Thơ ca đưa làng Chùa ra thế giới

Thơ ca đưa làng Chùa ra thế giới
5 giờ trướcBài gốc
Một cuộc thi "phạm trù" làng quê nhưng giờ đây không chỉ thu hút những thi sĩ trong nước mà còn có sự tham gia của nhiều nhà thơ trên thế giới.
1. Với bề dày lịch sử văn hóa lâu đời, làng Chùa không chỉ nổi tiếng vì sự hiếu học, mà còn bởi truyền thống thơ ca. Nơi đây, thơ không chỉ là nghệ thuật, mà còn là cách sống, cách người dân thể hiện tâm tư, tình cảm và sự gắn bó với cội nguồn, quê hương. Những câu đối, bài thơ được sáng tác và ngâm nga trong các buổi họp làng, phiên chợ hay khi lao động trên đồng ruộng. Nhiều thế hệ người dân làng Chùa, dù là nông dân hay học giả, đều có thể sáng tác thơ. Họ không xem thơ ca là điều xa xỉ mà coi đó là cách thể hiện sự lạc quan và ý chí kiên cường trước những thử thách của cuộc sống.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cùng nhà thơ Mỹ Bruce Weigl, người có chùm thơ đầu tiên tham gia cuộc thi "Thơ ca và nguồn cội", viếng nghĩa trang liệt sĩ tại Ứng Hòa, Hà Nội.
Qua thời gian, sự gắn bó của làng Chùa với thơ ca đã trở thành nét văn hóa riêng biệt, được người dân trong và ngoài nước công nhận. Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân làng Chùa mà còn là một điểm sáng trong bức tranh văn hóa Việt Nam. Chính sự giao thoa hài hòa giữa truyền thống, sáng tạo và sự đam mê với nghệ thuật ngôn từ đã giúp làng Chùa trở thành làng thơ duy nhất tại Việt Nam.
Trong những lần đàm đạo cùng nhau của các thành viên trong Hội thơ làng Chùa, họ đã nghĩ ra ý tưởng tổ chức một cuộc thi thơ để kêu gọi, vận động người làng sáng tác về gia đình, quê hương. Từ ý tưởng đó, cuộc thi thơ có tên gọi "Thơ ca và nguồn cội" ra đời năm 2007.
Khi được hỏi về ý nghĩa của cuộc thi "Thơ ca và nguồn cội", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, thành viên của Hội thơ làng Chùa chia sẻ: "Con người trong thời đại mới có thể dần lãng quên quá khứ, tổ tiên, ông bà cha mẹ, quê hương bản quán. Hay, nói một cách văn hoa là lãng quên "căn cước văn hóa" của mình. Nếu một quốc gia nói chung và một con người nói riêng mà đánh mất "căn cước văn hóa" thì họ không thể tìm thấy nơi mà họ có thể sống, có thể hạnh phúc và dâng hiến cho mảnh đất đó. Với tất cả những lý do đó, cuộc thi "Thơ ca và nguồn cội" đã ra đời".
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng, không phải là cuộc thi mà đó chính là cuộc vận động để kêu gọi tất cả những người làm thơ, yêu thơ ca, yêu nghệ thuật hãy viết một cái gì đó về chính mảnh đất mà mình sinh ra và lớn lên. Cuộc thi thơ này khởi nguồn từ những người nông dân làng Chùa yêu thơ nhưng lại mang thông điệp tới tất cả mọi người trên đất nước Việt Nam và cả thế giới hãy trở về với nguồn cội của mình. Nếu ai lãng quên và rời bỏ nguồn cội thì coi như đã mất tất cả.
Trong cuộc sống này, nhiều người vì lý do chiến tranh, yếu tố lịch sử, vì công ăn việc làm... nên họ phải di chuyển khỏi quê hương, bản quán để sinh sống, định cư ở nơi khác. Chính bởi vậy, nguồn cội lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Ngoài ra, đối với lớp trẻ hiện nay, trong khoảnh khắc nào đó họ có thể lãng quên những ngôi nhà, miền quê của chính mình để kiếm tìm một cuộc sống khác đủ đầy hơn. Nhưng, nếu chỉ vì điều kiện sống tốt hơn mà họ đánh mất đi thứ thiêng liêng của mình là nguồn cội thì đến một lúc nào đó tỉnh ngộ ra họ sẽ cảm thấy vô cùng nuối tiếc.
Ban đầu, khi phát động cuộc thi "Thơ ca và nguồn cội", các thành viên trong Hội thơ làng Chùa chỉ định vận động những người đang sinh sống tại làng và những người làng Chùa đang sinh sống trên mọi miền Tổ quốc và nước ngoài. Nhưng rồi, sau đó họ nhận ra rằng bất kể ai cũng có một quê hương của riêng mình nên phạm trù cuộc thi đã được mở rộng. Ngay cuộc thi thơ năm đầu tiên đã thu hút nhiều người yêu thơ ca của nhiều miền đất nước tham gia.
