Thiếu tá Bùi Thị Hải Dương - Hành trình của những sắc màu cảm xúc

Thiếu tá Bùi Thị Hải Dương - Hành trình của những sắc màu cảm xúc
3 giờ trướcBài gốc
Những mảnh ghép của cảm xúc
Với cá nhân tôi thì hội họa không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật thị giác thông thường, nó còn là cách dẫn lối chúng ta vào hành trình trải nghiệm riêng có. Và tôi chưa thể hình dung người bạn của mình sẽ thể hiện những bức tranh ra sao cho đến khi được chiêm ngưỡng chúng.
Thiếu tá Bùi Thị Hải Dương.
Tranh của Dương không tuân theo một quy luật cứng nhắc nào về màu sắc hay đường nét. Chúng chỉ đơn thuần là những mảnh ghép của cảm xúc, nơi mà mỗi sắc màu đều mang theo một phần tâm trạng riêng biệt. Từ những gam màu trầm tối, nâu, xám thể hiện sự sâu lắng, suy tư cho đến những đường nét mạnh mẽ, khoáng đạt, tất cả đều hòa quyện trong một bố cục vừa ngẫu nhiên lại khá cân bằng.
Dương có nói rằng cảm hứng của chị ban đầu đến từ những bức tranh dân gian Đông Hồ miêu tả sinh động về cuộc sống đời thường, thế nhưng theo tôi đó chỉ là ngọn nguồn khơi gợi cảm quan sáng tạo của người nghệ sĩ. Tranh của Dương đa phần theo hướng tự do, không đặt nặng việc mô tả một sự vật hay hiện tượng trực quan, để rồi thông qua nội hàm toát lên ý nghĩa sâu xa nào đó. Ở nhiều tác phẩm của chị, cá nhân tôi nhìn thấy những bông hoa chứa đựng câu chuyện, sức sống riêng. Điều thú vị theo tôi nằm ở cách tác giả đặt những “nụ màu” vào giữa không gian đa sắc, nơi mà chúng không bị cô lập hay đứng đơn lẻ mà hòa vào thế giới của chính mình, như thể hoa đang kể tự chuyện về sự nở rộ, héo úa, rồi tái sinh trong vòng tuần hoàn bất tận.
Trong các tác phẩm của Dương, chủ thể luôn nổi bật, nhưng không phải bằng cách sử dụng sự tương phản mạnh mẽ. Chị không cần đến những màu sắc đối chọi nhau để làm bật lên cảm xúc mà chị muốn miêu tả. Thay vào đó, Dương sử dụng cách phối màu tinh tế, với tông dịu nhẹ và gần gũi như những lớp chuyển sắc của thiên nhiên.
Dương từng chia sẻ với tôi rằng mục đích vẽ tranh của chị là cách buông xả cảm xúc, chị không nghĩ đến chủ đề khi sáng tác mà hoàn toàn thăng hoa theo những thứ vô ngôn hình của trí tưởng, cho dù sau khi hoàn tất ta có thể gọi ra nội dung khắc họa là phong cảnh thiên nhiên, cỏ cây hoa lá. Có khá nhiều hình ảnh trong tranh của Dương không chỉ là biểu tượng tĩnh mà chúng thực sự có hồn, chuyển động theo cách mà người thưởng ngoạn cần tập trung thả hồn vào bức tranh. Một bông hoa có thể trông như đang chớm nở, nhẹ nhàng bung từng cánh để đón lấy ánh sáng. Bức tranh không chỉ dừng lại ở việc khắc họa sự vật mà còn mở ra câu chuyện về thời gian, sự biến đổi.
Khi nhìn vào tranh của Dương, người xem cảm nhận được sự yên tĩnh, nhẹ nhàng nhưng lại không hề tĩnh lặng. Ẩn sau từng cánh hoa, từng màu sắc là những nhịp điệu ngầm, là chuyển động của sự sống, của thời gian. Chị không cần phải tạo ra những điểm nhấn đối lập sắc bén mà vẫn thành công trong việc truyền tải sự sống động qua cách dẫn dắt tự nhiên của màu sắc và ánh sáng. Tất cả chuyển biến một cách từ tốn, không có sự đột ngột hay gay gắt. Tuy nhiên, giữa sự đồng hiện ấy, mỗi cánh hoa vẫn có cách riêng để thu hút ánh nhìn, như tự khẳng định sự hiện diện của mình trong không gian mềm mại đó. Màu sắc, ánh sáng trong tranh Dương bởi thế không chỉ mang tính trang trí, minh họa mà còn phản ánh sự thay đổi tinh tế của từng cung bậc cảm xúc. Hoa không chỉ nở mà còn tỏa ra hương sắc ẩn sâu, sống động trong không gian mà họa sĩ tạo ra.
