Tượng đài Chiến thắng Long Khánh nằm bên Quốc lộ 1A ngang qua trung tâm thành phố Long Khánh, ghi tạc chiến công lịch sử của quân dân Long Khánh trong chiến dịch Xuân Lộc-Long Khánh từ ngày 9-21/4/1975.
Thành phố Long Khánh hôm nay đã phát triển thành đô thị sầm uất, phát triển theo hướng xanh, văn minh, hiện đại, trong khi huyện Xuân Lộc đã trở thành đơn vị tiên phong cả nước trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Tất cả những nỗ lực này đều hướng đến mục tiêu cao nhất là mang lại cuộc sống thịnh vượng, hạnh phúc cho người dân.
Ký ức hào hùng
Những hình ảnh hợp luyện diễu binh, diễu hành chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm 30/4 xuất hiện ấn tượng trên các phương tiện truyền thông những ngày này, đã khơi dậy ký ức hào hùng với cựu chiến binh Đào Bá Lượng, Đội trưởng Biệt động Thị đội Long Khánh năm 1975. Trước khi quân ta nổ súng mở màn chiến dịch giải phóng Xuân Lộc-Long Khánh, đơn vị ông được cấp trên giao nhiệm vụ dẫn đường cho bộ đội chủ lực tiến công vào nội ô Long Khánh.
Ông Lượng nhớ lại, khi nhận lệnh, toàn bộ chiến sĩ trong đơn vị biệt động đều khao khát được tham gia chiến dịch, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Rạng sáng 9/4, mở màn chiến dịch, quân ta pháo kích vào các vị trí trọng yếu của địch trong nội ô. Sau khoảng 30 phút, khi tiếng pháo vừa dứt, ông dẫn đường cho xe tăng, phía sau là bộ binh của Sư đoàn 7 tấn công vào Long Khánh từ hướng đông bắc. Khi quân ta đánh trực diện vào Bộ Tư lệnh Sư đoàn 18 của địch đã gặp sự phản kháng dữ dội. Những ngày sau đó, cuộc chiến đấu diễn ra ngày càng ác liệt, gây tổn thất cho cả ta và địch.
Ông Nguyễn Tá Dẫn, nguyên Trung đội phó Trung đội trinh sát, Tiểu đoàn 28 đặc công, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 kể lại, đơn vị ông có nhiệm vụ trinh sát để lực lượng Tiểu đoàn 28 đánh thẳng vào Dinh tỉnh trưởng Long Khánh. Tuy nhiên, tình hình chiến trường diễn biến khá nhanh, lực lượng Sư đoàn 7 không đánh mật tập theo kế hoạch ban đầu, mà chuyển sang phối hợp với các đơn vị đánh cường tập.
Cuộc chiến giằng co vô cùng khốc liệt giữa quân ta và địch từ ngày 9-12/4, sau đó quân ta được lệnh rút ra bên ngoài để củng cố lực lượng, chuyển cách đánh cho thích hợp. Đến ngày 13/4, ông Dẫn cùng đồng đội nhận lệnh chuyển sang trinh sát nhằm xác định hướng rút lui của địch để các đơn vị ta tổ chức đánh chặn. Từ đêm 20/4, quân địch rút về hướng Vũng Tàu, đơn vị ông phối hợp lực lượng địa phương chặn đánh tại đèo Con Rắn.
Đến sáng 21/4/1975, quân ta đã mở toang “cánh cửa thép” của địch. Thắng lợi chiến lược của chiến dịch Xuân Lộc-Long Khánh tạo đà cho đại quân ta tiến về Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.
Hòa bình lập lại, mảnh đất Xuân Lộc-Long Khánh đối mặt với nhiều khó khăn do hậu quả nặng nề của chiến tranh. Mặt đất hoang tàn, chằng chịt hố bom, nhà cửa đổ nát. Không điện, không cơ sở y tế, cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng, quân và dân địa phương phải nỗ lực gây dựng quê hương từ con số 0.
Năm 1991, Xuân Lộc được tách thành hai đơn vị hành chính là huyện Xuân Lộc và thị xã Long Khánh, thuộc tỉnh Đồng Nai. Địa danh Xuân Lộc được cả nước biết đến là vùng “đất lửa” trong chiến tranh, đã trỗi dậy mạnh mẽ đi đầu cả nước trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Năm 2014, Long Khánh và Xuân Lộc trở thành hai đơn vị cấp huyện đầu tiên của cả nước được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Năm 2024, Xuân Lộc đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và hiện đã hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu; đồng thời, thành phố Long Khánh đã cơ bản hoàn tất các tiêu chí đô thị loại II. Với những ai chứng kiến hành trình vượt khó, vươn lên mãnh liệt của vùng đất này từ những ngày đầu gian khó, thành công rạng rỡ hôm nay thật sự là một kỳ tích.
