Ngày 28-4, thầy trò Trường Tiểu học Việt Nam - Cuba (Ba Đình, Hà Nội) hân hoan, vui mừng khi được đón một vị khách đặc biệt đến thăm.
Đó là Thiếu tướng Nguyễn Đăng Kính, cựu phi công quân sự, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, người được Tổ quốc “trao cho đôi cánh” để cản phá các đợt tập kích trên không của đế quốc vào Thủ đô Hà Nội trong những năm cuối thập niên 70.
Thiếu tướng Nguyễn Đăng Kính cùng thầy và trò Trường Tiểu học Việt Nam - Cuba. Ảnh: TT
Thiếu tướng Nguyễn Đăng Kính sinh năm 1941, quê ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.
Tháng 3-1959, chàng thanh niên Nguyễn Đăng Kính bắt đầu nhập ngũ. Sau đó, chàng trai trẻ được tuyển vào Không quân Nhân dân Việt Nam (thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân, Quân đội nhân dân Việt Nam), được cho học cấp tốc phổ thông cơ sở và tiếng Nga.
Tháng 10-1965, Nguyễn Đăng Kính về nước và được biên chế vào Trung đoàn Không quân 921.
“Tôi sinh ra vào thời đó, như những người khác, tôi cũng sợ, nhưng cũng như những người khác, tôi nghĩ đến trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc và nhân dân” - người cựu binh bày tỏ.
"Tôi không chọn nghề, từ đầu đến cuối đều là nghề chọn tôi. Tôi chưa từng nghĩ rằng nếu không làm phi công thì mình sẽ làm gì. Chỉ biết là nếu thực sự có thêm một cuộc đời khác, tôi vẫn sẽ trở thành bộ đội".
Thiếu tướng Nguyễn Đăng Kính
Trong những năm tháng chiến đấu, ông Kính đã bắn rơi 6 máy bay thuộc nhiều loại khác nhau. Đó đều là những trận đấu khó khăn, vô cùng cam go và phức tạp.
"Ngày ấy, tôi thường dặn vợ ở nhà chăm con, tôi đi cùng đồng đội. Mỗi người một gia đình riêng, một cuộc sống, nhưng chúng tôi có chung một nhiệm vụ và ý chí sục sôi bảo vệ bầu trời" - ông Kính nói.
Thiếu tướng Nguyễn Đăng Kính được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2010. Ảnh: TT
Hàng năm, nhất là vào những ngày tháng 4 lịch sử, không ai nhắc, ông Kính lại lấy cuốn sổ bay của phi công năm xưa ra đọc. Kỷ vật hơn 200 trang đã nhuốm màu thời gian, được bọc kỹ trong một túi da có khóa thể hiện sự gìn giữ, trân trọng của chủ nhân.
Trong cuốn sổ ấy, từng chữ về ngày bay, số giờ bay, ưu điểm, khuyết điểm, bài học rút ra... đều được người lính năm xưa ghi nắn nót, ngay ngắn.
Cuốn sổ bay của phi công Nguyễn Đăng Kính đã nhuốm màu thời gian. Ảnh: TT
"Nhiều bảo tàng xin tôi cuốn sổ này để trưng bày. Khi nào sắp đi, tôi sẽ gửi tặng, còn bây giờ thì chưa được" - ông cười.
Hơn 40 năm phục vụ trong quân đội, trải qua nhiều vị trí, ông Kính chính thức nghỉ hưu năm 2004 ở tuổi 63. Hai người con trai của ông đều theo bước cha, mặc áo lính, viết tiếp truyền thống gia đình.
"Tôi thường nói với các con rằng Tổ quốc là trên hết, ở thời nào thì người lính cũng phải ghi nhớ điều này" - ông Kính nói.
"Còn đối với những học sinh đang trên ghế nhà trường, tôi mong các em tuổi nhỏ thì làm việc nhỏ. Hãy cố gắng học, kiến thức gì cũng học, không chê môn nào. Học tập tốt, sau này lớn lên lại tiếp tục trau dồi rèn luyện để trở thành người có ích cho xã hội". Thiếu tướng Nguyễn Đăng Kính
Ông Nguyễn Đăng Kính được phong quân hàm Thiếu tướng năm 1994.
Ông đã được trao nhiều danh hiệu và huy chương cao quý như: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (2010), Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Chiến công, Huân chương Kháng chiến, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, Huy chương Quân kỳ Quyết thắng, 6 huy hiệu Bác Hồ.
THANH THANH