Thiếu hụt nhân lực và cơ sở phục hồi chức năng

Thiếu hụt nhân lực và cơ sở phục hồi chức năng
9 giờ trướcBài gốc
Mất khả năng đi lại sau đột quỵ
2 tháng trước, bà Trần Thị Tuyết Mai (65 tuổi, TP Thủ Đức) bị xuất huyết não và được cấp cứu tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Di chứng để lại là bà bị yếu, liệt nửa người bên phải dẫn đến không thể tự sinh hoạt, phải đi lại bằng xe lăn. Ngay sau khi xuất viện, theo tư vấn của bác sĩ, bà Mai bước vào tập luyện để tránh bỏ lỡ thời gian hồi phục tốt nhất.
Bà Trần Thị Tuyết Mai (65 tuổi, TP Thủ Đức) tập luyện cơ tay tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh sau khi bị yếu liệt vì đột quỵ
Đều đặn mỗi ngày, bà được nhân viên khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Lê Văn Thịnh thực hiện các bài tập cho ngón tay, bàn tay, tập đi đứng. Ngay cả việc cầm muỗng ăn cơm, bà cũng phải học rất khó khăn. “Đôi khi tôi cũng muốn bỏ cuộc vì thấy chậm cải thiện nhưng nghĩ đến cảnh phải nằm liệt một chỗ, tôi nhắc mình phải cố gắng hơn. Về nhà, tôi tự tập luyện, ôn bài như bác sĩ chỉ dẫn. Sau 2 tháng, tôi có thể tự đi vệ sinh mà không cần trợ giúp, tôi đã tự đi lại được, vài hôm nữa có thể sẽ tự ăn cơm”, bà Mai phấn khởi kể.
Đột ngột rơi vào cảnh yếu liệt vì đột quỵ, anh Trần Thanh Dũng chập chững tập đi ở tuổi 34. Biến cố xảy ra trong một cuộc nhậu, anh bất ngờ đổ gục xuống bàn không rõ lý do. Tại Bệnh viện Nhân dân 115, các bác sĩ đã nỗ lực giành lại mạng sống cho người bệnh nhưng di chứng vẫn rất nặng nề: tay phải, chân phải của anh bị mất khả năng vận động. Tại Bệnh viện 1A, với sự đồng hành của y bác sĩ, kỹ thuật viên, anh Dũng dần cải thiện được sức cơ tay, chân và chức năng bàn tay. Tuy nhiên, để có thể sinh hoạt như trước đây, người bệnh vẫn phải nỗ lực từng ngày, từng giờ trong thời gian dài.
Theo thống kê, mỗi ngày, Khoa Phục hồi chức năng của Bệnh viện 1A hỗ trợ khoảng 20-30 bệnh nhân sau đột quỵ, 15% trong số đó là người trẻ tuổi. Nhiều trường hợp cần phải tập nuốt, tập nói, tập cầm nắm. Trong khi đó, Bệnh viện Lê Văn Thịnh tiếp nhận 150-200 trường hợp cần tập luyện phục hồi chức năng mỗi ngày. Bệnh nhân không chỉ đến từ TP Thủ Đức mà còn ở nhiều quận huyện, thậm chí ở tỉnh, thành khác. Không ít lần, bệnh viện phải từ chối người bệnh vì số lượng điều trị ngoại trú quá đông, nhân lực và máy móc không đáp ứng kịp.
Tăng cường đào tạo nhân lực
Theo BS Nguyễn Hoàng Khôi, Khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, hiện nay, vai trò của phục hồi chức năng được chú trọng nhiều hơn, ngay cả khi người bệnh đang điều trị nội trú. Một số trường hợp được hướng dẫn tập thở, tập vận động nhẹ tại giường bệnh, góp phần giúp quá trình hồi phục sau phẫu thuật hiệu quả hơn.
Trong xu hướng già hóa dân số, bệnh mạn tính gia tăng, tỷ lệ tai nạn còn nhiều, nhu cầu phục hồi chức năng cho người bệnh tại Việt Nam ngày càng cao, nhưng khả năng đáp ứng thực tế lại thấp. Không ít bệnh nhân phải vượt quãng đường 20-30km mỗi ngày để được tập đi, tập đứng vì không có khoa Phục hồi chức năng ở bệnh viện gần nhà. Trong quá trình tập luyện, không ít người bỏ cuộc giữa chừng vì đi lại quá vất vả, đồng nghĩa với việc họ mất đi cơ hội hòa nhập và phụ thuộc vào người thân. “Tốt nhất là bệnh nhân nên được phục hồi chức năng ngay tại y tế cơ sở gần nhất để thuận tiện đi lại, đỡ tốn kém, đỡ mất thời gian. Nếu phục hồi chức năng tốt, chất lượng cuộc sống của người bệnh sẽ được cải thiện thay vì trở thành gánh nặng của gia đình”, BS Nguyễn Hoàng Khôi bày tỏ.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, tại Việt Nam, mỗi 10.000 dân thì chỉ có 0,25 người làm việc trong ngành phục hồi chức năng. Tỷ lệ này rất thấp so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). TS-BS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, đánh giá, nhân lực trong ngành phục hồi chức năng hiện chỉ đáp ứng được 50-60% nhu cầu thực tế. Mạng lưới phân bổ các cơ sở phục hồi chức năng ít, gây không ít khó khăn cho người bệnh có nhu cầu. Các cơ sở này còn đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị.
Theo các chuyên gia, việc đào tạo cung cấp nguồn nhân lực trong lĩnh vực này cần thực hiện nhanh, liên tục, đủ chất lượng để đáp ứng thực tế. Bởi, phục hồi chức năng là một trong các trụ cột của hệ thống y tế, góp phần giúp người bệnh sớm phục hồi sức khỏe, cải thiện chức năng vận động và nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong bối cảnh trên, Bộ Y tế cũng đưa ra chỉ tiêu, đến năm 2030, 90% các tỉnh, thành phố triển khai mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, nhân viên y tế làm việc trong lĩnh vực phục hồi chức năng phải đạt tối thiểu 0,5 người/10.000 dân.
GIAO LINH
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/thieu-hut-nhan-luc-va-co-so-phuc-hoi-chuc-nang-post782957.html