Giảm lợi thế cạnh tranh vì giá thuê mặt bằng
Trung tâm mua sắm truyền thống ngày càng vắng vẻ. Ảnh minh họa: TB.
Theo Báo cáo toàn cảnh Thị trường sàn bán lẻ trực tuyến 2024 & Dự báo 2025 do Metric phát hành, tổng doanh số của 5 sàn thương mại điện phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay (Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki và Sendo) trong năm 2024 đạt 318.9 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 37.36% so với năm 2023.
Năm 2024, người Việt chi trung bình 873,6 tỷ đồng để mua hàng online trên 5 sàn thương mại điện tử bán lẻ đa ngành lớn nhất.
Theo Tổng Cục Thống kê, năm 2024 tốc độ tăng trưởng của kênh trực tuyến nhanh gấp 4,5 lần so với mức tăng trưởng chung của ngành bán lẻ.
Bên cạnh đó, theo báo cáo thị trường mới đây của hãng dịch vụ bất động sản CBRE, mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội tiếp tục tăng trưởng về giá thuê.
Theo kết quả khảo sát, giá thuê trung bình ở các quận trung tâm Hà Nội năm 2024 đạt gần 173 USD (khoảng 4,3 triệu đồng) mỗi m2 một tháng, tăng 16,2% so với 2023. Tương tự, khu vực ngoài trung tâm cũng tăng giá thuê thêm 10% theo năm, trung bình 37,3 USD mỗi m2.
Tính đến quý IV/2024, giá thuê mặt bằng bán lẻ ở Thủ đô dao động 37-140 USD mỗi m2 với khu vực trung tâm. Còn khu vực ngoài trung tâm nằm trong khoảng 20-88 USD mỗi m2. Tỷ lệ lấp đầy cả hai khu vực giữ ở mức 86% và 78%.
Giá thuê mặt bằng lớn, thương mại điện tử bùng nổ mạnh mẽ đã khiến nhiều đơn vị kinh doanh truyền thống giảm lợi thế cạnh tranh, mất thị phần.
Theo chị Lê Thùy An, chủ cửa hàng kinh doanh quần áo thời trang tại trung tâm thương mại trên đường Trần Duy Hưng (Hà Nội), đầu năm 2024 khách mua trực tiếp tại cửa hàng đã giảm mạnh nhưng chủ cửa hàng vẫn cố bám trụ và hy vọng kinh doanh truyền thống tiếp tục phát triển. Tuy nhiên từ cuối năm 2024 số lượng khách mua trực tiếp vẫn tiếp tục giảm mạnh, trong khi chị vẫn phải trả số tiền lớn cho chi phí vận hành, tiền thuê mặt bằng khiến cửa hàng gặp nhiều khó khăn. Để cắt lỗ, tăng lợi thế cạnh tranh chị đã phải trả mặt bằng ở trung tâm thương mại để chuyển sang bán hàng online.
Những ngày đầu năm, tại nhiều trung tâm thương mại ở Hà Nội vắng khách. Không ít trung tâm thương mại rơi vào tình trạng có hàng loạt các gian hàng đóng cửa chưa có thông báo mở lại.
Buộc phải online
Tết Nguyên Đán đã qua gần 1 tháng nhưng nhiều cửa hàng truyền thống vẫn chưa mở cửa trở lại. Một số cửa hàng treo biển chuyển địa điểm, một số lặng lẽ rời đi không để lại “lời nhắn”.
Anh Phạm Tất Thắng, chủ đơn vị chuyên phân phối dụng cụ thể thao tại khu vực Hai Bà Trưng (Hà Nội) sau một thời gian kết hợp kinh doanh online và truyền thống, đầu năm nay anh đã phải trả mặt bằng để chuyển hẳn sang kinh doanh online. Anh Thắng cho biết: “Khách hàng ở đâu thì chúng tôi phải có mặt ở đó. Khách không đến cửa hàng mua trực tiếp nên các điểm bán truyền thống rơi vào tình trạng ế ẩm kéo dài. Trong năm 2024 tôi đã phải lấy lợi nhuận từ thương mại điện tử để bù đắp, duy trì cửa hàng. Năm 2025 tôi quyết định trả mặt bằng chuyển hẳn qua kinh doanh online để bảo đảm mục tiêu kinh doanh”.
Các mặt hàng đắt tiền, vốn dĩ trước đây khách thích “sờ tận tay, nhìn tận mặt” như điện thoại, máy tính, máy giặt, tủ lạnh… khách cũng đã chuyển sang mua online.
“Cửa hàng chúng em chủ yếu trưng bày hàng mẫu và phục vụ các khách lớn tuổi, không biết dùng công nghệ còn bán hàng thì chúng em bán online là chính. Doanh số bán hàng online của em chiếm khoảng 80% doanh số trong tháng”, chị Nhung, nhân viên bán hàng điện máy tại Hoàng Mai cho biết.
Một trung tâm điện máy lớn tại Hoàng Mai, Hà Nội vắng khách xem, mua hàng trực tiếp. Ảnh: TB.
“Năm 2025, giá mặt bằng cho thuê bán lẻ được chủ nhà điều chỉnh tăng 10% so với giai đoạn trước nên Dailymart cũng đang nghiên cứu phương án cắt giảm những điểm kinh doanh truyền thống không hiệu quả sau khi hết hạn hợp đồng để tập trung phát triển mô hình đi chợ hộ qua app”, bà Nguyễn Lan Phương, Giám đốc phát triển thị trường của Hệ thống siêu thị Dailymart (Hà Nội) cho biết.
Trần Bình