Thực phẩm bẩn hoành hành sát Tết
Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết Đội QLTT số 17, Cục QLTT TP Hà Nội vừa phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất một kho hàng tại thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội.
Kết quả, đoàn kiểm tra phát hiện gần 10 tấn sách bò, dạ dày động vật không có nhãn mác, không có thông tin về sản phẩm, ngày tháng sản xuất cũng như hạn sử dụng. Trong đó, sách bò chiếm khoảng 8 tấn. Toàn bộ hàng hóa tại kho hàng này đều là sản phẩm đông lạnh, nhiều sản phẩm đã xuất hiện dấu hiệu phân hủy, biến đổi màu sắc và bốc mùi hôi thối.
Nhiều vụ thực phẩm bẩn chuẩn bị tuồn ra thị trường bị phát hiện.
Ngày 8/1, Đội 7 - Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an thành phố Hà Nội) phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 17 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm đông lạnh tại địa chỉ ngõ 21 Tựu Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội do bà P.T.H (sinh năm 1992) làm chủ.
Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện hơn 2,1 tấn thực phẩm đông lạnh (nầm lợn, tràng trứng, tràng lợn, kê gà, mề gà,...) không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được kiểm định chất lượng. Chủ cơ sở không xuất trình được giấy phép đăng ký kinh doanh, hóa đơn chứng từ số hàng hóa trên.
Trước thực trạng thực phẩm bẩn hoành hành dịp Tết, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu chấn chỉnh công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm dịp Tết Ất Tỵ.
Văn bản nêu rõ, thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, phát hiện các lò mổ lợn trái phép, thu giữ hàng tấn thịt không rõ nguồn gốc, gom lợn bị bệnh chết về giết mổ rồi mang bán cho các cơ sở chế biến làm giò chả, xúc xích... Gia cầm ra vào chợ đầu mối cũng không được kiểm dịch theo đúng quy định. Lực lượng chức năng đã phát hiện và chặn đứng nhiều lô hàng sản phẩm động vật không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm để kinh doanh.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Tết Nguyên đán 2025 đang đến gần, nhu cầu tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương và của cơ quan quản lý ở các cơ sở giết mổ. Từ đó, dẫn đến nguy cơ cao mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, làm lây lan dịch bệnh động vật và ô nhiễm môi trường.
Phải xử lý nghiêm và dừng hoạt động đối với các cơ sở giết mổ động vật chưa được cấp phép; nhất là cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, giết mổ động vật chết do dịch bệnh và không được nhân viên thú y thực hiện kiểm soát giết mổ theo quy định.
Nhận biết giò, chả từ nguyên liệu kém chất lượng
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho biết, trên thị trường hiện nay, có không ít cơ sở sản xuất giò chả sử dụng nguyên liệu kém chất lượng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Chính vì vậy, việc nhận biết giò chả ngon làm từ loại thịt chuẩn là điều rất quan trọng.
Theo chuyên gia, một trong những cách đơn giản để nhận biết giò chả ngon là thông qua màu sắc của sản phẩm. Giò chả làm từ thịt chuẩn thường có màu sắc tự nhiên, sáng mịn và đồng đều. Thịt heo tươi ngon sẽ tạo nên lớp giò có màu hồng tươi, đôi khi có pha chút trắng ngà. Nếu giò có màu đỏ sậm hoặc nâu, rất có thể thịt đã bị ướp phẩm màu hoặc đã được bảo quản quá lâu, điều này không tốt cho sức khỏe.
Đặc biệt, giò chả làm từ thịt heo tươi sẽ không có các vệt mỡ quá lớn hay vệt màu đỏ không tự nhiên. Một miếng giò ngon sẽ có sự phân bổ đều của thịt và mỡ, tạo nên kết cấu mịn màng, không vón cục hay bị tách lớp.
Giò chả làm từ thịt chuẩn sẽ có độ đàn hồi và dẻo nhất định. Khi ấn tay vào miếng giò, giò sẽ hơi nảy lại và không bị cứng hay mềm quá mức. Độ dẻo này giúp giò có thể giữ được hình dáng mà không bị nát hoặc vỡ khi cắt. Đây là đặc điểm rất quan trọng khi đánh giá giò chả, vì nếu giò quá nhão hoặc quá cứng, có thể là do tỷ lệ giữa thịt nạc và mỡ không cân đối, hoặc sử dụng quá nhiều chất phụ gia.
Giò lụa ngon có mùi vị đặc trưng, sau khi nuốt, vị còn đọng lại nơi cổ họng với vị thơm ngọt, mềm, không bị bã, không có cảm giác khô rắn. Nếu ăn giò thấy có mùi thơm nồng, thơm sực thì cần cẩn trọng vì rất có thể đó là giò lụa được tẩm ướp chất phụ gia.
Khi lựa chọn thịt bò người tiêu dùng phải có màu đỏ tươi; thịt lợn phần nạc có màu hồng, còn mỡ thì màu trắng; thịt gà thì da phải có màu trắng ngà hoặc hơi vàng nhạt. Bề mặt thịt nói chung phải cứng và có độ đàn hồi, tức là khi ấn ngón tay vào sẽ không để lại vết lõm lâu trên bề mặt thịt. Các loại thịt thì phải không có mùi lạ.
Thịt lợn bệnh thường có mỡ vàng, thớ thịt nhão hoặc trong thớ thịt có những đốm trắng như hạt gạo; khi ấn ngón tay lên miếng thịt thì để lại vết lõm lâu; bên ngoài mặt có hiện tượng nhớt, có mùi khó chịu hoặc da có vết bầm.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, để hạn chế rủi ro mua phải thực phẩm hết hạn, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, người dùng nên mua ở những cơ sở kinh doanh uy tín, địa chỉ rõ ràng.
Thực phẩm "bẩn" để lại hậu quả rất nghiêm trọng. Những chất bảo quản độc hại, hóa chất nhuộm màu tích tụ trong cơ thể có thể gây ra các bệnh mãn tính như ung thư, tổn thương gan, thận. Ngoài ra, việc tiêu thụ thực phẩm "bẩn" cũng gây thiệt hại kinh tế lớn, không chỉ vì chi phí điều trị bệnh mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chân chính.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương yêu cầu triển khai chương trình giám sát chủ động về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm có nguồn gốc động vật. Cùng với đó, xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp giữa chính quyền với lực lượng thú y, y tế, công an, quản lý thị trường... trong công tác quản lý hoạt động giết mổ động vật. Thường xuyên trao đổi thông tin và phối hợp kịp thời khi xử lý các vụ việc liên quan đến vận chuyển, giết mổ động vật, an toàn thực phẩm đối với thịt gia súc, gia cầm.
Tô Hội