Thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh cho thấy, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra gần 100 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 55 người, bị thương 54 người. Trong số này có hơn 40 vụ liên quan đến xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện. Nhiều gia đình gánh chịu đau thương, mất mát do tai nạn. Theo cơ quan điều tra, nguyên nhân xuất phát từ ý thức chủ quan và việc chấp hành quy định pháp luật của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông còn hạn chế.
Nhân viên kỹ thuật hãng xe Honda bồi dưỡng kỹ năng điều khiển xe máy, xử lý tình huống cho học sinh Trường Trung học phổ thông Việt Yên số 1.
Cụ thể có 9 vụ do không chú ý quan sát; 3 vụ chuyển hướng không bảo đảm an toàn; 4 vụ không đi đúng phần đường, làn đường; 3 vụ không đi đúng chiều đường; 1 vụ không giữ khoảng cách an toàn... Ví dụ như trường hợp xe máy đi vào “điểm mù” của xe tải xảy ra vào sáng 1/4 tại khu vực gần ngã tư thị trấn Kép (Lạng Giang). Thời điểm đó, xe mô tô biển số 98B3- 613.xx do ông H.Đ.M (sinh năm 1963) ở xã Hương Sơn (Lạng Giang) điều khiển chuyển hướng ngay trước đầu xe ô tô đầu kéo 98H-041.xx kéo sơmi rơ-moóc biển số 98R-036.xx do anh H.V.N (sinh năm 1982) ở xã Xương Lâm (Lạng Giang) điều khiển. Hình ảnh qua hệ thống camera ghi lại cho thấy xe mô tô đã đi vào “điểm mù” của xe ô tô đầu kéo dẫn đến ông M tử vong tại chỗ.
Theo cảnh sát giao thông, “điểm mù” của xe ô tô được hiểu là vùng không gian bên ngoài, xung quanh xe bị che khuất, không nằm trong tầm nhìn của lái xe, nhất là xe tải lớn, xe xi-tec, xe chở container, xe đầu kéo. Do đó, người tham gia giao thông, đặc biệt là người lái mô tô, xe máy, xe máy điện, xe đạp không nên di chuyển vào “điểm mù” của xe ô tô; giữ khoảng cách an toàn khi di chuyển phía sau, luôn bảo đảm lái xe ô tô phía trước có thể nhìn thấy xe của mình; không di chuyển “cắt mặt” xe có tải trọng và kích thước lớn; khi đến các ngã ba, ngã tư phải chú ý quan sát, không được vượt khi xe tải chuẩn bị rẽ.
Một tình huống khác khá phổ biến, người đi xe máy không làm chủ tốc độ, không xử lý kịp khi có nguy hiểm dẫn đến tai nạn. Ngày 5/4, tại đường gom dân sinh thuộc tổ dân phố Yên Ninh, phường Nếnh (thị xã Việt Yên), anh H.Q.V (sinh năm 2004), ở xã Bình Trung, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) điều khiển xe mô tô biển số 12FA - 025.xx va chạm vào phía sau xe mô tô biển số 99F8-389.xx do anh P.V.T (sinh năm 1982), trú tại tổ dân phố Tự, phường Tân Mỹ (thành phố Bắc Giang) điều khiển đi phía trước cùng chiều. Sau va chạm, anh H.Q.V bị văng sang đường bên trái và va chạm với xe ô tô biển số 15C-287.xx do anh N.T.T (sinh năm 1970), trú tại phường Cầu Tre, quận Ngô Quyền (thành phố Hải Phòng) điều khiển đi ngược chiều. Vụ va chạm liên hoàn khiến anh H.Q.V tử vong tại chỗ.
Thực tế hiện nay, nhiều người điều khiển mô tô, xe máy còn chủ quan, cẩu thả, không đội mũ bảo hiểm, sử dụng điện thoại khi đang lái xe, phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn tín hiệu giao thông, dàn hàng ngang, không có thói quen nhìn gương chiếu hậu, quan sát khi chuyển làn, chuyển hướng… Tình trạng này khiến nguy cơ cao dẫn đến xảy ra tai nạn cho chính họ hoặc người khác.
Ông Vi Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, sát hạch lái xe Ánh Minh, xã Hương Lạc (Lạng Giang) cho biết, hằng năm Trung tâm đào tạo lái xe mô tô, xe gắn máy cho từ 3-4 nghìn người. Nhận thấy những năm gần đây, mật độ phương tiện tăng cao, tình hình giao thông phức tạp, do vậy Trung tâm thường xuyên cập nhật kiến thức, giáo trình sát với tình hình thực tế. Quá trình đào tạo gắn với những tình huống cụ thể, thường gặp trên đường, giúp người điều khiển hình thành thói quen, phản xạ đúng khi gặp tình huống nguy hiểm. Chú trọng truyền đạt để người điều khiển hiểu được mức độ nguy hiểm cho bản thân và cộng đồng nếu họ không được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn.
Thượng tá Phạm Trọng Sang, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho rằng, xe máy, mô tô vẫn là phương tiện phổ biến, tai nạn giao thông liên quan đến phương tiện này cũng chiếm tỷ lệ cao. Từ thực tế điều tra, xử lý những vụ tai nạn, lực lượng cảnh sát giao thông khuyến cáo người điều khiển mô tô, xe máy chấp hành nghiêm những quy định an toàn, tuân thủ chỉ dẫn của lực lượng chức năng, hệ thống biển báo trên đường.
Thời gian tới, Phòng Cảnh sát giao thông tiếp tục phối hợp với các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe, các trường học, địa phương tuyên truyền cho người dân, học sinh, thanh thiếu niên về quy định không uống rượu, bia khi tham gia giao thông; giảm tốc độ khi đến ngã tư, ngã ba, khúc cua, ngã rẽ… Trong quá trình đào tạo tập trung hướng dẫn, trang bị kỹ năng cho người điều khiển phương tiện sử dụng gương chiếu hậu, đèn tín hiệu và đèn pha đúng cách. Không lách vào những khe hở quá hẹp giữa hai xe; giữ khoảng cách an toàn với xe đi trước; sử dụng phanh an toàn, không phanh gấp hoặc chuyển hướng đi đột ngột. Qua đó góp phần ngăn ngừa những vụ tai nạn giao thông liên quan đến mô tô, xe máy xuất phát từ nguyên nhân chủ quan.
Bài, ảnh: Quốc Phương