Thơ Lê Tuấn Lộc đã thực sự nghe được điều trẻ con nói

Thơ Lê Tuấn Lộc đã thực sự nghe được điều trẻ con nói
một ngày trướcBài gốc
Nhà thơ Lê Tuấn Lộc. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tập thơ “Sao nhiều trăng thế” viết cho trẻ em, gồm 38 bài thơ, là kết quả của một quá trình ông thâm nhập vào thế giới trẻ thơ, chơi với các cháu mà trước hết là các cháu nội ngoại ở trong gia đình ông bà.
Bác Hồ nói: “Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”. Tư tưởng đó đã được xuyên suốt trong tập thơ của Lê Tuấn Lộc.
Ta hãy lắng nghe, ông “khoe” khi cháu của ông bà ra đời: “Cả nhà nghe cháu khóc/ Ông rưng rưng nước mắt”
Ông bộc bạch: “Cháu khóc to mà hay như hát”, “Khóc là cháu nói đấy... Khóc là nói hay nhất”, “Mặt trời của ông, tí hin hiền ngoan” và tự hào nhận định: “Chỉ có ông thấu được. Chỉ có bà hiểu ra” mà không sợ những người thân trong nhà, nhất là bố mẹ cháu “thắc mắc”.
Ông quan sát rất kỹ cách chơi của trẻ con, tình cảm của trẻ con với các thú nuôi hoặc đồ vật trong nhà. Chẳng hạn, với con mèo: “Meo mẻo mèo meo/ Em yêu con mèo/ Mai bắt chuột nhé/ Đừng cắn áo em”.
Một lần mèo vắng nhà, em nhớ mèo cơm không ăn. Rồi một đêm trên sân thượng, con mèo đã về kêu meo meo làm cả nhà nhốn nháo. Ai đánh nó, nhưng mèo khôn biết chạy về “Thương quá mèo trắng ơi”.
Trẻ con như tờ giấy trắng, nếu ta biết cách dạy dỗ từ tấm bé, trẻ sẽ rất ngoan. Hãy xem “Cháu tập làm công an”: “Trước mắt thấy đèn đỏ/ Kéo áo ông: “Dừng thôi”/ Không được giẫm vạch vôi/ Không đi khi đèn đỏ”. Và ông cũng rất ý tứ “tuân lệnh” của cháu: “Ông cười: “Ông xin lỗi/ Ông nhớ rồi cháu ơi”.
Một trong những trò chơi mà trẻ con thích là bắt chước người lớn “làm giả” như thật: “Câu giả, cá giả/ Nồi đun cũng giả/ Ngon quá, ngon quá/ Mồm nhai như thật” (Câu cá)
Hoặc: “Hai chị em trong nhà/ Chơi trò làm bác sĩ” (Tập làm bác sĩ)
Rồi trốn tìm nữa: “Bây giờ ông mới hiểu/ Thấy cũng không được nhìn.../ Nghe chạy như không biết
Thế mới là trốn tìm” (Đi trốn đi tìm)
Trẻ con rất hồn nhiên, đang khóc lại cười, cứ như diễn viên vậy. Ông “ghen” với cháu vì tính hồn nhiên ngây thơ này: “Vừa khóc đã cười ngay/ Đang buồn, vui tức khắc/ Nếu ông được như cháu/ Đời hồn nhiên bao nhiêu” (Khóc và cười); “Đang ăn nghe bạn gọi/ Bỏ cơm theo bạn ngay.../ Cháu tôi đổi tính thế/ Cứ như là diễn viên” (Như diễn viên).
Trí tưởng tượng của trẻ con thật phong phú: “Cún vàng làm thơ à/ Thơ cún dễ nghe thế/ Vẫy đuôi là thơ vui/ Cụp đuôi là thơ giận” (Cún vàng làm thơ)
Cháu thì lập luận: “Lạc đà không cần bướu/ Bướu là để chơi thôi”. Nhưng ông giải thích: “Khi đèo hàng lên dốc/ Có bướu hàng không rơi” (Cái bướu con lạc đà)
Ông phát hiện ra một điều thú vị là trẻ con thích làm người lớn (người lớn thì ngược lai): “Để thành người lớn/ Có khó không ông”; “Tập làm người lớn/ Có khó không ông/ Mặc áo bộ đội/ Sao vẫn trẻ con” (Tập làm người lớn). Còn ông thì lại ước được như cháu: “Nếu ông được như cháu/ Đời hồn nhiên bao nhiêu” (Khóc và cười)
Lê Tuấn Lộc dành một tình thương yêu vô bờ bến cho trẻ. Trẻ em trong thơ của Lê Tuấn Lộc (mà trước hết là các cháu nội, cháu ngoại của ông) là những cháu còn ở lứa tuổi mầm non, thế giới của các cháu là những người thân (bố mẹ, ông bà...), các con vật nuôi (chó, mèo, gà, vịt...), là bầu trời, cỏ hoa, ong bướm, là các đồ vật trong nhà...
