Thổ Nhĩ Kỳ 'nối lại giấc mơ' F-35 với Mỹ

Thổ Nhĩ Kỳ 'nối lại giấc mơ' F-35 với Mỹ
10 giờ trướcBài gốc
Tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở The Hague (Hà Lan) tuần rồi, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thông báo rằng nước này đã nối lại các cuộc đàm phán cấp kỹ thuật với Mỹ nhằm tái gia nhập chương trình máy bay chiến đấu F-35, theo tờ Bulgarian Miliatry.
Tại một cuộc họp báo, ông Erdogan nhấn mạnh cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc mua dòng tiêm kích tàng hình đa năng tiên tiến này, đồng thời lưu ý rằng nước này đã đầu tư từ 1,3 đến 1,4 tỉ USD trước khi bị loại khỏi chương trình vào năm 2019.
F-35: Giấc mơ bị lỡ của Thổ Nhĩ Kỳ
Ông Erdogan đưa ra thông báo trên sau cuộc gặp song phương với Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề thượng đỉnh NATO. Điều này báo hiệu một sự thay đổi tiềm tàng trong quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ, với những tác động đến sườn phía nam của NATO và chiến lược không quân của liên minh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Hội nghị thượng đỉnh NATO hôm 25-6 tại Hà Lan. Ảnh: WHITE HOUSE
Chương trình máy bay chiến đấu F-35, một trong những sáng kiến quốc phòng tiên tiến và tốn kém nhất trong lịch sử, đã trở thành điểm mâu thuẫn giữa Washington và Ankara trong hơn nửa thập niên qua. Việc Thổ Nhĩ Kỳ bị loại khỏi chương trình xuất phát từ lo ngại của Mỹ rằng hệ thống S-400 mà Ankara mua từ Nga có thể làm lộ khả năng tàng hình của tiêm kích F-35 — một rủi ro khiến Ankara bị gạt ra ngoài, mặc cho những đóng góp đáng kể về tài chính và công nghiệp.
Hành trình của Thổ Nhĩ Kỳ với chương trình F-35 bắt đầu vào năm 2002 khi nước này tham gia với tư cách là quốc gia đối tác, cam kết tài trợ và nguồn lực công nghiệp cho dự án do Tập đoàn Lockheed Martin dẫn đầu. Các công ty Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm Turkish Aerospace Industries, đã ký hợp đồng sản xuất các thành phần chính như các bộ phận thân máy bay và bộ phận bánh đáp, định vị Thổ Nhĩ Kỳ là một nút quan trọng trong chuỗi cung ứng F-35 toàn cầu.
Đến năm 2019, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp nhận một số ít máy bay F-35A và huấn luyện phi công tại Mỹ, với kế hoạch mua tới 100 máy bay chiến đấu để hiện đại hóa lực lượng không quân.
Mối quan hệ đối tác đã đổ vỡ khi Thổ Nhĩ Kỳ hoàn tất việc mua hệ thống phòng không S-400 Triumph của Nga vào năm 2019. Viện dẫn những rủi ro đối với công nghệ nhạy cảm của F-35, Mỹ lập luận rằng hệ thống radar tiên tiến của S-400 có thể thu thập dữ liệu về khả năng tàng hình của F-35 và thậm chí có thể chia sẻ thông tin đó với Moscow.
Một trở ngại lớn trong tham vọng sở hữu F-35 của Thổ Nhĩ Kỳ là nguy cơ tiềm tàng mà hệ thống S-400 có thể gây ra đối với công nghệ nhạy cảm của dòng tiêm kích này. Các radar tiên tiến của S-400, bao gồm radar điều khiển tác chiến 91N6E, về mặt lý thuyết có thể thu thập các tín hiệu điện từ phát ra từ F-35, qua đó làm suy giảm lợi thế tàng hình của máy bay chiến đấu này.
Điều này dẫn đến việc Thổ Nhĩ Kỳ bị đình chỉ khỏi chương trình, các đợt bàn giao F-35 bị hủy bỏ, bị áp đặt các biện pháp trừng phạt theo Đạo luật Chống lại Kẻ thù của Mỹ thông qua Cấm vận (CAATSA). Quyết định này khiến Thổ Nhĩ Kỳ thiệt hại hàng tỉ USD tiền đầu tư và làm gián đoạn kế hoạch thay thế phi đội F-16 cũ kỹ của nước này.
Thông báo của Tổng thống Erdogan cho thấy sự sẵn sàng vượt qua rào cản này, với việc Tổng thống Trump dường như cởi mở để xem xét lại vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong chương trình.
“Chúng tôi không bàn về S-400 trong cuộc gặp với ông Trump. Vấn đề này không nằm trong chương trình nghị sự của chúng tôi. Đây là một vấn đề đã khép lại” - ông Erdogan nói với các phóng viên tại The Hague, cho thấy vấn đề S-400 không còn là điểm gây tranh cãi trong các cuộc thảo luận với Mỹ, theo hãng thông tấn Anadolu.
Mỹ vẫn chưa xác nhận liệu việc Thổ Nhĩ Kỳ giữ lại hệ thống S-400 có thực sự không còn là vấn đề hay không.
Sức mạnh của F-35 ý nghĩa thế nào với Không quân Thổ Nhĩ Kỳ?
Việc Thổ Nhĩ Kỳ tham gia lại chương trình F-35, nếu thành công, có thể định hình lại năng lực không quân của Thổ Nhĩ Kỳ, củng cố thế trận răn đe của NATO và ảnh hưởng đến động lực phòng thủ tại khu vực.
