Thơ Ngô Minh vẽ chân dung văn nghệ sĩ

Thơ Ngô Minh vẽ chân dung văn nghệ sĩ
2 ngày trướcBài gốc
Là người quảng giao, quý bằng hữu, nhất lại là bạn bè văn nghệ sĩ cộng với tài quan sát và năng lực thi ca nên Ngô Minh đã có những bài thơ, câu thơ sống động, dí dỏm chạm khắc được thần thái hoặc ký họa chân dung của người được miêu tả.
Nếu kể ra thì "quần anh tụ hội" khá đông trong thơ Ngô Minh. Có thể kể ra từ Trịnh Công Sơn, Nguyễn Tuân, Phùng Cung, Phùng Quán, Trần Dần cho đến Nguyễn Minh Châu, Tạ Vũ, Trương Bé, Nguyễn Văn Phương (Phương Xích Lô)... hết thảy những bài thơ này đều góp mặt trong tuyển tập về nhà thơ mang tên "Ngô Minh tác phẩm" xuất bản mấy năm trước khi ông giã biệt cõi thế.
Nhà thơ Ngô Minh.
Sau khi nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường ngã bệnh, Ngô Minh đã viết bài thơ "Tường ơi" khá xúc động:
Tường ơi không đứng thì nằm
Thì ngao du với dặm đàng chiêm bao
Cõi âm người hát nghêu ngao
Tiếng ma cười đấy! Tai nào biết nghe?
Chân dung Hoàng Phủ… hiện lên trước hết bằng tư thế không thuần túy sinh học, vật lý: "không đứng thì nằm", thì có sao đâu, ấy là một cách động viên bạn văn không may gặp nạn. Ngô Minh thường nói thơ Hoàng Phủ nhiều khi như thơ của cõi âm, chạm đến tâm linh nên bây giờ dẫu gặp nghịch cảnh thì vẫn cứ "thi triển" công lực văn chương của một tâm hồn được mách bảo gần như thấu thị nhiều điều không thể thấy bằng mắt thường, luận bằng duy lý. Câu cuối đoạn thơ trên chính là câu thoại khi bạn thơ ngồi trò chuyện với nhau: "Tiếng ma cười đấy! Tai nào biết nghe?".
Chân dung người bạo bệnh dù gặp tai họa vẫn không một nét gợi nên sự cúi đầu trước số phận, vẫn giữ được tư thế, phong độ của một trí thức dấn thân, một nhà thơ tên tuổi, ít nhất với cái nhìn của Ngô Minh. Nghĩa là Hoàng Phủ vẫn là Hoàng Phủ, vẫn là nhà thơ của những vần thơ diễm tuyệt, buồn và mong manh sương khói phận người, nhưng không phải bi lụy mà bản ngã vẫn đứng cao hơn thực tại cay nghiệt của ngay chính bản thân mình:
Miên man nào cõi đi về
Quỳ hôn cát bụi, khóc chia kiếp người
Phù dung về ngủ trên đồi
Vẫn đau đáu một chỗ ngồi nơi kia...
Vì thi sĩ đích thực là phải biết mơ-mộng-lạc-quan dù trong những tình cảnh éo le, khắc nghiệt, "trông chết cười ngạo nghễ" như nhan đề một cuốn tiểu thuyết hiện đại. Cơn đau hiện sinh như là một cách để nhà thơ trở về với bản thể chính mình:
Tường nằm điện thoại và nghe
Tiếng cười xa ngái sơn khê mây mù
Rồi khóc cười đẫm câu thơ
Rượu không còn uống vẫn thừa men say.
Bài thơ "Với Nhất Lâm trong đêm trăng làng Thượng Luật" của Ngô Minh lấy màu trắng làm gam màu chủ đạo trong tác phẩm gợi đến mái tóc khá đặc biệt của nhà thơ, nhà văn Nhất Lâm và ẩn dụ khác về đời người:
trắng tay
trắng tóc
thì về
gối đầu sóng trắng
mà nghe mõ nồm
trắng khuya
cạn chén biển buồn
thấy mình cùng lũ dã tràng
xe trăng.
