Một học sinh ở TP Cà Mau đặt câu hỏi với lãnh đạo tỉnh.
Chiều 15/5, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh Cà Mau tổ chức chương trình Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ thiếu nhi năm 2025 với chủ đề: “Lắng nghe thiếu nhi, dựng xây Cà Mau vươn mình cùng kỷ nguyên mới”.
Ông Nguyễn Hồ Hải, Bí thư Tỉnh ủy; ông Phạm Thành Ngại, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; bà Lê Thị Nhung, Phó Chủ tịch điều hành HĐND tỉnh và ông Lê Thanh Triều, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau chủ trì chương trình.
Chương trình có sự tham gia của đông đảo thầy cô giáo, cùng sự có mặt của 200 thiếu nhi ưu tú trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh Cà Mau tham dự chương trình Gặp gỡ thiếu nhi 2025.
Quang cảnh buổi gặp gỡ.
Tại buổi gặp gỡ, em Phạm Ngọc Tuyết Nhi, học sinh lớp 6A4, Trường THCS Quang Trung (huyện Cái Nước) phản ánh trên thị trường có nhiều loại thực phẩm bẩn, đặc biệt là sữa giả, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em, ngành chức năng đã có giải pháp nào trong việc quản lý, ngăn chặn vấn nạn sữa giả, giúp trẻ em an tâm khi uống sữa.
Trần Nguyễn Anh Thư, lớp 7A2, Trường THCS Phan Ngọc Hiển (huyện Năm Căn) đặt câu hỏi, đã qua học sinh còn bị các đối tượng xấu lôi kéo sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, ảnh hưởng sức khỏe, lãnh đạo tỉnh có những giải pháp nào để ngăn chặn việc này?
Phạm Ngọc Tuyết Nhi, học sinh lớp 6A4, Trường THCS Quang Trung (huyện Cái Nước) phản ánh đến lãnh đạo tỉnh vấn nạn sữa giả trên thị trường.
Một học sinh ở huyện Thới Bình mong muốn được đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt là sân chơi để các em có nơi sinh hoạt, vui chơi sau giờ học.
Hiện nay số học sinh bị cận do học tập nhiều và sử dụng thiết bị điện tử quá mức ngày càng tăng, tỉnh đã có kế hoạch gì trong việc hỗ trợ học sinh phòng ngừa cận thị?, là câu hỏi của Trương Nguyễn Ái Mỹ, lớp 7G, Trường THCS Nguyễn Du (TP Cà Mau).
Hồng Quốc Khôi, học sinh lớp 9A, Trường Tiểu học và THCS Gò Công (huyện Phú Tân) bày tỏ lo lắng khi mạng xã hội đang được giới trẻ sử dụng phổ biến, nhưng lại thiếu an toàn và muốn biết giải pháp của ngành chức năng trong việc đảm bảo an toàn cho học sinh trên không gian mạng.
Vấn đề an toàn giao thông trước cổng trường và an toàn trên không gian mạng cũng được nhiều học sinh đề cập tại buổi gặp gỡ.
Lãnh đạo tỉnh Cà Mau chủ trì buổi gặp gỡ.
Ngoài ra, nhiều học sinh cũng phản ánh đến lãnh đạo tỉnh các vấn đề liên quan đến bạo lực học đường, an toàn thực phẩm, an toàn giao thông trước cổng trường, việc thiếu sân chơi, phòng tránh đuối nước trong dịp hè…
Từng vấn đề, lĩnh vực học sinh quan tâm, đặt câu hỏi đã được các sở, ngành liên quan giải đáp trực tiếp tại chương trình.
Đại diện Sở Y tế trả lời câu hỏi học sinh đặt ra liên quan vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, sữa giả.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT trả lời câu hỏi học sinh về vấn đề bạo lực học đồng, phòng tránh đuối nước, tạo sân chơi dịp hè.
Ông Phạm Thành Ngại, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề nghị các Sở, ngành tiếp thu ý kiến của thiếu nhi để có kế hoạch cụ thể trong việc tạo điều kiện cho các em học tập, rèn luyện tốt. Đồng thời động viên các cháu thiếu nhi tiếp tục phấn đấu trong học tập, trở thành con ngoan trò giỏi.
Ông Ngại cũng thông tin, tới đây tỉnh sẽ tiến hành thực hiện chủ trương dạy 2 buổi/ngày trên diện rộng chứ không phải chỉ ở cấp Tiểu học như hiện nay. Vì vậy, các đơn vị, trường học cần nghiên cứu dạy gì cho phù hợp, rèn luyện đức, trí, thể mỹ, phát triển toàn diện cho học sinh.
Ông Phạm Thành Ngại, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận buổi gặp gỡ.
“Tôi đề nghị cơ quan chức năng, chính quyền địa phương rà soát lại cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên xem trường nào dạy được 2 buổi. Cần thiết, các môn năng khiếu có thể mời nghệ sĩ, vận động viên, họa sĩ…tham gia giảng dạy, hướng dẫn kỹ năng, truyền lửa cho học sinh, như Tổng Bí thư Tô Lâm có gợi ý”, ông Ngại nói.
Lãnh đạo tỉnh Cà Mau tặng học bổng cho các em học sinh.
Tại buổi gặp gỡ, lãnh đạo tỉnh trao tặng 20 suất học bổng cho các em học sinh chăm ngoan, có thành tích học tập tốt.
Quách Mến