : https://doanhnhan.vn/thieu-hut-nha-o-toan-cau-gia-tang-duoi-ap-luc-do-thi-hoa-84303.html