Đúng là Ngô Minh thành công hơn cả với những chân dung văn nghệ sĩ có khí chất ngang tàng, cá tính góc cạnh, cuộc đời sóng gió và người vẽ bằng thơ cũng không còn phụ thuộc vào những niêm luật của cuộc đời và thi ca; cứ phóng bút gân guốc, tạo nên những nét phác thảo mạnh và sắc, dữ dội mà ấn tượng. Tôi thích cách lập ngôn phóng túng, ngắn và gọn, nghe như văn nói mà vẫn là thơ. Như bài "Tưởng niệm Văn Cao":
ngang mày
chén Tiên
nhấp
thời gian gọi ông bằng ANH
bởi chưng rượu trẻ!
ông gầy như cái vỏ chai
bảy mươi hai năm đầy vơi mắt rượu
bảy mươi hai năm không đựng lẫn thứ gì
ngoài men
và lửa
Câu thơ bén ngọt như nhát rìu chém vào thân cây điêu khắc nên diện mạo và thần thái Văn Cao. Đoạn kết cũng là bất ngờ, bất ngờ nhất câu kết với liên tưởng và tạo hình mới lạ:
Văn Cao
chàng Quốc lủi Hồn Quê
giữa khung trời
ngồi như nốt nhạc...
"Nhớ Thu Bồn" cũng là một chân dung ấn tượng khi khắc họa khí chất một con người mà lại là người thơ xứ Quảng:
Thu Bồn
lực lưỡng sông quê phù sa bồi đắp
thời gian áo lính bạc màu
sống đến tận cùng
quyết không làm kẻ khác
viết như say
như khát
như cuồng
Một Thu Bồn phóng túng đời mình, bạo liệt hết mình và yêu ghét không khoan nhượng, không che giấu hiện lên trong thơ Ngô Minh một cách sinh động và hào sảng:
Thu Bồn
miên man trường ca cong cần rượu vít
Tây Nguyên ngựa tung bờm
Tổ quốc như bầu vú nóng
đời ngất ngưỡng hát rong
Thu Bồn
không mào đầu vòng vo rào đón
yêu ghì chặt vòng tay
ghét quay lưng đỏ mặt
khó làm sao chân thật với lòng mình!
Thu Bồn
thơ - bàn tay đỡ người qua vách đá
thơ - gương mặt mồ hôi nhễ nhại
thơ - làn môi tím tái nụ hôn
thơ như lửa thắt lòng chén đắng
Bài thơ "Phỏng vấn Thạch Quỳ" có nhịp điệu thơ tự do nhẹ nhàng, "nhiều chữ" hơn song vẫn giữ được ưu thế tạo hình của Ngô Minh. Mở đầu là cách chơi chữ về đá khi nói đến nhà thơ Thạch Quỳ khi xưng tụng và chiêm bái cái Đẹp:
là đá sao không đứng lại quỳ?
em đẹp thế dại gì ngô nghê đứng
trời cao quá đất mới là bè bạn
quỳ trước cỏ xanh cũng một cách nguyện cầu
Hai khổ sau với cách nói lạ, gõ mạnh vào tri giác và lắng đọng trong cảm xúc khi nhận diện chân dung một nhà thơ mà suy ngẫm chuyện đời:
biển đầy thế sao người gầy như gió?
biển không đầy bằng chai
không đầy bằng mắt nhớ
phải gầy hơn mũi tên mới vào được hư vô
lúm tiền má em thăm thẳm đến không ngờ
nước ngập nhân gian sao người không tắm?
đá có tắm đâu nắng có tắm đâu
kẻ tắm sữa xông hơi mà tâm hồn dơ dáy
làm sao đến được cõi người!
Và kết thúc bằng một là một định nghĩa thơ và cũng là định mệnh thơ, vì- không -thể- khác:
thơ là gì mà người đeo đuổi
thơ là ma. Thơ chính là ta
nếu được tái sinh xin lại làm thi sĩ
để được tự do xơ xác vì thơ...
Chuyện thù tạc trong thơ vốn có xưa nay. Nhưng với nhà thơ Ngô Minh nhiều bài thơ, đoạn thơ, câu thơ đã vượt qua sự giao đãi bình thường, thể hiện tình và cả tài người viết. Đây cũng là một điểm nhấn khá quan trọng và thú vị trong thơ Ngô Minh mà chưa được nhiều người chú ý.
Phạm Xuân Hùng
Nguồn VNCA : https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/tho-ngo-minh-ve-chan-dung-van-nghe-si--i755421/