Vì ấm no, hạnh phúc của người dân
Một ngày tháng tư, chúng tôi ghé thăm trang trại bò quy mô 200 con của anh Cao Xuân Lâm tại Ấp 3, xã Xuân Hòa. Anh Lâm cho biết, trung bình cứ sáu tháng xuất chuồng một lần, với giá bán ổn định, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu lời hơn một tỷ đồng từ đàn bò. Ngoài nguồn thu nhập từ bò thịt, chủ trại còn thu nhập thêm cả trăm triệu đồng từ bán phân hữu cơ cho các trang trại trồng trọt tại chỗ. “Để gặt hái kết quả như bây giờ là cả quá trình tìm tòi, thử nghiệm, có lúc thất bại, nhưng tôi không bao giờ nản chí”, anh Lâm chia sẻ. Câu chuyện của người nông dân vượt lên hoàn cảnh khó khăn là minh chứng điển hình cho tiềm năng phát triển của miền đất Xuân Lộc, nơi luôn ươm mầm ước mơ, mở ra cơ hội đổi đời cho tất cả những ai cố gắng đổi mới cách nghĩ, cách làm, cần cù, chịu khó.
Từng ngõ xóm làng Chăm Ấp 4 (xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc) những ngày này bừng sắc đỏ cờ Tổ quốc khắp các tuyến đường khang trang, sạch đẹp. Hơn 3.000 người dân làng Chăm quây quần sinh sống bên Thánh đường Hồi giáo lớn thứ hai cả nước, hăm hở kiến tạo cuộc sống mới dưới sự lãnh đạo dẫn dắt trực tiếp của cấp ủy và sự điều hành sát sao của chính quyền cơ sở. Bà Souatah, một người hăng hái đi đầu phong trào phụ nữ khởi nghiệp ở đây, cho biết: “Ban đầu gia đình tôi mở rộng diện tích canh tác cây thanh long ngay trên mảnh đất sẵn có. Khi có thu nhập cao, điều kiện gia đình khá giả, tôi thành lập hợp tác xã chuyên về sản xuất thanh long chất lượng cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động phụ nữ dân tộc thiểu số và chia sẻ, giúp đỡ những hộ nghèo trong xã”.
Chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ, vùng đất Xuân Lộc-Long Khánh giờ đây được xem là hình mẫu về sự phát triển, mang đến cuộc sống thịnh vượng, hạnh phúc và sự hài lòng cho người dân. Khí chất tiên phong trong chiến đấu, lao động sản xuất đang được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây tiếp nối, nỗ lực dốc trọn trí tuệ, công sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, tiến mạnh, tiến vững chắc vào kỷ nguyên mới của dân tộc
Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc Lê Kim Bằng cho biết, nhiều năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện luôn đạt hơn 10%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực đúng hướng. Thu nhập bình quân đầu người nhanh chóng cải thiện, từ 12 triệu đồng năm 2008 đã tăng lên hơn 95 triệu đồng vào cuối năm 2024. Giá trị thu nhập từ các loại cây trồng chủ lực trên địa bàn Xuân Lộc hiện đạt mức bình quân hơn 348 triệu đồng/ha. Đáng chú ý, 80% số nguồn lực huy động về vốn và nhân lực để kiến tạo bộ mặt huyện nông thôn mới nâng cao đến từ sức mạnh nội lực to lớn trong nhân dân. Điều đó khẳng định rằng, người dân đóng vai trò quyết định sự thành bại của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vừa là chủ thể thực hiện, vừa là đối tượng thụ hưởng duy nhất thành quả do chính mình đem lại.
Đến với thành phố Long Khánh hôm nay, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng trước diện mạo kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn được gắn kết liên hoàn, mảng xanh phủ khắp, hiện hữu dáng dấp “thành phố đáng sống”: “Sau ngày giải phóng, tôi từ quân đội chuyển ngành và ở lại Long Khánh sinh sống. Không có một từ ngữ nào có thể mô tả hết sự đổi thay của vùng đất này. Sự bình yên, hiền hòa, hạnh phúc của người dân nơi đây níu chân những người như tôi chọn gắn bó làm quê hương thứ hai của mình”, ông Vũ Minh Khởi, 85 tuổi, phường Xuân An cho biết.
Theo Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Long Khánh Đỗ Chánh Quang, phát huy truyền thống anh hùng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân địa phương luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo, xây dựng và phát triển thành phố từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang phát triển công nghiệp, dịch vụ mang tính bền vững. Hiện nay Long Khánh đã đạt các tiêu chí đô thị loại II theo quy định, trong đó quan trọng nhất là đời sống nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân năm 2024 đạt gần 155 triệu đồng/người và không gian sống trong lành.
Chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ, vùng đất Xuân Lộc-Long Khánh giờ đây được xem là hình mẫu về sự phát triển, mang đến cuộc sống thịnh vượng, hạnh phúc và sự hài lòng cho người dân. Khí chất tiên phong trong chiến đấu, lao động sản xuất đang được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây tiếp nối, nỗ lực dốc trọn trí tuệ, công sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, tiến mạnh, tiến vững chắc vào kỷ nguyên mới của dân tộc.
THIÊN VƯƠNG