Năm đầu tiên tổ chức cuộc thi "Thơ ca và nguồn cội", để nhiều người yêu thơ trên cả nước biết đến và tham gia, Hội thơ làng Chùa đã quyết định giao trọng trách cho nhà thơ Nguyễn Quang Thiều lo việc làm truyền thông, quảng bá và nhận bài. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều hài hước kể lại: "Lúc đó tôi đã bỏ ra một chút kinh phí "thuê trang" của Báo Người Hà Nội để quảng bá về cuộc thi. Thời điểm đó, số lượng phát hành không phải nhiều nhưng đó là việc tốt nhất tôi có thể làm cho Hội thơ làng Chùa. Khi ấy, tất cả các bài dự thi đều gửi về bằng văn bản. Khi nhận bài, chúng tôi sẽ bóc mở phong bì, đánh máy và lưu trữ các bản thảo. Và, ngay cuộc thi thơ năm thứ nhất, chúng tôi đã nhận được hàng ngàn bài thơ gửi về. Đấy là một khởi đầu tốt đẹp ngoài mong đợi".
2. Giờ đây, nhờ sự phát triển của công nghệ và các nền tảng mạng xã hội, việc vận động những người yêu thơ tham gia cuộc thi "Thơ ca và nguồn cội" đã trở nên thuận lợi hơn bao giờ hết. Vì thế, nó không chỉ giới hạn ở những nhà thơ trong nước mà nhiều nhà thơ từ nhiều quốc gia trên thế giới có thể tham gia gửi bài dự thi trực tuyến mà không gặp rào cản địa lý.
PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học, trưởng ban chung khảo cuộc thi lần thứ hai đọc tổng kết tại đình làng Chùa, tháng 3/2012.
Chia sẻ về những nhà thơ nổi tiếng nước ngoài tham dự cuộc thi "Thơ ca và nguồn cội", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết: "Đối với những nhà thơ nước ngoài tham dự cuộc thi thơ, tôi không nói với họ về thể lệ cuộc thi mà tôi chia sẻ cho họ biết về mục đích của cuộc thi. Có không ít các nhà thơ đến từ Mỹ, Nga, Colombia, Uruguay, đến các nhà thơ đến từ châu Phi như: Uganda, Sudan đã gửi bài dự thi".
Cũng theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, cách đây mấy hôm ông nhận được một lá thư rất tha thiết của bà Hilda Twongyeirwe - Chủ tịch Hội Nhà văn Uganda. Trong thư, bà nói rằng bà mới sáng tác một bài thơ về chính quê hương mình mà bà rất tâm đắc. Và, bà thận trọng hỏi rằng, như vậy có hợp với thể lệ cuộc thi không hay nhất định phải sáng tác về quê hương Việt Nam. Trả lời bức thứ ấy, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đáp rằng: "Cuộc thi "Thơ ca và nguồn cội" là để những người yêu thơ có cơ hội viết về chính quê hương, bản quán của mình". Sau khi biết được điều đó, bà Hilda Twongyeirwe đã hào hứng gửi bài thơ mới nhất của mình dự thi.
Sở dĩ, nhiều nhà thơ nước ngoài biết về cuộc thi "Thơ ca và nguồn cội" là vì khi một nhà thơ nước ngoài biết về cuộc thi này họ sẽ lại chia sẻ cho nhiều nhà thơ khác. Và, cứ thế, nó lan tỏa đến nhiều nhà thơ của nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới.
Nhà thơ Fernando Redon (Colombia) khi gửi bài dự thi đã tâm sự rằng: "Khi tôi đọc được những thông tin về cuộc thi "Thơ ca và nguồn cội" tôi đã ngồi lặng lẽ trong căn phòng của mình và nhớ về tất cả những người trong gia đình tôi: Cha tôi, mẹ tôi, em trai tôi đã mất và nhớ về biết bao thách thức trên mảnh đất Colombia để đi đến hòa bình và độc lập, tự do. Có thể, những bài thơ tôi gửi không phải là tuyệt tác nhưng nó đã có ý nghĩa đánh thức tiềm thức của tôi về quê hương, bản quán". Một nhà thơ người Palestine cũng đã gửi email hỏi nhà thơ Nguyễn Quang Thiều rằng, "liệu tôi có thể viết một bài thơ về mảnh đất Palestine đau thương được không?".
Mặc dù mới phát động cuộc thi chưa đầy một tuần nhưng tính tới thời điểm hiện tại đã có hơn 10 nhà thơ nước ngoài gửi bài dự cuộc thi "Thơ ca và nguồn cội". Ngoài ra, cũng còn nhiều nhà thơ nước ngoài khác đã gửi thư hỏi về hạn nộp cuối cùng, bởi vì họ muốn những gì họ gửi dự thi là những tác phẩm mới nhất, những rung động mãnh liệt nhất về mảnh đất quê hương của họ.
Trong lần trao giải sắp tới, Hội thơ làng Chùa đã và đang nỗ lực hết mình để không chỉ những nhà thơ đoạt giải mới được "tài trợ" 100% chi phí đi lại và chi phí sinh hoạt mà ngay cả nhiều nhà thơ tham dự cũng sẽ được như vậy. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: "Trong lễ trao giải sắp tới, chắc chắn sẽ có sự góp mặt của nhiều nhà thơ ở nhiều châu lục khác nhau về dự".
Cuộc thi "Thơ ca và nguồn cội" giờ đây không chỉ là sân chơi của riêng những người làng Chùa mà nó chính là nơi để nhiều nhà thơ trong nước và cả quốc tế có cơ hội bày tỏ tình yêu quê hương, bản quán của mình.
Phong Anh
Nguồn ANTG : https://antgct.cand.com.vn/so-tay/tho-ca-dua-lang-chua-ra-the-gioi-i758628/