Đầu tiên, F-35 có những ưu thế vượt trội. F-35 Lightning II, do Lockheed Martin phát triển, đại diện cho đỉnh cao của công nghệ máy bay chiến đấu hiện đại. Được thiết kế như một dòng tiêm kích đa nhiệm tàng hình một chỗ ngồi, một động cơ, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, F-35 tích hợp các cảm biến tiên tiến, khả năng tổng hợp dữ liệu và công nghệ tàng hình hiện đại, giúp nó chiếm ưu thế trên không.
Radar AN/APG-81 dạng mảng quét điện tử chủ động (AESA) của F-35 có thể phát hiện và theo dõi nhiều mục tiêu ở khoảng cách xa, trong khi hệ thống nhắm bắn quang-điện tử (EOTS) cho phép máy bay thực hiện các cuộc tấn công chính xác bằng các loại vũ khí như bom dẫn đường JDAM và tên lửa đối không AIM-120 AMRAAM.
Thiết kế tàng hình của máy bay chiến đấu F-35 giúp giảm diện tích phản xạ radar, khiến máy bay khó bị phát hiện bởi các hệ thống radar đối phương, bao gồm những hệ thống tiên tiến như S-400. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, F-35 sẽ giải quyết các lỗ hổng quan trọng trong năng lực không quân. Xương sống của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ – các tiêm kích F-16 – không có khả năng tàng hình và tích hợp cảm biến như tiêm kích thế hệ thứ năm, điều này làm hạn chế hiệu quả tác chiến trước các đối thủ hiện đại.
Một chiếc F-35A Lightning II (bay đầu) và hai chiếc F-16 Fighting Falcons của Mỹ. Ảnh: US AIR FORCE
Thứ hai, khả năng của F-35 trong việc xuyên phá các hệ thống phòng không tiên tiến và phối hợp với các hệ thống không người lái có thể làm thay đổi cách thức tác chiến của Thổ Nhĩ Kỳ. Năng lực tác chiến theo mô hình mạng lưới của F-35 cũng sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường khả năng tích hợp với lực lượng NATO.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, việc kết hợp F-35 cùng đội máy bay không người lái ngày càng phát triển, tạo nên sức mạnh hiệp đồng không đối đất đáng gờm. Khả năng tác chiến mạng của F-35, khi được tích hợp với các tài sản như máy bay không người lái Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ nâng cao khả năng phô diễn sức mạnh của Ankara.
Tuy nhiên, nếu không có máy bay chiến đấu F-35, không quân Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ tụt hậu so với các nước trong khu vực, và khoảng cách đó sẽ không thể được bù đắp hoàn toàn bằng phi đội F-16 đã lạc hậu.
Bên cạnh đó, theo Bulgarian Military, việc Thổ Nhĩ Kỳ có thể quay trở lại chương trình F-35 mang theo những tác động kinh tế đáng kể.
Ngành công nghiệp quốc phòng, đặc biệt là Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ (TAI), nhìn nhận việc tái gia nhập chương trình F-35 như một cơ hội để giành lại các hợp đồng béo bở và tiếp cận công nghệ cao, điều có thể giúp nâng tầm vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ như một trung tâm sản xuất quốc phòng.
Trước khi bị loại khỏi chương trình, các công ty Thổ Nhĩ Kỳ như TAI và Aselsan đã sản xuất hơn 900 linh kiện cho F-35, bao gồm các bộ phận khung thân và hệ thống điện tử hàng không. Những hợp đồng này hỗ trợ hàng nghìn việc làm và giúp Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng không toàn cầu.
Việc tái gia nhập chương trình máy bay chiến đấu F-35 có thể khôi phục những cơ hội này, mang lại cú hích cho nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đã phải đối mặt lạm phát và biến động tiền tệ trong những năm gần đây. Ngoài ra, việc chuyển giao công nghệ từ quá trình sản xuất F-35 cũng sẽ nâng cao năng lực của TAI, hỗ trợ các dự án như TF-X/Kaan — tiêm kích thế hệ thứ năm do Thổ Nhĩ Kỳ tự phát triển.
Tính toán từ hai bên
Với Ankara, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đang phụ thuộc vào phi đội F-16 đã cũ và các tiêm kích F-4 Phantom lỗi thời, xem máy bay chiến đấu F-35 là một yếu tố thay đổi cuộc chơi để duy trì ưu thế trên không trong khu vực đầy căng thẳng. Nhiều sĩ quan bày tỏ sự thất vọng trước việc bị loại khỏi chương trình vào năm 2019, điều này đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ không thể tiếp cận dòng tiêm kích thế hệ thứ năm.
Với Mỹ, đằng sau sự tính toán nối lại các cuộc đàm phán về máy bay chiến đấu F-35 có thể là những động lực địa chính trị rộng lớn hơn.
Vị trí chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ, nằm giữa châu Âu và Trung Đông, khiến nước này trở thành mắt xích then chốt của sườn nam NATO. Việc kiểm soát Eo biển Bosporus cùng với vị trí gần các điểm nóng như Ukraine và Syria càng làm nổi bật tầm quan trọng chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ.
Hội nghị thượng đỉnh tại The Hague vừa qua nhấn mạnh trọng tâm của NATO là phòng thủ tập thể, với việc các lãnh đạo nhất trí tăng chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP vào năm 2035. Cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc tăng ngân sách quốc phòng phù hợp với mục tiêu này, cho thấy sự gắn bó của Ankara với liên minh.
Việc Tổng thống Trump dường như sẵn sàng xem xét lại quyết định loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình máy bay chiến đấu F-35 có thể bắt nguồn từ mong muốn củng cố sự đoàn kết trong nội bộ NATO.
VĨNH KHANG
Nguồn PLO : https://plo.vn/video/tho-nhi-ky-noi-lai-giac-mo-f-35-voi-my-post857705.html