Khi sắc xuân đang len lỏi khắp các nẻo đường, tại một xưởng mỹ thuật ở huyện Trảng Bom (Đồng Nai) đang nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Các công nhân tại đây đang miệt mài làm việc từ sáng đến đêm, hoàn thiện hàng loạt mô hình linh vật rắn với nhiều kiểu dáng từ dễ thương, ngộ nghĩnh để phục vụ nhu cầu trang trí Tết của các đơn vị, doanh nghiệp…
Bàn tay những người thợ tỉ mỉ chế tác từng đường nét, tô màu, tạo điểm nhấn cho linh vật rắn Ất Tỵ 2025.
Video: Chiêm ngưỡng linh vật rắn Ất Tỵ từ xưởng
Những mô hình rắn tại xưởng được chế tác từ mút xốp và nhựa composite, mỗi linh vật rắn đều phải trải qua nhiều công đoạn từ tạo hình, gia cố khung sắt, chà nhám cho đến sơn vẽ hoàn thiện.
Tại một góc xưởng, ông Đỗ Hải, người có hơn 20 năm kinh nghiệm đang chăm chú quan sát từng công đoạn chế tác. Ông Hải chia sẻ năm nay cơ sở tập trung vào các thiết kế chibi đáng yêu để biến hình tượng rắn, vốn thường gắn với nỗi sợ hãi, trở nên gần gũi hơn với mọi người. “75% số linh vật rắn trong năm nay mang phong cách này, phù hợp với không khí vui tươi của ngày Tết”, ông Hải nói.
Một trong những tác phẩm nổi bật nhất tại xưởng là mô hình rắn khổng lồ, cao 6m, dài gần 15m, với đường uốn lượn mềm mại như dải lụa. Đây là đơn đặt hàng của một đơn vị tại tỉnh Kiên Giang, được chế tác trong vòng 15 ngày với chi phí 300 triệu đồng.
Điểm đặc biệt làm nên sức hút của xưởng chế tác rắn này chính là sự kết hợp giữa bàn tay tài hoa của những nghệ nhân và sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại. Tại đây xuất hiện một cánh tay robot đóng vai trò quan trọng trong việc khắc họa các chi tiết tỉ mỉ, giúp đảm bảo độ chính xác cao và rút ngắn thời gian sản xuất. (Trong ảnh là anh Tú đang cùng cánh tay robot làm việc).
Anh Trần Thành Tuấn Tú, công nhân điều khiển robot Công ty sản xuất thương mại dịch vụ mỹ thuật Tân Việt cho biết mỗi mô hình đều được dựng mẫu trên máy tính trước khi chuyển sang robot để thực hiện khắc tạo hình. Với các sản phẩm đơn giản, robot chỉ mất 1-2 giờ để hoàn thiện. Nhưng với những mẫu phức tạp, thời gian có thể kéo dài đến 4- 5 tiếng.
Những mô hình linh vật sau khi được robot tạo hình sẽ trải qua công đoạn chà mài, đắp keo và tô điểm thủ công. Đặc biệt, đôi mắt của linh vật chính là cửa sổ tâm hồn được các họa sĩ chăm chút tỉ mỉ để thổi thần thái sống động, mang đến sự gần gũi và thân thiện.
Chị Mỹ Linh (28 tuổi), thợ vẽ lâu năm tại xưởng, chia sẻ: “Mỗi nét cọ là một phần tâm huyết chúng tôi gửi gắm. Đôi mắt của linh vật chính là nơi thu hút ánh nhìn đầu tiên, vì thế tôi luôn dành nhiều thời gian để tạo ra biểu cảm sinh động nhất.
Cũng theo những công nhân tại xưởng, hiện nay tết Nguyên đán đã cận kề nên để kịp các đơn hàng lớn, hơn 70 công nhân tại đây phải làm việc liên tục theo ca. Từ đầu tháng Chạp, xưởng đã ngừng nhận thêm đơn hàng mới để tập trung hoàn thiện những tác phẩm đã đặt trước.
“Năm nay Tết đến sớm, nhưng chúng tôi đã chuẩn bị từ trước nên không bị áp lực quá nhiều. Mỗi sản phẩm đều được làm kỹ lưỡng, đảm bảo bền đẹp dù trang trí ngoài trời hay trong nhà”, một công nhân đang tô màu cho linh vật chia sẻ.
Ngoài linh vật rắn, xưởng này còn sản xuất nhiều sản phẩm khác như bánh chưng, bánh giầy, trống đồng, thần tài, với thiết kế ngộ nghĩnh và màu sắc tươi sáng. Những tác phẩm này không chỉ là sản phẩm trang trí, mà còn mang ý nghĩa biểu trưng cho sự ấm no, thịnh vượng trong năm mới.
Trước khi rời khỏi xưởng, các mô hình linh vật được kiểm tra kỹ lưỡng và đóng gói cẩn thận để đảm bảo chất lượng khi đến tay khách hàng.
Những linh vật rắn này sẽ được đưa đến những công viên lớn ở TP.HCM, đến phố đi bộ Nguyễn Huệ, Thảo Cầm Viên, Kiên Giang, Đồng Nai. Các mô hình linh vật rắn góp phần mang lan tỏa không khí xuân Ất Tỵ đến nhiều nơi.
Minh Tuệ
Nguồn Giao Thông : https://www.baogiaothong.vn/tho-che-tac-o-dong-nai-ti-mi-thoi-hon-vao-mo-hinh-linh-vat-ran-tet-at-ty-192250116170304581.htm