Ông tìm hiểu rất kỹ tâm tư, suy nghĩ của trẻ con, chăm chú lắng nghe những câu trẻ con hỏi. Ví như: Tại sao lạc đà lại có bướu, voi lại có vòi, chuột lại có túi, mèo lại có đuôi, tại sao gà gáy... và câu lý giải bao giờ cũng hợp tình hợp lý với trẻ thơ. “Vòi để vơ bãi mía/ Vòi để khoe cho vui”, “Đuôi để quạt cho mát/ Đuôi để ve vẩy chơi/ Đuôi để đuổi kẻ trộm/ Đuôi để mèo đẹp hơn”, “Gà gáy đánh thức/ Bé học bài thôi/ Sáng mai cứ thế/ Gà gáy vang trời”, “ Con gà thì đẻ trứng/ Con chó thì sinh con”. Cháu hỏi ông “Vì sao... Ông trả lời được hết. Ông ngoại tài nhất đời". Nhưng ông lại căn dặn cháu: “Muốn biết nhiều, phải học”“Cháu sắp sửa đi học/ Muốn nhanh phải từ từ”.
Nhiều lúc nghe cháu bình: “Mèo thì đã có đuôi/ Mèo không cần có vòi/ Voi đã có vòi xám/ Thêm đôi ngà là thừa”, “Hòn đá không biết bơi/ Nó chìm là phải rồi”, ông cũng thấy vui vui “Nghe Tin bình hay quá/ Ông lại ngồi làm thơ”.
Nếu như trăng trong thơ của Trần Đăng Khoa là “Trăng ơi... từ đâu đến/ Hay từ một sân chơi/ Trăng bay như quả bóng/ Bạn nào đá lên trời” thì ông trăng trong thơ Lê Tuấn Lộc cũng rất dễ thương. Em bé trong thơ Lê Tuấn Lộc đang ở tuổi mầm non, chưa biết đá bóng, nên trăng với em chỉ là như hình với bóng “Em đi trăng cũng đi/ Em đứng, trăng dừng lại/ Trăng theo như cái bóng/ Ông trăng cũng biết đi” (Ông Trăng cũng biết đi) và rồi cháu thắc mắc: “Nhà bà cũng có trăng/ Nhà cháu cũng có trăng..../ Sao mà nhiều trăng thế?” thật ngây thơ và hồn nhiên.
Biển là một đề tài lớn, xuất hiện nhiều trong thơ ca. Nhưng biển của người lớn khác với biển của trẻ con nhiều lắm. Với người lớn: “Bờ cát dài phẳng lặng/ Soi ánh nắng pha lê...” (Biển - Xuân Diệu) hay “Chỉ có thuyền mới hiểu/ Biển mênh mang nhường nào/ Chỉ có biển mới biết/ Thuyền đi đâu, về đâu” (Thuyền và biển - Xuân Quỳnh). Nhưng với trẻ thơ: “Biển như cái ao to/ Chỉ có một bờ toàn những cát là cát/ Nhìn xa chỉ thấy nước là nước/ Sóng không có việc gì làm/ Tung bọt chơi suốt ngày/ Không ai chơi cùng sóng”.
Viết ra những câu thơ này, chứng tỏ Lê Tuấn Lộc đã ngồi lẫn vào trẻ thơ, bắt mạch đúng nhịp đập của con trẻ. Vì thế bài thơ có sức sống lôi cuốn, hấp dẫn người đọc.
Vì yêu trẻ thơ nên Lê Tuấn Lộc ham nghe trẻ hỏi. Vì yêu trẻ thơ nên khi cháu mới ra đời, chỉ nghe cháu khóc “Cháu múa hai chân lên không trung” ông đã hiểu ra điều trẻ muốn: đòi ăn, muốn ngủ, nhớ mẹ.... “Em lắc lắc đầu/ Nghĩa là không thích/ Khi em rất thích/ Tay múa linh tinh” (Em chưa biết nói), Lê Tuấn Lộc đã thực sự nghe được điều trẻ con nói, nói thành thơ những điều trẻ con nghĩ.
Viết thơ cho trẻ em, nhất là trẻ chưa đến tuổi vào lớp 1 là rất khó. Để trẻ con dễ đọc và dễ nhớ, tác giả đã chọn loại thơ câu ngắn, ngôn ngữ và giọng điệu “trẻ thơ” rất đáng yêu. Ông đã rất thành công trong tập thơ này.
Xin được chúc mừng tác giả và mong được đọc nhiều bài thơ mới của ông.
NGND Phạm Ngọc Quang
Nguồn Thanh Hóa : https://vhds.baothanhhoa.vn/tho-le-tuan-loc-da-thuc-su-nghe-duoc-dieu-tre-con-noi-35721.htm