Các tác phẩm của Thiếu tá Bùi Thị Hải Dương.
Mỗi tác phẩm của Dương không bao giờ mang ý nghĩa chỉ qua bề mặt. Ví dụ, trong một bức tranh trừu tượng, hình ảnh của ngọn đèn tỏa sáng leo lét có thể gợi lên sự u hoài, nhưng khi người xem dừng lại để chiêm nghiệm lâu hơn, họ có thể phát hiện ra rằng, đằng sau mỗi mảng tối là những điểm sáng nhỏ, như những tia hy vọng len lỏi. Mỗi bức tranh của chị là sự pha trộn tài tình của nhiều mảng màu tưởng chừng đối lập nhưng lại đồng điệu trong việc khắc họa sự phức tạp của cảm xúc con người.
Do đó để hiểu và cảm nhận tranh của Dương không đơn giản chỉ là việc nhìn bức tranh một cách thoáng qua. Nó đòi hỏi sự kiên nhẫn và khả năng thấu cảm từ người xem. Mỗi bức tranh là một câu chuyện mở, không có sẵn lời giải. Tùy thuộc vào tâm trạng và cảm xúc của mỗi người, cách họ tiếp cận tranh sẽ khác nhau, và chính điều đó tạo nên một sự tương tác đa chiều giữa tác phẩm và người xem.
Người thưởng ngoạn và tác phẩm - sự tương tác đặc biệt
Tranh của Dương không chỉ là bức họa mà còn là một không gian đối thoại giữa nghệ sĩ và người xem. Những sắc màu trong tranh không phải là thông điệp đơn chiều, mà chúng mở ra nhiều con đường để người xem tự tìm đến ý nghĩa. Chị không ép buộc người xem phải hiểu theo một hướng nhất định mà để họ tự do cảm nhận và tìm ra câu chuyện riêng của mình.
Cảm xúc của người xem chính là yếu tố quyết định bức tranh mang lại những gì. Một người với tâm trạng vui vẻ, lạc quan có thể nhìn thấy trong những bức tranh ấy sự rực rỡ, đầy hy vọng, ngược lại ai đang mang trong lòng nỗi buồn lại có thể thấy được sự cô đơn, trống vắng. Bằng cách đó, mỗi tác phẩm của Dương trở thành tấm gương phản chiếu cảm xúc của chính người xem, nơi mà họ có thể thấy một phần bản thân mình. Do vậy không ít người khi nhìn tranh của Dương đã thừa nhận rằng họ có cảm giác như đang đứng trước một tấm gương tâm hồn. Trong không gian đó, họ nhìn thấy cảm xúc của mình được vẽ nên qua màu sắc và hình ảnh, mà có lẽ không thể diễn tả được bằng lời.
Với cá nhân Dương, tôi được biết chị quan điểm khi sáng tác rằng, mỗi bức tranh không chỉ đơn thuần là các tác phẩm nghệ thuật mà còn là những hành trình cảm xúc mà người xem phải tự mình trải qua. Sự pha trộn của sắc màu không chỉ để thỏa mãn giác quan mà còn khơi gợi những rung động tinh tế bên trong hồn người. Bởi thế mỗi bức tranh là một cuộc đối thoại mà ở đó, người xem buộc phải tìm ra cho mình góc nhìn, cảm quan riêng biệt. Qua đó, chị tâm niệm không chỉ khơi dậy cảm xúc mà còn ước mong có thể phần nào đó giúp mỗi người khám phá chính bản thân mình trong thế giới của sắc màu và cảm xúc.
Vũ Liêm
Nguồn VNCA : https://vnca.cand.com.vn/truyen-thong/thieu-ta-bui-thi-hai-duong-hanh-trinh-cua-nhung-sac-mau-cam-xuc-i747560/